Thứ Sáu, 09/10/2015 | 10:00

Cháu là con đầu nên được quan tâm chiều chuộng từ bé và gần đây, cháu rất hay ăn vạ, gào thét ghê gớm.

Tôi cảm thấy rất mệt mỏi và bất lực trong việc dạy bảo con trai 4 tuổi. Khi cháu ăn vạ, kêu gào, bố mẹ có nói gì thì cháu càng gào to hơn. Một số việc hằng ngày như ăn cơm hay đánh răng buổi tối của cháu, bố mẹ cũng phải giục rất nhiều lần mới thực hiện. Làm thế nào để con thực hiện những mệnh lệnh của bố mẹ và không ăn vạ vô cớ như bây giờ nữa ạ. (Đức Tuấn)

Bất lực trước con 4 tuổi ăn vạ ghê gớm

Ảnh minh họa: Livescience.

Trả lời

Chào bạn,

Hành vi ăn vạ của trẻ thường làm các bố mẹ bực mình và cảm thấy bất lực. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, bố mẹ và người lớn xung quanh càng chiều chuộng trẻ thì trẻ càng ăn vạ để được mọi việc theo ý muốn của mình. Tuy nhiên việc xử lý hành vi ăn vạ không khó khăn vì hầu hết trẻ ăn vạ là đã ý thức được mục đích của mình. Chỉ cần người lớn cương quyết và cứng rắn hơn là dần dần sẽ loại bỏ được hành vi xấu này ở trẻ. Sau đây là một số lời khuyên giúp bạn loại bỏ hành vi ăn vạ của con:

Trước khi xử lý hành vi ăn vạ ở trẻ thì bố mẹ cần thống nhất với ông bà và mọi người lớn không được chiều chuộng trẻ, cần có thái độ nghiêm khắc, dứt khoát với hành vi sai trái của bé. Khi trẻ sai thì chỉ một người dạy trẻ, những người còn lại tuyệt đối không tham gia, không cưng nịnh bé.

Khi trẻ có hành vi la hét, khóc lóc, nằm lăn ra đất, giẫy đạp… thì phương pháp tốt nhất là lờ trẻ đi, không quan tâm đến vấn đề của trẻ. Khi trẻ muốn thu hút sự chú ý của người lớn như bám vào áo mẹ, giật áo thì mẹ đẩy trẻ ra và tiếp tục như không có gì xảy ra. Nếu trẻ đập phá đồ đạc thì nên nhặt cất món đồ đó, không để trẻ có cơ hội đập phá. Khi trẻ đã chán với việc ăn vạ rồi thì người lớn có thể nói bâng quơ để thu hút trẻ như  “Cái điều khiển tivi của mẹ đâu nhỉ? Có ai lấy nó không nhỉ”…. Lúc đó trẻ sẽ hăng hái đi lấy đồ cho mẹ mà quên đi hành vi ăn vạ. Sau nhiều lần không thành công, chắc chắn trẻ sẽ không còn muốn làm một việc không có kết quả này nữa. Để thực hiện được điều này đòi hỏi bố mẹ phải thật bình tĩnh, cương quyết, tuyệt đối không nóng ruột quát mắng hoặc nhún nhường, cưng nịnh trẻ.

Đối với việc trẻ lười thực hiện các công việc vệ sinh cá nhân, người lớn cần khuyến khích trẻ thông qua các câu chuyện, chẳng hạn kể cho bé nghe chuyện “chú khỉ sâu răng”, sau đó lấy nhân vật trong chuyện để khuyến khích trẻ. Có thể sử dụng phương pháp tích thưởng, chẳng hạn mỗi lần con tự giác đi đánh răng mẹ sẽ thưởng một ông sao dán vào bảng, nếu được 7 ông sao mẹ sẽ cho con đi chơi công viên hoặc làm một việc mà bé thích…

Chúc bạn và gia đình thành công trong việc giáo dục trẻ.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Quỳnh
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook