Chủ Nhật, 20/11/2016 | 11:00

Những ngày này, mỗi ngày Bệnh viện Da liễu Hà Nội và da liệu trung ương thương tiếp nhận, khám và điều trị 50-70 bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang, tăng cao so với tháng trước. Hiện kiến ba khoang xuất hiện nhiều tại phía Bắc.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, hầu hết bệnh nhân khi đến khám cho rằng bị viêm da do zona (giời leo). Bệnh zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu, với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn.

Tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể. Chính vì họ thường tự mua thuốc điều trị song bệnh không khỏi còn nặng hơn nên mới đến viện. Có người vào viện khám khi vết thương đã bị bội nhiễm mưng mủ, loang rộng so với ban đầu.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra khi bị tác động, chà xát hoặc bị giết có thể làm tổn thương da người như bỏng da, viêm da.

Kiến ba khoang là loại côn trùng có cánh, trên lưng có khoang đỏ đen, bay và chạy rất nhanh, thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng… Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao. Loại kiến này ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn…

Kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh sáng đèn. Vì vậy, vào buổi tối điện bật sáng sẽ thu hút kiến bay vào nhà, bám vào đồ dùng, tiếp xúc với da người. Độc chất từ kiến ba khoang tùy theo mức độ tiếp xúc với da sẽ gây viêm da nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ xâm nhập qua da.

Ban đầu người bệnh cảm thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ thì đỏ cộm thành vệt và nổi những mụn nước to nhỏ không đều kích thước 1-5 mm, một đến 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Khi ấy cảm giác đau rát càng tăng, có thể kèm theo sốt, khó chịu…

Để phòng tránh kiến ba khoang bay vào nhà, nên đóng kín hết cửa hoặc buông rèm nếu bật đèn. Có thể dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương… Mùa kiến xuất hiện nhiều như tháng 3-5 và tháng 8-10, trong nhà nên tắt bớt đèn, trước khi đi ngủ cần giũ nệm chiếu để tránh kiến. Nếu kiến ba khoang đậu trên người, không dùng tay chà xát sẽ làm cho dịch độc của kiến tiết ra nhiều và dính vào da, mà thổi nhẹ cho bay đi.

Các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, để sơ cứu ban đầu khi bị dính độc chất kiến ba khoang, trong nhà nên chuẩn bị sẵn 3 loại thuốc là cồn 70 độ, mỡ corticoid và kem phenaegan.

Khi bị dính chất độc kiến ba khoang, dùng cồn rửa sạch vùng da bị thương tổn để giảm tình trạng nổi bọng nước, sau đó bôi mỡ corticoid 4-6 lần một ngày, bôi kem phenaegan 8-10 lần một ngày. Khi bôi thuốc phải miết mạnh vùng da bị đốt đến lúc thuốc khô, thẩm thấu thuốc sẽ tốt hơn.

Lê Trang

Từ khóa

kiến ba khoangviêm datiếp xúcphòng chống

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook