Thứ Hai, 12/10/2015 | 09:30

Bình thường cháu thật thà, nghe lời ba mẹ, nhưng từ khi vào lớp một thì lại ăn cắp tiền để mua đồ chơi ở trường.

Con trai đầu của tôi đang học lớp một. Cả ba lần vợ chồng tôi phát hiện cháu lấy trộm tiền của ba mẹ thì đều từ nhỏ nhẹ phân tích đúng sai, đến phạt bằng roi và sau đó là dọa dẫm. Lần nào cháu cũng biết sai và nhận lỗi rồi hứa hẹn không lặp lại. Nhưng hôm nay, khi đón cháu, tôi lại phát hiện con ăn cắp kẹo tại căng tin của trường. Tôi thực sự ngỡ ngàng và suy nghĩ mãi không biết vợ chồng tôi đã sai gì khi dạy con.

Bình thường, trong việc dạy con, vợ chồng tôi luôn lấy mục tiêu coi con là bạn, để cháu được phát triển tự nhiên, không quá bao bọc nhưng cũng rất nghiêm khắc. Gia đình nội ngoại và hai vợ chồng tôi đều là trí thức và sống nề nếp nhưng có tư tưởng hiện đại, không bảo thủ. Chúng tôi kịch liệt phê phán những thói hư tật xấu. Hiện tại vợ chồng tôi rất buồn và suy nghĩ xem chúng tôi đã sai chỗ nào khi dạy con. Xin chuyên gia cho vợ chồng tôi lời khuyên. (Hải Trung)

Bố mẹ trí thức sốc khi con 6 tuổi hay ăn cắp

Ảnh minh họa: Popsugar.

Trả lời

Chào anh chị,

Thông qua chia sẻ trên, có thể thấy phản ứng của anh chị cũng là phản ứng chung của phần lớn phụ huynh khi gặp tình huống này. Đa phần cha mẹ đều cảm thấy sốc, thất vọng về con và lo lắng cho sự phát triển nhân cách của trẻ, rồi nói chuyện, nhắc nhở, khuyên răn… nếu con không nghe thì mắng, phạt và đánh. Rất ít phụ huynh bình tĩnh tìm hiểu xem động cơ nào dẫn đến những thói quen xấu đó của con.

Khi trẻ lấy tiền của bố mẹ, hãy hỏi con xem trẻ lấy tiền ở đâu, như thế nào? Khuyến khích trẻ diễn tả lại hành động của mình, làm sao để trẻ không cảm thấy sợ hãi và nói thật. Trẻ lấy tiền là hành vi bộc phát, có thể trẻ thấy người lớn hớ hênh để tiền không kỹ, do con thèm hay quá thích một món đồ gì đó mà không được đáp ứng, hay có ý định lấy tiền vì mục đích nào đó như bạn bè xúi về lấy tiền mua quà… Đừng vội quy kết hành động của con là ăn trộm, ăn cắp. Ở độ tuổi lên 6, trẻ vẫn chưa ý thức rõ ràng về sự sở hữu. Đôi khi, trẻ đã quen được bố mẹ cho tiền hay sai đi mua đồ, nên thấy tiền thì không cần biết là của ai, sẽ lấy đi mua hoặc là tự tiện lấy kẹo bánh như trường hợp của con bạn. 

Anh chị không nên trách mắng ầm ĩ hoặc làm bẽ mặt con ở nơi có người ngoài mà nên đưa bé vào chỗ riêng để phân tích cho con hiểu đây là hành động không tốt và rất xấu hổ nếu để mọi người biết. Có thể cho con thấy hậu quả nếu bố mẹ phát hiện chuyện này một lần nữa, đồng thời nhấn mạnh bạn không muốn điều ấy xảy ra nữa và tin con sẽ làm được. Sau đó nên khen, động viên khi con thực hiện được những việc này.

Nếu con lấy tiền để phục vụ một số nhu cầu cơ bản nhưng không được đáp ứng như mua quà, đồ chơi… hãy giải thích với con cách làm này là không tốt, và bảo con nếu cần gì hãy nói với bố mẹ. Người lớn cũng không nên quá cấm đoán các nhu cầu này của trẻ, chỉ cần đặt ra giới hạn phù hợp. 

Đôi khi, trẻ lấy tiền chỉ đơn giản là để thu hút sự chú ý của người lớn. Trong tình huống đó, anh chị hãy xem lại sự quan tâm, thời gian mình dành cho con.

Trường hợp con lặp lại hành vi lấy tiền nhiều lần, anh chị càng cần tìm cách làm rõ nguyên nhân. Hãy xem lại bản thân có thói quen vứt đồ lung tung, để tiền sơ hở hay có ai xúi giục con lấy hoặc trẻ quen ăn quà vặt, quen được tiêu tiền? Để làm rõ sự việc cũng không khó, ở độ tuổi của bé thường các con rất thật, không đủ mánh khóe để nói dối một cách logic. Chỉ cần anh chị hỏi vặn vài câu hoặc đánh vào tâm lý như kiểu bố mẹ biết hết sự việc rồi là bé sẽ nói ra hết.

Gia đình có thể làm vài thử nghiệm, vờ để quên tiền lẻ ở chỗ trẻ dễ thấy và quan sát xem con lấy tiền làm gì, tiêu ở đâu. Anh chị có thể đảo ngược tình thế bằng cách bày tỏ sự tin tưởng với con, giao cho bé việc giữ đồ, canh cho khỏi bị kẻ khác lấy trộm đồ của bố mẹ. Trong bất cứ tình huống nào đều cần khuyến khích con nói sự thật. Hãy phê bình hành vi xấu nhưng bao giờ cũng cần tìm ra điểm tốt của con để động viên. Chẳng hạn, con đã trung thực nhận lỗi, dám nói sự thật… Và điều quan trọng nhất là vạch ra cho con cách làm đúng, chẳng hạn muốn ăn gì thì hỏi mẹ mua cho, bạn xúi làm điều xấu thì kể cho bố mẹ biết để bố mẹ có cách giải quyết…

Bố mẹ hãy thường xuyên trò chuyện với con, đọc truyện cho con nghe hoặc đưa ra các tình huống để cùng trẻ xử lý… từ đó để con rút ra ý nghĩa và tự bản thân con hiểu, thay đổi theo hướng tích cực.

Chuyên viên công tác xã hội Phùng Anh Thư
 Trường mầm non Hoàng Gia

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook