Thứ Sáu, 22/01/2016 | 12:30

Mua một lúc hai máy sưởi, bị mọi người kêu hoang phí, nhưng chị Lan Hương (Hà Đông, Hà Nội) vẫn quyết chi để bảo đảm sức khỏe cho con.

Nghe tin miền Bắc sắp sửa đón đợt không khí lạnh cường độ mạnh nhất từ đầu mùa, nhiệt độ có thể xuống tới 7 độ C, chị Lan Hương đã đầu tư hơn 3 triệu đồng cho một chiếc máy sưởi Halogen và một máy sưởi dầu cho cậu con trai 11 tháng tuổi từ hai ngày nay. Một số bạn bè cho rằng chị phung phí khi sắm hẳn hai máy, nhưng chị Hương cho hay mỗi máy có công dụng khác nhau, khi sử dụng hợp lý sẽ rất tốt cho sức khỏe của bé.

Chiếc máy sưởi Halogen có ưu điểm là làm nóng rất nhanh nhưng lại rất dễ làm khô da, vì thế chị chỉ dùng khi làm ấm phòng lúc cho bé tắm hay khi vừa ra ngoài trời lạnh về. Còn chị chủ yếu dùng máy sưởi dầu vì nóng không quá gắt, không làm khô da bé. Chị bật giữ ấm cho bé từ 10 giờ đêm đến 7 rưỡi sáng vì chị sợ khi ngủ, bé hay đạp chăn ra ngoài, nếu mẹ không để ý con rất dễ bị nhiễm lạnh.

“Xác định tháng này tiền điện sẽ tăng vọt, có thể gấp đôi, gấp 3 các tháng trước nhưng tôi vẫn quyết định bật máy sưởi cho con. Nếu con nhiễm lạnh, dễ bị ho, viêm phổi… tiền thuốc thang cho con cũng tốn kém, thậm chí còn nhiều hơn số tiền điện tôi phải trả hàng tháng. Tôi từng thấm thía cảm giác ‘tiền đội nón ra đi’ không thương tiếc mỗi lần cho con đi khám tai mũi họng, lần nào sơ sơ cũng phải 500 nghìn rồi”, chị Hương cho hay.

Các bà mẹ ráo riết đối phó đợt lạnh nhất từ đầu mùa

Các mẹ cần đặc biệt chú ý chăm sóc sức khỏe con trong những ngày đại hàn. Ảnh: Tuệ Minh.

Hai vợ chồng đang phân vân chuyện đổi nhà hay mua xe ô tô, chị Trang Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) duyệt ngay phương án mua chiếc ôtô 4 chỗ khi biết tin trời sẽ rét đậm.

Chồng thường xuyên đi công tác xa nên chị Nhung một mình đưa đón hai con đi học. Bé trai 7 tuổi thường đòi mẹ ngồi đằng trước, bé nhỏ hơn 4 tuổi chị buộc đai bảo hiểm ngồi phía sau. Sáng nào ba mẹ con cũng vội vội vàng vàng nên lúc thì bé quên đội mũ len, lúc lại quên mang khẩu trang. Nhiều hôm trời lạnh, chị phóng xe quãng đường hơn chục cây số đưa hai bé đến trường, lúc xuống xe thấy con mặt lạnh tái đi, chị xót xa vô cùng, nhất là cậu con trai lớn hay đòi đứng trước.

“Tôi định tính đổi nhà khác rộng rãi để Tết này hai con có không gian chơi đùa nhiều hơn, đón khách dễ dàng hơn thay vì nhà tập thể hơn 30m2 bây giờ. Nhưng trời lạnh thế này, nghĩ lại độn quần áo, rồi mũ, khăn tất sù sụ, ba mẹ con lại phóng xe vèo vèo, con dễ ốm nên quyết định mua ôtô. Giờ mình phải mua cái cần hơn là cái đủ. Nhà có thể vẫn ở vài năm nữa cũng không sao”, chị Nhung chia sẻ.

Nhiều mẹ khác cũng ráo riết sắm thêm cho con quần áo, mũ len, bao tay, tất, chăn lông cừu… chuẩn bị đối phó với những ngày rét đậm sắp tới. Ngoài những vật dụng trong nhà như điều hòa, lò sưởi, thảm, đồ ấm cho con, các mẹ cũng tìm hiểu thêm nhiều cách ủ ấm an toàn cho con ngày đại hàn.

Chị Thúy Hằng, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội, cho hay thời gian rảnh rỗi, chị thường lên mạng nghiên cứu cách chăm sóc con ngày lạnh từ các mẹ Việt và cả những phương pháp ở nước ngoài, trong đó chị rất tâm đắc cách mặc quần áo cho con của các mẹ ở Nhật Bản.

“Con lớn 6 tuổi của tôi, tôi áp dụng cách mặc như các mẹ Nhật như một tài liệu tôi đọc trên mạng, đó là mặc cho con nhiều áo mỏng thay vì mặc một lớp áo quá dầy. Không khí là chất cách nhiệt tốt, mặc nhiều áo mỏng vô tình tạo ra những lớp đệm không khí, khiến không khí lạnh khó xâm nhập cơ thể hơn. Nhiệt lượng chúng ta tỏa ra cũng không bị phát tán ra ngoài một cách dễ dàng được.

Khi con nóng, con có thể dễ dàng cởi ra một hai lớp, còn khi mặc áo dầy, con hay bị toát mồ hôi, dễ bị viêm phổi. Với cách này, con gái tôi không hề bị ho hắng hay ốm vặt như nhiều bạn cùng tuổi khác. Em bé thứ hai một tuổi, tôi cũng áp dụng phương pháp này”, chị Hằng cho biết.

Nhiều mùa lạnh trước, chị Linh Nga (Hai Bà Trưng) vẫn hay dùng tinh dầu tràm trà để xông phòng, pha vào nước tắm và xoa vào bàn tay bàn chân con để giữ ấm. Chị đang đặt mua thêm mấy lọ cho bé và cả mấy người bạn để dùng trong những ngày đại hàn tiếp theo.

Chị Nga chia sẻ bí quyết: “Tôi dùng tinh dầu tràm để xông phòng cho bé, xoa người con, gan bàn chân, bàn tay, cổ và ngực bé. Khi tắm tôi nhỏ vài giọt vào nước, ra đường cũng cho vài giọt vào khăn quàng cổ cho bé ngửi thấy. Con gái tôi 4 tuổi rất thích mùi hương này. Mùa đông nào cũng bắt mẹ xoa vào người bé”.

Chị Hà Thư, chủ cửa hàng chuyên bán dầu tràm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết mấy ngày nay đơn hàng đến tới tấp, người ship hàng đi cả ngày vẫn không gửi hết các đơn. “Các mẹ có con dưới 5 tuổi mua rất nhiều, trong đó nhiều nhất là mẹ của các bé dưới 2 tuổi. Có mẹ mua nhiều để tích trữ, dùng dần. Nhiều mẹ có thai và cho con bú dùng cũng tốt vì nó rất lành”, chị Thư cho hay.

Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng khoa Hô hấp Nhi ở bệnh viện Xanh Pôn từng khuyến cáo, thời tiết lạnh trẻ dễ sinh bệnh vì sức đề kháng kém, dễ nhiễm virus và lây bệnh cảm cúm từ người lớn, chứ ít khi vì không được giữ đủ ấm.

Bác sĩ cho rằng, nếu ủ cho bé thật ấm nhưng nhiệt độ môi trường sống vẫn quá lạnh thì cũng không có hiệu quả nhiều. Việc sử dụng điều hòa ấm hoặc máy sưởi liên tục trong phòng kín cũng không có lợi do tạo không khí quá khô, ngạt. Nên giữ nhà thông thoáng, có thể mở điều hòa hay quạt nhưng không nên dùng suốt ngày, thỉnh thoảng cần mở cửa cho lưu thông không khí và cần tạo độ ẩm thích hợp.

Mộc Miên

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook