Việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh là điều không ai mong muốn vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên làm thế nào để nhận biết nguồn nước ô nhiễm thì phần đa người dân dùng cảm quan. Ít người biết phải mang nước đến các phòng thử nghiệm để xác định các thành phần và mức độ ô nhiễm.
Trên thực tế, ở một số vùng nông thôn, nguồn nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày của người dân được khai thác trực tiếp từ nguồn nước ngầm dưới lòng đất, có hộ gia đình ở nông thôn vẫn sử dụng giếng khoan, giếng đào, nước mưa, nước sông,… để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là cách để nhận biết nguồn nước ô nhiễm.
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: Dựa theo giới hạn các thông số vệ sinh chất lượng nước ăn uống cho gia đình, ngành y tế khuyến cáo các ảnh hưởng của từng loại chỉ tiêu trong nguồn nước lên sức khỏe người dân. Để nhận biết nguồn nước đảm bảo hay ô nhiễm người ta dựa theo tiêu chí khác nhau, trong đó về mặt cảm quan người dân dễ nhận thấy nguồn nước nhiễm bẩn, ô nhiễm như sau:
Màu sắc của nước:
Thông thường, nước ngầm vừa bơm lên trong, không màu, tuy nhiên khi để tiếp xúc với không khí một thời gian sẽ xuất hiện các phản ứng ôxy hóa sắt và mangan thành hydroxyt sắt và hydroxyt mangan kết tủa làm cho nước có màu. Nước có độ màu cao là dấu hiệu đầu tiên của tình trạng ô nhiễm, sự có mặt của một số ion kim loại (Fe, Mn), tảo, than bùn và các chất thải công nghiệp làm cho nước có màu. Màu vàng của hợp chất sắt và mangan. Màu xanh của tảo, hợp chất hữu cơ. Nước có độ màu cao thường gây khó chịu về mặt cảm quan. Tùy theo màu sắc của nước có thể đánh giá mức độ và nguyên nhân ô nhiễm nước, trên cơ sở đó lựa chọn phương pháp xử lý hiệu quả.
Mùi vị, độ đục của nước:
Nguồn nước được coi là hợp vệ sinh là nước trong, không màu, không mùi, không vị. Do đó, nước có mùi vị lạ gây cảm giác khó chịu. Nước ngầm có mùi hôi nguyên nhân là do các túi khí trong lòng đất được bơm lên theo dòng nước (mùi bùn đất) hoặc do nguồn nước thải, sự phân hủy chất hữu cơ ở khu vực xung quanh thấm vào mạch nước ngầm (mùi trứng thối), cũng có thể do trong nguồn nước có các ion sắt, mangan gây mùi tanh. Chỉ tiêu độ đục của nước biểu thị hàm lượng các chất lơ lửng trong nước (chất keo, đất sét, tảo, vi sinh vật…). Nước đục gây khó chịu cho người sử dụng; và thông thường nước đục thường kèm theo ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Các chỉ tiêu khác về hóa học và vi sinh như: độ pH, hàm lượng sắt, amoni, asen, crom, vi sinh (E. coli và Coliforms),… thì không thể nhận biết bằng mắt thường mà phải thông qua xét nghiệm mẫu nước tại các phòng xét nghiệm đạt chuẩn của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, các viện khu vực của Bộ Y tế, các trung tâm y tế dự phòng.
Nước ô nhiễm bởi các chất độc hại có thể ảnh hưởng sức khỏe và gây ung thư
Dùng nước nhiễm bẩn, nhiễm độc chất có thể gây nhiều bệnh nghiêm trọng với sức khỏe con người. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.Nga cho biết: Nước có thể bị ô nhiễm do vi sinh vật gây bệnh, do hóa chất, chất phóng xạ. Các vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh có trong nước có thể gây ra các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, giun sán, bệnh đau mắt hoặc bệnh ngoài da. Các bệnh dịch đường ruột nguy hiểm có thể lây qua đường nước như dịch tả, tiêu chảy cấp. Khi hàm lượng chất hữu cơ cao ở trong nước thì nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật càng cao.
Nước có thể bị ô nhiễm do các hóa chất. Một số hóa chất có trong nguồn nước tự nhiên như fluo, iốt, asen, sắt, florua, nitrat… Hàm lượng sắt cao ở trong nước gây mùi và màu khó chịu, hàm lượng fluo cao ở trong nước gây hỏng men răng, asen cao ở trong nước gây ngộ độc mạn tính hoặc gây ung thư. Hàm lượng nitrat cao ở trong nước ngầm và khi uống vào cơ thể có thể kết hợp với hemoglobin máu tạo thành methhemoglobin cản trở vận chuyển ôxy gây bệnh tím tái ở trẻ em.
Nguy hiểm nhất là nước bị ô nhiễm các chất thải công nghiệp, nông nghiệp có tiềm năng gây ung thư. Hiện có hơn 75.000 loại hóa chất công nghiệp trong nước thải ra và số hóa chất được tổng hợp đang tăng lên theo từng ngày. Đặc biệt là nước thải từ các khu công nghiệp gang thép, hóa dầu, công nghiệp hóa chất, sản xuất thuốc trừ sâu diệt cỏ. Chất gây ung thư hay gặp nhất là crom hóa trị 6 (hexavalent chromium), chỉ cần một liều nhỏ kim loại nặng này là đã có thể bắt đầu quá trình gây ung thư. Trong thời gian qua nước biển của khu vực Thừa Thiên Huế cũng đã phát hiện hàm lượng crom vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, trong báo cáo của địa phương không nói đến có hay không crom hóa trị 6. Các chất độc thần kinh và gây ung thư khác phổ biến trong nước thải ô nhiễm vào nguồn nước ăn uống là: benzene, clo, fluo, asen, chì, dimethyl disulfide, carbon disulfide, napthalene, trimethyl benzene… Các hóa chất sử dụng để bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp nếu rơi vào nguồn nước ăn uống cũng có thể gây ung thư.
Việc sử dụng clo để khử khuẩn nước cũng đang gây tranh cãi về khả năng gây ung thư của nó. Clo có thể kết hợp với các chất hữu cơ, chất ô nhiễm môi trường chứa các bon sẽ tạo thành tri-halo-methanes (THMs) là chất gây ung thư và biến đổi gene. Nhiều nước đã chuyển đổi sang công nghệ xử lý nước không dùng clo.
Một số dược phẩm thải bỏ khi rơi vào nguồn nước ăn uống cũng có thể gây tác hại lên sức khỏe như các thuốc kháng sinh gây kháng thuốc và các thuốc độc tế bào, các đồng vị phóng xạ cũng có thể gây ung thư.
Cách nhận biết nước ô nhiễm có thể gây ung thư
Bài liên quan: Dấu hiệu nước ô nhiễm cần được xử lý
Yhocvn.net (Theo SKĐS)
Chưa có bình luận.