GD&TĐ – Mẹ tôi có cách dạy con không giống như những người mẹ khác trong làng. Không roi vọt, không những lời quở trách, mắng nhiếc hay dọa dẫm.
Mẹ dạy chúng tôi bằng những câu chuyện có hậu, những câu chuyện đời thường, có kết cục gần giống như những cái kết trong truyện cổ tích, hay những tấm gương về người tốt trong cuộc sống thường ngày… Những câu chuyện của mẹ không có bà tiên, ông bụt nhưng lại đủ sức mạnh, để cảm hóa những tâm hồn non nớt ngày ấy của chúng tôi.
Mẹ tôi là người nông dân lương thiện. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Củ khoai, củ sắn bới được cũng để dành để nuôi đàn con. Làm lụng vất vả và biết tằn tiện chi tiêu, nên mẹ tôi đã nuôi chúng tôi ăn học, vượt qua những ngày đói khổ dai dẳng.
Mỗi khi trong nhà có đứa nào lười học, hoặc làm những điều gì không đúng, mẹ thường mang mấy tấm gương, của người đi trước để chúng tôi tự “soi vào”. Nhưng điều làm tôi nhớ và biết ơn mẹ nhiều nhất, đó là mẹ dạy con bằng chữ “nghiệp”.
Lạ thay, chỉ với năm chữ cái ghép lại thôi. Nhưng con chữ giản dị ấy đã theo tôi suốt một thời cho đến tận bây giờ. Cái chữ có một sức mạnh, để một người mẹ dạy dỗ ba đứa con gái nên người, khi không có bóng dáng của người đàn ông trong nhà.
“Không làm điều ác, không chửi bới người khác, phải luôn giúp đỡ những người yếu hơn mình. Nếu không sẽ gieo nghiệp. Mà ai gieo nghiệp, thì sau này sẽ gánh cái nghiệp mà mình gieo đó, và tất nhiên sẽ khổ suốt đời.
Hoặc sâu xa hơn là sau này chết xuống…. “âm phủ” sẽ bị đày đọa! Nếu không chúng ta sẽ bị báo ứng ngay trong kiếp này. Hay hiểu một cách nôm na theo ý của mẹ, đó là ở ác sẽ gặp ác, hoặc sẽ gặp ác hơn cái ác mà chúng ta đã gieo.
Câu chuyện về chữ “nghiệp” mà mẹ làm tôi nhớ mãi: Nhà tôi có nuôi một con gà trống để dành giỗ cha, nhưng gần đến ngày giỗ, bất thình lình gà bị hàng xóm bắt mất. Chị em tôi định qua chửi cho lão hàng xóm hay ăn cắp vặt biết tay.
Nhưng mẹ tôi ngăn lại và bắt đầu với lí lẽ của mẹ: “Người ta ăn thì mình khỏi ăn, có gì đâu mà các con tức tối, bận tâm. Nếu sang chửi thì con gà cũng không sống lại, mà các con sẽ mang… nghiệp vào thân đấy.
Các con thấy bà Gạo trước làng không, vì kiếp trước ăn nói xấc xược, thích gây gổ, chửi nhau, nên kiếp này mồm bị lệch qua một bên đó, các con thấy chưa?”.
Không những dạy con cách đối đãi hàng xóm, mẹ còn dạy chúng tôi biết yêu thương nhau bởi những cụm từ “nếu không….”. Nếu không làm việc đức, thì con cháu của chúng ta sẽ khổ.
Nếu không biết nỗ lực vươn lên, thì suốt đời ta sẽ như một đám lửa tàn, không mang lại hạnh phúc cho bản thân và cho những người ta yêu thương. Nếu không biết thương yêu, nhường nhịn thì chúng ta sẽ gặp rắc rối, và cuộc sống sẽ chẳng có lúc nào bình yên…
Chưa có bình luận.