Bị sốc sốt xuất huyết, bé trai 8 tuổi tại Vĩnh Long suy thận, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan nặng.
Bệnh nhi sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4 bé hết sốt, đau bụng, ói ra dịch màu nâu, tay chân lạnh, than mệt nên người nhà đưa đến nhập Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Các bác sĩ ghi nhận trẻ tay chân lạnh, mạch cổ tay nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo, chấm xuất huyết da và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết.
Được điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi vẫn diễn tiến phức tạp. Bé sốc kéo dài, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp phải thở bằng máy. Cháu được điều trị rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa bằng truyền tĩnh mạch huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu đậm đặc.
Đến ngày thứ 7, thay vì hồi phục như những trường hợp khác thì bé lại có biểu hiện suy thận cấp, tổn thương gan, hôn mê, tổn thương phổi, tình trạng quá nặng nên chuyển viện sẽ không an toàn. Các bác sĩ Cần Thơ hội chẩn cùng Bệnh viện Nhi đồng 1 tại TP HCM và được đồng nghiệp đưa ê kíp lọc máu xuống hỗ trợ. Sau lọc máu đợt 1, tình trạng bé trai cải thiện hơn nên được chuyển lên TP HCM tiếp tục lọc máu.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc cho biết sau gần một tháng, tình trạng bệnh nhi mới cải thiện dần, tỉnh táo và cai được máy thở.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh lưu ý mùa mưa bệnh sốt xuất huyết có thể rình rập tấn công trẻ nên cần tăng cường diệt muỗi, loăng quăng, ngủ mùng tránh muỗi đốt. Cha mẹ theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa ngay vào bệnh viện:
– Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì.
– Đau bụng.
– Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen.
– Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.