Có nhiều bậc cha mẹ khổ tâm vì trẻ biếng ăn. Mặc dù đưa cho thức ăn bổ dưỡng trông rất ngon miệng, kèm theo lời dụ dỗ ngọt ngào hoặc lời đe dọa dữ dằn, trẻ vẫn không thèm ăn. Lúc này, nhiều người nghĩ đến việc cho trẻ uống thuốc…
Nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ có thể kể: do ngoại cảnh (thời tiết nóng bức, cha mẹ nuông chiều trẻ quá đáng cứ cho ăn quà vặt luôn miệng, luôn ẵm bế không cho vận động…), do chủ quan từ trẻ (bị bệnh tiềm ẩn, có tâm lý chống đối do bị ép ăn đánh mắng, ăn không hợp khẩu vị…).
Người lớn cũng có thể bị chứng chán ăn, đặc biệt các cô gái quá quan tâm đến vóc dáng sợ ăn nhiều gây mập.
Những loại thuốc trị biếng ăn
Có hai loại thuốc có thể dùng trị chứng chán ăn đặc biệt đối với trẻ mà không gây hại.
Một là thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng, nhằm giúp chuyển hóa tốt các chất dinh dưỡng. Đặc biệt có thuốc loại này có chứa thêm lysine là một axít amin (biệt dược Nutroplex) hay chứa dibencozid là dẫn chất vitamin B12 (Cobanzyme) được xem có tác dụng kích sự thèm ăn.
Hai là thuốc chứa các loại men tiêu hóa như: amylase (tiêu hóa chất bột), lipase (tiêu hóa mỡ), protease (tiêu hóa chất đạm). Đặc biệt có loại thuốc nhỏ giọt và thêm vitamin nhóm B (Neopeptin) khá thích hợp cho trẻ nhỏ. Dùng thuốc loại này, trẻ biếng ăn do thiếu men tiêu hóa sẽ giúp tiêu hóa ở trẻ tốt hơn, trẻ chóng đói và thèm ăn khi đến bữa.
Hai loại thuốc kể trên, các bậc cha mẹ có thể cho trẻ dùng thử xem có thể cải thiện tình trạng biếng ăn. Việc sử dụng thuốc có thể hỏi dược sĩ ở nhà thuốc để được hướng dẫn.
Có thuốc thường được dùng trị chứng biếng ăn là cyproheptadin (biệt dược Peritol, Periactine…) nhưng phải dùng rất thận trọng vì có thể gây hại. Đây là thuốc kháng histamin trị dị ứng nhưng lại có thêm tác dụng kích thích sự thèm ăn; ta cần lưu ý, cyprohentadin chỉ kích thích sự thèm ăn tạm thời và có nhiều tác dụng phụ có hại. Khi đang dùng thuốc sẽ kích thích ăn ngon miệng nhưng khi ngưng thuốc sẽ chán ăn trở lại. Thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ, không được dùng (tức chống chỉ định) đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em dưới 2 tuổi và người cao tuổi suy nhược. Đối với trẻ em, thuốc có thể gây cơn co giật – gọi là tác dụng phụ thần kinh ngoại tháp. Thuốc cũng không được dùng ở những người bị tăng nhãn áp, u tuyến tiền liệt, loét tá tràng. Do lợi bất cập hại như vậy nên nhiều nước đã không còn chỉ định dùng cyproheptadin trị chứng chán ăn trong khi ở ta vẫn còn dùng “làm thèm ăn, làm mập” ở phụ nữ và trẻ con.
Cảnh giác thuốc Đông y giả mạo
Đã có tình trạng kết hợp thuốc nguy hiểm là dùng chung cyproheptadin kể ở trên với corticoid với để thèm ăn, ăn ngon và mau tăng trọng.
Thuốc corticoid là thuốc chống viêm glucocorticoid, gồm nhiều loại: dexamethason (thường gọi nôm na là “đề xa” hay thuốc “hột dưa”), prednison, prednisolon… Corticoid làm tiết nhiều dịch vị ở dạ dày, gây cảm giác đói, ăn ngon nhưng có thể làm loét dạ dày, gây xuất huyết tiêu hóa. Song song, corticoid còn có các tác dụng phụ nguy hiểm khác như: làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng (dễ bị lao, nếu đã bị lao sẽ làm bệnh nặng thêm). Riêng đối với trẻ con, corticoid dùng bừa bãi có thể gây ra các tổn thương rất có hại và không hồi phục. Gần đây, thuốc mà các bà mẹ ở Hải Phòng truyền nhau mua để kích thích cho con thèm ăn, mau lớn là corticoid rất có hại nếu lạm dụng bừa bãi.
Không ít người từng biết và có khi sử dụng nhầm có thuốc Đông y “giả mạo” được quảng cáo chủ yếu: “Mát huyết, trị gầy yếu, thiếu máu, biếng ăn, mất ngủ …”. Trên thực tế, các thuốc Đông y “giả mạo” này có trộn thuốc tân dược là corticoid, cyproheptadin để tạo những tác dụng trước mắt: thèm ăn, ngủ được, mập ra, nếu có đau nhức sẽ giảm ngay (do tác dụng giảm đau chống viêm của corticoid) khiến nhiều người cho là “thần dược”, nhưng tác hại do việc dùng lâu ngày các loại Đông y “giả mạo” này không sao lường hết.
Tóm lại, nếu lạm dụng các thuốc trị biếng ăn gây hại kể ở trên hy vọng thèm ăn mập ra, nhất là đối với trẻ em, là điều hết sức nguy hiểm.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Chưa có bình luận.