Kháng sinh Cefepim có tính quyết định với sinh mạng bệnh nhân thường trong 72 giờ đầu, tuy nhiên bảo hiểm y tế chỉ đồng ý thanh toán khi có kết quả kháng sinh đồ, tức sau khoảng 1 tuần.
Cefepim là thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 4, phổ rộng, có tác dụng quan trọng với nhiều trường hợp nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Nếu sử dụng thuốc này, bệnh nhân tốn trung bình khoảng 2-6 triệu đồng mỗi ngày. Thông thường bác sĩ phải áp dụng phác đồ “xuống thang”, dùng thuốc liều cao ngay từ đầu, đợi có kết quả kháng sinh đồ sẽ giảm liều mới để đảm bảo an toàn cho tính mạng bệnh nhân.
Tuy nhiên theo quy định, bảo hiểm y tế chỉ thanh toán thuốc này khi có kết quả kháng sinh đồ xác định bệnh nhân nhiễm trùng nặng, tức đợi khoảng một tuần. “Nếu không dùng thuốc kịp thời, thường là trong 72 giờ đầu, vi khuẩn có thể tiết ra độc tố làm suy đa cơ quan, phủ tạng, nhiễm trùng toàn thân, nguy hiểm tính mạng”, một bác sĩ tại TP HCM chia sẻ.
Với những bệnh nhân đủ điều kiện kinh tế để tự chi trả, bác sĩ giải thích và kê đơn cho dùng thuốc ngay từ đầu. Nhiều trường hợp không đủ tiền, bác sĩ phải tính đến những cách “đối phó” như hội chẩn liên viện, báo động đỏ… mới được bảo hiểm y tế thanh toán.
Kháng sinh thế hệ mới là giải pháp duy nhất trong nhiều trường hợp điều trị. “Nếu thuốc không có trong danh mục để sử dụng hiệu quả ngay từ đầu, quá trình điều trị sẽ kéo dài, tốn kém, không chỉ là gánh nặng cho bệnh nhân mà bảo hiểm y tế cũng sẽ chi trả tổng cộng có thể lớn hơn”, bác sĩ này phân tích.
Bệnh nhân được điều trị hồi sức cấp cứu. Ảnh minh họa: Lê Phương.
Hiện nhiều bệnh nhân có nguy cơ bỏ cuộc điều trị vì bảo hiểm chỉ chi trả thuốc theo hướng dẫn nhà sản xuất. Thông tư 40 của Bộ Y tế năm 2014 quy định: “Bảo hiểm y tế không thanh toán đối với trường hợp sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được duyệt”. Do đó những thuốc được sử dụng không có trong chỉ định của tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hộp thuốc sẽ không được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
Tại TP HCM, nhiều loại thuốc bảo hiểm y tế vừa bị dừng thanh toán vì không có trong chỉ định điều trị của nhà sản xuất, trong khi thực tế bác sĩ sử dụng do cần thiết cho một số bệnh nhân.
Từ đầu tháng 4, hàng trăm gia đình bệnh nhi tại các viện nhi ở TP HCM đang điều trị hội chứng thận hư, lupus ban đỏ phải điêu đứng vì bảo hiểm y tế dừng thanh toán hai loại thuốc Mycophenolate mofetil và Tacrolimus. Khoảng 80% bệnh nhân bắt buộc phải dùng thuốc này mỗi ngày để duy trì sự sống. Gánh nặng điều trị mỗi tháng khoảng trên 5 triệu đồng, thay vì chỉ dưới 1 triệu đồng như trước khiến nhiều gia đình lao đao. Nhiều phụ huynh ở tỉnh đưa con đi khám định kỳ hàng tháng, bất ngờ nhận được thông báo bảo hiểm dừng chi trả 2 loại thuốc này, đành phải xin bác sĩ kê thuốc vài ngày, sau đó đưa con về nhà kiếm tiền rồi quay lại viện lấy thuốc tiếp.
Bệnh nhân điều trị lupus ban đỏ tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 ví dụ, theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế thì phải sử dụng thuốc Gamma Globulin để trị bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên trong hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất thì lại không có điều trị bệnh này. Theo thông tư 40 thì bảo hiểm y tế sẽ không chi trả cho bệnh nhân khi bác sĩ dùng thuốc Gamma Globulin để trị bệnh tay chân miệng. Rất nhiều loại thuốc đặc trị các bệnh khác cũng trong tình trạng tương tự.
“Thông tư, hướng dẫn để ngăn bác sĩ dùng thuốc quá tay là đúng nhưng cần phải tìm hiểu thực trạng điều trị”, bác sĩ Khanh nói. Việc kê đơn không thể phụ thuộc hoàn toàn vào hướng dẫn của nhà sản xuất mà phải theo phác đồ của Bộ Y tế, hội đồng khoa học, tùy đáp ứng của mỗi bệnh nhân, kinh nghiệm của bác sĩ…
Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong ngành dược cho biết vấn đề cần đặt ra ở đây là thuốc dù không có trong chỉ định điều trị của nhà sản xuất nhưng theo phác đồ, bác sĩ vẫn kê đơn điều trị một cách hiệu quả và bệnh nhân trả tiền bình thường. Vô hình chung điều này gây ra sự thiệt thòi, không công bằng giữa bệnh nhân có và không có bảo hiểm.
Theo bà Lan, việc cân đối để tránh vỡ quỹ bảo hiểm y tế là rất cần thiết nhưng phải bằng nhiều cách hợp lý hơn như xem lại kết cấu tài chính, nguồn thu, giảm cồng kềnh bộ máy quản lý... Điều khiến nhiều bác sĩ luôn trong tâm trạng thấp thỏm là cứ mỗi năm bảo hiểm y tế lại dừng thanh toán một vài loại thuốc, khiến việc điều trị bị ảnh hưởng rất lớn.
“Nếu bảo hiểm không thanh toán loại thuốc nào thì nên thực hiện ngay từ đầu, việc đột ngột dừng chi trả khiến cha mẹ nghèo bế con từ tỉnh xa xôi lên thành phố chữa bệnh không biết phải xoay trở ra sao, ảnh hưởng đến tính mạng con trẻ”, phó giáo sư Phong Lan chia sẻ.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.