Bé nhà em 5 tuổi. Khi đi học, bé hay đánh bạn vì lý do bạn đánh trước. Em đã khuyên con nhưng không răn đe gì nặng vì bé rất bướng.
Liệu em làm thế có đúng không? Em phải làm sao để con đừng đánh bạn nữa? (Xuân Nhi)
Ảnh minh họa: Forbes.com. |
Trả lời
Chào bạn!
Việc một đứa trẻ thường hay gây gổ đánh nhau với bạn bè vì bất cứ một lý do gì đều được coi là hành vi không tốt và cần phải được chỉnh sửa.
Theo như chia sẻ của mẹ, bé khi đi học hay đánh bạn vì bạn đánh bé trước. Trước hết, bạn cần tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến việc bé đánh bạn từ cô giáo dạy cháu để có cách uốn nắn phù hợp với hành vi của con. Nếu trong lớp có bé nào đó thường hay gây gổ đánh bé hoặc các bạn khác làm cho bé có hành động tự vệ thì bạn nên phản ánh với cô giáo để can thiệp, uốn nắn hành vi của bé đó, tránh ảnh hưởng lên con bạn và các bé trong lớp. Và cần nói rõ để con biết rằng việc gây gổ đánh nhau của bé hay bạn bè đều rất xấu và không thể chấp nhận được.
Có thể “mách nước” cho con một số cách ứng xử khi có bạn gây gổ, giành giật đồ chơi hay quyền lợi nào khác với mình. Khuyên con nên thương lượng, dàn xếp với bạn đó bằng lời nói, chẳng hạn: “Bạn không được đánh tớ, làm thế là rất xấu” hay “Nếu cậu đánh tớ, tớ sẽ không chia sẻ đồ chơi với cậu” hoặc “ Nếu cậu đánh tớ, tớ sẽ mách cô”… tuyệt đối không được đánh lại. Bạn có thể dạy con phản ánh ngay với cô giáo trong trường hợp không thể thương lượng được với bạn, bạn đó vẫn tiếp tục gây gổ đòi đánh bé.
Bố mẹ nên thường xuyên bầu bạn với con, lắng nghe con chia sẻ những chuyện hàng ngày trên lớp bé gặp phải để nắm bắt được suy nghĩ của con, gián tiếp kiểm soát hành vi của trẻ, qua đó uốn nắn kịp thời. Nếu bé có nhiều hành vi tốt thì cần củng cố tích cực bằng những lời khen hay phần thưởng hợp lý để bé ngày một tiến bộ. Nếu thấy biểu hiện hành vi xấu bạn cần giải thích ngắn gọn, dễ hiểu và tỏ thái độ nghiêm khắc dứt khoát để bé hiểu được điều đó là xấu và không được mọi người chấp nhận.
Có thể đưa ra hình phạt phù hợp nếu bé vẫn lặp lại hành vi đánh bạn (ví dụ: không cho xem chương trình bé thích trong ngày, không cho miếng dán hình siêu nhân mà bé thích…). Dù bé có thể rất bướng bỉnh nhưng đứng trước những thưởng phạt dứt khoát đã nói là làm của bố mẹ thì bé cũng sẽ hiểu được cần phải ngoan ngoãn hơn.
Một đứa trẻ hay đánh nhau với bạn tức là khả năng kiểm soát cảm xúc của bé chưa tốt. Hãy dạy con cách kìm nén cảm xúc bằng chính tấm gương của bạn. Cuộc sống có thể gây cho người lớn chúng ta nhiều căng thẳng, áp lực và đôi lúc chúng ta cũng khó kiểm soát được những cơn giận dữ của mình. Tuy nhiên, trước mặt con trẻ bạn cần hạn chế đến mức có thể những cơn giận dữ và đặc biệt nếu sự giận dữ của bạn dồn lên trẻ thì càng gây tác hại lớn. Bé sẽ thông qua đó học hỏi rất nhanh hành vi xấu từ bố mẹ, cứ không bằng lòng là có quyền xử lý bằng việc la hét, đập phá, làm tổn thương ai đó.
Hãy kể cho bé nghe những câu chuyện, đọc cho bé nghe một số cuốn sách trẻ em đề cập tới hành vi đánh bạn để cho bé nhận được thông điệp rằng “đánh bạn là không ổn chút nào cả” và bài học rút ra là “ không nên đánh bạn”. Thông điệp đó rất có giá trị với bé bởi nó đến từ một nguồn khách quan chứ không phải từ bạn. Một điều lưu ý bên cạnh đó là cha mẹ hãy kiểm soát những trò chơi điện tử hay chương trình phim hoạt hình mà bé thường theo dõi, bởi trong đó có thể ẩn chứa những nội dung bạo lực gây ảnh hưởng đến bé, nhất là bé trai thì càng chịu ảnh hưởng nhanh hơn.
Chúc bạn và gia đình luôn vui vẻ và hạnh phúc.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Chuyên gia tư vấn trường mầm non Hoàng Gia
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.