Chủ Nhật, 13/09/2015 | 13:02

Giấy chứng nhận Đỗ Nhật Nam đạt thành tích xuất sắc ở môn Hình học và Đại số của Trường Tiểu học Saint Paul (ảnh: Vietnamnet) Giấy chứng nhận Đỗ Nhật Nam đạt thành tích xuất sắc ở môn Hình học và Đại số của Trường Tiểu học Saint Paul (ảnh: Vietnamnet)

Sau 9 tháng sang Mỹ, Đỗ Nhật Nam đã nhận được bức thư chúc mừng của Tổng thống Mỹ Barack Obama vì thành tích xuất sắc trong học tập.

Giải thưởng “Outstanding Academic Achievement” của Đỗ Nhật Nam thuộc hạng mục “President’s Award for Educational Achievement” dành cho những học sinh đã có những tiến bộ nổi bật hoặc có thành tích nổi bật ở một số môn học nhất định.

Mục đích của giải thưởng này là công nhận những học sinh đã có sự tiến bộ vượt bậc trong học tập nói chung hoặc sự tiến bộ ở một số môn học nào đó, nhưng chưa đáp ứng được tiêu chí để giành Giải thưởng dành cho học sinh xuất sắc trong học tập (President’s Award for Educational Excellence).

Bức thư của Tổng thống Obama có đoạn viết như sau: “Chúc mừng em đã đạt giải thưởng giáo dục của Tổng thống Mỹ. Tôi lấy làm vinh dự khi được đứng cùng gia đình, bạn bè và thầy cô giáo của em để vinh danh giải thưởng cao quý này… Sự tài giỏi của em đã truyền cảm hứng cho tôi, tôi biết em sẽ dùng những gì học được, cộng với sự đam mê để tự định hướng cho tương lai, nỗ lực giúp đỡ người xung quanh”.

Gia đình chưa bao giờ xem Nam là thần đồng

Ngày 3/6 vừa qua, thần đồng Đỗ Nhật Nam về nước sau gần một năm du học ở Mỹ. Hè này, Đỗ Nhật Nam về nước ba tháng. Sau buổi ra mắt sách cùng bố mẹ, cậu bé bắt đầu các kế hoạch: rong ruổi đến nhiều miền đất cùng gia đình và hiện Đỗ Nhật Nam đang dạy học tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ tại Hà Nội.

Đỗ Nhật Nam lọt vào những học sinh có điểm cao nhất tham gia kì thi ACT (American College Testing) ở Mỹ. Trong đó, điểm Đọc được lọt vào top 5% học sinh chuẩn bị vào đại học có điểm cao nhất nước Mỹ của kì thi ACT (32 điểm). Theo đó, Nhật Nam sẽ được mời đến trường vào tháng ba năm tới để nhận danh hiệu High Honors Awads Ceremony.

ACT là một kiểu kỳ thi chuẩn hóa nhằm giúp ban tuyển sinh của các trường đại học đánh giá và so sánh các đơn xét tuyển. ACT và SAT là 2 kỳ thi song song với nhau, tức là cả hai kỳ thi đều chung một mục đích và hầu hết các học sinh chỉ cần thi một trong hai về English (tiếng Anh), Mathematics (toán), Reading (đọc), Science Reasoning (khoa học luận), và Writting (viết). ACT ngày càng trở nên phổ biến hơn khi hầu hết các trường phía Đông Mỹ bắt đầu chấp nhận.

Chị Phan Hồ Điệp – mẹ của Đỗ Nhật Nam tâm sự: “Thật ra tôi và gia đình chưa bao giờ xem Nam là thần đồng, chỉ thấy con có ý chí, bản lĩnh, đầy nghị lực và cực kỳ yêu kiến thức, say mê khám phá. Việc học với Nam không có gì căng thẳng, trái lại đó là sự yêu thích và say mê. Ở Mỹ, Nam chỉ học bài đến 21h tối, sau đó chơi cờ, giải trí với bạn rồi đi ngủ sớm. Nhiều lúc tôi thấy thời gian học bài của Nam còn ít hơn các bạn cùng trang lứa”. Chị Điệp cho biết thêm, Nam luôn tự xoay xở được khi sống ở nước ngoài nên gia đình không lo lắng gì nhiều.

Đỗ Nhật Nam sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều là giảng viên Đại học Sư phạm I Hà Nội. Dù còn ít tuổi nhưng em đã gặt hái được nhiều thành tích trong học tập cũng như trong cuộc sống. Emđã hai lần được trao kỷ lục Việt Nam với danh hiệu Dịch giả nhỏ tuổi nhất và Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất. Ngoài ra, còn giành giành được giải cao trong các kỳ thi tiếng Anh, hùng biện, nhiều lần đứng trên sân khấu hội thảo quốc tế…

Dạy con từ điều giản dị nhất

Có được đứa con ngoan, tài năng là niềm mơ ước của bao nhiêu bậc cha mẹ. Với chị Điệp, anh Thảo, họ không có bí quyết gì cao siêu trong dạy dỗ Nhật Nam. Từ khi con còn bế ẵm, vợ chồng đã thống nhất dạy Nam bằng những gì nhẹ nhàng tinh tế. Họ gọi đó là kiểu “lạt mềm buộc chặt”. Khi mẹ nóng nảy, cha phải dung hòa và ngược lại. Vợ chồng tránh nặng lời với nhau cũng như giữa bố mẹ với con.

Theo chị Điệp, Nam là cậu bé hiền và biết nghe lời nhưng không phải bất cứ chuyện gì cũng dễ dàng. Ngày nhỏ đến nhà ai, Nam cũng sà vào đồ chơi, miệng líu lo. Người Việt thấy trẻ con hồn nhiên như vậy không sao nhưng ở Nhật sẽ bị coi là hơi khiếm nhã. Chị Điệp suy nghĩ và dùng những hình ảnh để dạy con. Trước mỗi hình ảnh, chị đều hỏi: “Em bé nói gì, làm gì, có ngoan không? Nếu là con, con sẽ làm gì?”… Nam rất thích thú và biết nhận xét làm thế nào trở thành một em bé lịch sự.

Lớp học của cậu bé 14 tuổi thu hút nhiều em nhỏ. Hơn 1.000 học sinh đã đăng ký tham gia học tiếng Anh của “thần đồng” mình ngưỡng mộ. (ảnh: Zing)

Nhận thấy việc giáo dục con qua những câu chuyện thế này rất hữu ích nên vợ chồng chị Điệp thường xuyên dùng truyện, thậm chí là cả truyện do hai bố mẹ tự sáng tác để phù hợp với những đề tài dạy Nam. Thông qua đó, họ dạy Nam những quy tắc cư xử như trong bàn ăn, đến lớp học, tư thế nằm ngủ, cách sắp xếp đồ đạc… Cách học mà chơi này kéo dài suốt tuổi thơ của Nam. Cậu bé học nhẹ nhàng, vui vẻ mà vẫn hiểu thông điệp bố mẹ muốn gửi gắm. Họ cũng áp dụng trò chơi vào cách dạy con từ việc học tiếng Anh đến nhận biết cuộc sống.

“Mọi người thường quan niệm muốn dạy con tốt là phải đòn roi, phải nghiêm khắc. Không dám bàn đúng hay sai nhưng mình luôn muốn cho con một tuổi thơ êm đềm, nơi đó tràn ngập tiếng cười và thấm đẫm tình cha nghĩa mẹ”, chị bộc bạch.

Chị Điệp tâm sự: “Khi con còn bé, bố mẹ cũng thường rèn cho Nam tư duy phản biện. Điều này giúp Nam thể hiện chính kiến của mình trong mọi chuyện mà vẫn đảm bảo chuẩn mực văn hóa giao tiếp”.

13 tuổi, Nam đã rời bố mẹ với tổ ấm gia đình để đi du học ở Mỹ. Em dành thời gian nhiều nhất cho học hành. Bên cạnh đó, cậu bé cũng đang có những bước chuẩn bị gấp rút cho việc xuất bản số đầu tiên một tờ báo tuổi teen châu Á, do Nam làm Tổng biên tập. Đỗ Nhật Nam không chỉ là niềm tự hào đối với gia đình em mà còn là niềm tự hào cho người Việt Nam đang sống và học tập tại nước ngoài.

Thành tích của cậu bé Đỗ Nhật Nam:

– Đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi của trường Đại học Cambridge: Starter, Movers, Flyers ( 15/15) (năm học lớp 1).

– Thi TOEIC đạt 940/990 điểm (năm học lớp 2).

– Thi TOEFLT ITP đạt 617 điểm (năm học lớp 2).

– Thi TOEFLT IBT đạt 107 điểm (năm học lớp 4).

– Thi IELTS đạt 8.0 với điểm reading đạt tuyệt đối: 9.0 (năm học lớp 5).

– Đạt được vô số giải thưởng tại các cuộc thi tiếng Anh, hùng biện trong nước và quốc tế.

– Những cuốn sách đã dịch: Mặt trời mọc, mặt trời lặn; Nạp điện; Tôi tư duy, tôi thành đạt; Sống đẳng cấp. Những cuốn sách đã viết: Tớ đã học tiếng Anh như thế nào; Những con chữ biết hát; Bố mẹ đã cưa đổ tớ.

– Hai lần được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam: Dịch giả nhỏ tuổi nhất và Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất./.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook