Thứ Sáu, 23/06/2017 | 10:30

Khiến 23 nhân viên y tế đổ bệnh, cái chết năm 1994 của Gloria Ramirez (Mỹ) đến nay vẫn là bí ẩn đối với y học.

Ngày 19/2/1994, Gloria Ramirez đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Riverisde, California, do buồn nôn, khó thở và tăng nhịp tim. Lúc ấy, không ai có thể ngờ người phụ nữ này lại trở thành một trong những ca bệnh “dị thường” nhất được ghi lại dưới tên gọi “Quý bà Chất độc”.

Theo BuzzFeed, trước khi sử dụng máy khử rung tim cho Gloria, đội ngũ y tế nhận thấy cơ thể cô bị bao phủ bởi “một lớp dầu nhờn” có “mùi tỏi”. Lấy máu nữ bệnh nhân, nữ y tá Susan Kane phát hiện mùi hóa học và bác sĩ phụ trách cũng ghi nhận sự xuất hiện của những hạt màu kem trôi nổi trong đó.

Một lát sau khi lấy máu Gloria, y tá Kane đột nhiên ngất xỉu. Như hiệu ứng domino, một loạt nhân viên y tế xuất hiện các triệu chứng ngất xỉu, run rẩy, thở bất thường. Bệnh viện phải thông báo tình trạng khẩn cấp nội bộ đồng thời sơ tán mọi bệnh nhân khác đến bãi đỗ xe.

20h50 ngày hôm ấy, bác sĩ xác định Gloria đã qua đời. Thi thể nữ bệnh nhân được 2 nhân viên y tế chuyển tới phòng cách ly. 10 ngày sau, một trong 2 người này là Sally Balderas nôn mửa và cảm thấy nóng ran đến mức phải nhập viện. Julie Gorchynski, nhân viên còn lại phải điều trị tại đơn vị chăm sóc đặc biệt suốt 2 tuần.

Tổng cộng, 23 trong số 37 nhân viên y tế chăm sóc cho Gloria đã đổ bệnh. Tròn 2 tháng từ ngày qua đời, cô yên nghỉ trong khuôn viên bệnh viện. Sau khi khám nghiệm tử thi, nhân viên điều tra khẳng định Gloria chết vì loạn nhịp tim.

Bí ẩn về cái chết của người phụ nữ khiến cả kíp cấp cứu ngộ độc

Gloria qua đời khiến hơn 20 y bác sĩ đổ bệnh theo. Ảnh: Pinterest.

Vậy, chuyện gì đã xảy ra với Gloria Ramirez? Hàng loạt giả thuyết được đưa ra bắt đầu từ Sở Y tế và Dịch vụ Nhân sinh California. Cơ quan này cho rằng nhân viên bệnh viện đã trải qua cơn rối loạn phân ly tập thể chứ không có nguyên nhân y tế. Họ nhấn mạnh tài xế xe cứu thương chở Gloria vẫn khỏe mạnh và không chất độc nào được phát hiện trong máu bệnh nhân. Giả thuyết này bị Gorchynski, nhân viên y tế tham gia cấp cứu Gloria ngày trước kịch liệt phản đối, thậm chí kiện ra tòa.

Giả thuyết thứ hai đến từ Phòng thí nghiệm Livermore, suy luận một phản ứng hóa học đã gây ra tình trạng bí ẩn. Cụ thể, Gloria có thể đã sử dụng gel DMSO để giảm bớt cơn đau do bệnh ung thư, giải thích cho mùi tỏi đội ngũ y tế ngửi thấy. DMSO cũng chính là phân tử oxy tách khỏi dimethyl sulfone, hợp chất hóa học xuất hiện trên cơ thể bệnh nhân.

Dimethyl sulfone nhiều khả năng bị phá vỡ khi y bác sĩ sốc điện cho Gloria. Kết hợp với sulfate tự nhiên, nó sẽ chuyển thành dimethyl sulfate. Là chất hóa học cực mạnh, dimethyl sulfate dễ dàng làm tổn thương tim, gan, thận và dẫn tới mê sảng, tê liệt, co giật. 

Lập luận của Phòng thí nghiệm bị một số chuyên gia chỉ ra lỗ hổng. Bản thân cơ quan này cũng chưa bao giờ tiến hành thí nghiệm chứng minh.

Giả thuyết thứ ba khẳng định nguyên nhân đến từ bệnh viện chứ không phải Gloria. Trên thực tế, Bệnh viện Đa khoa Riverisde từng vài lần lần rò rỉ khí độc nguy hiểm.

Nhiều người còn nghi ngờ bệnh viện che đậy vụ việc bởi các nhà điều tra ban đầu nói rằng Gloria không chết vì nguyên nhân tự nhiên nhưng rồi lại thay đổi, kết luận người phụ nữ qua đời vì loạn nhịp tim. Hơn nữa, chỉ một tháng sau khi tiếp nhận vụ việc, người dẫn đầu cuộc điều tra là Stephanie Albright tự sát. Các đồng nghiệp thừa nhận bà đã phải chịu áp lực khủng khiếp. Mẫu máu của Ramirez cũng biến mất khỏi bệnh viện.

Về phía gia đình Ramirez, họ tin rằng có điều gì đó chưa sáng tỏ song đến nay y học vẫn chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng.

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook