Chủ Nhật, 13/09/2015 | 08:40

Ảnh: MHẢnh: MH

Chị Rachel, một bà mẹ người Anh, khi dạy con gái 3 tuổi về quy tắc đồ lót tình cờ phát hiện ra cô bé đã bị một người bạn thân tín của gia đình lạm dụng.

Trước khi cô bé tròn 3 tuổi, người mẹ này không nghĩ đến chuyện nói với con về tình trạng lạm dục tình dục vì nghĩ rằng bé còn quá nhỏ và mọi chuyện vẫn còn trong tầm kiểm soát của bố mẹ.

Ngày bắt đầu bài học giúp con tự bảo vệ bản thân, Rachel nói với con gái Hannah: “Khi con đã mặc đồ lót vào, chỗ đó là dành riêng cho con. Không ai có thể chạm vào đó”.

Cô chờ đợi con gái nói “dạ” một cách đơn giản. Vậy nhưng bé lại nói “Nhưng bác Ron đã cho tay vào chỗ đấy của con” – Rachel kể lại câu chuyện của mình trên trang web của NSPCC (một tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh).

Trong sự hoài nghi, Rachel và chồng cô hỏi con gái thật cẩn thận về những gì Ron đã làm với cô bé. Gia đình Rachel đã thân thiết với Ron trong 10 năm qua nhưng chưa bao giờ biết rằng người đàn ông 60 tuổi, đã có vợ này, từng ở nhà một mình với Hannah khi gã đến thăm họ.

Ron thường tận dụng mọi cơ hội để có được vài phút ở một mình với Hannah và lạm dụng bé. Gã hay rủ Hannah chơi trốn tìm và trốn cùng bé trong phòng ngủ rồi làm chuyện đó, thậm chí trong nhiều lần.

Giờ đây, Ron đang ngồi tù 8 năm vì tội lạm dụng tình dục. Còn Hannah phải mất một thời gian dài sau đó mới có thể hồi phục tâm lý sau một chuỗi dài buổi kiện cáo và ra tòa làm chứng để luật pháp trừng trị kẻ lạm dụng mình.

Tại Việt Nam, ngày 21/4, bảo vệ của một trưởng tiểu học ở Khánh Hòa vừa bị khởi tố vì tội dâm ô với hai em học sinh lớp 1 và lớp 2 ngay trong ca trực của mình.

Chuyên viên xã hội học Nguyễn Thị Thanh Thúy – Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, người từng đứng ra tổ chức nhiều buổi nói chuyện về dạy trẻ cách bảo vệ bản thân – lo lắng cho rằng không chỉ bé gái mà hiện nay cũng có rất nhiều bé trai bị lạm dụng, nhất là ở các hồ bơi.

Thống kê ở Việt Nam, mỗi năm có đến hơn 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Theo chị, cha mẹ có con nhút nhát có thể lo con khi bị lạm dụng mà không biết tự vệ, nhưng chính những đứa trẻ có vẻ bạo dạn, quảng giao lại đáng lo hơn.

Đôi khi các bé bị lạm dụng mà không biết, bởi vốn quen được bố mẹ ở nhà âu yếm, nên không đề phòng khi được người lạ ôm hôn, và bị lạm dụng lúc nào không hay.

Trong một buổi gặp mặt với các vị phụ huynh của Hội quán Các bà mẹ, bác sĩ nhi khoa, chuyên gia tâm lý Nguyễn Lan Hải nhận xét, trẻ bị xâm hại tình dục có nguyên nhân phần lớn đến từ cha mẹ như cho con ăn mặc hở hang và đặc biệt không biết cách giáo dục giới tính cho con.

Bà cho biết, trong những chuyến công tác về vùng xa, nhóm bác sĩ của bà nhận thấy có rất nhiều trẻ em con nhà nghèo dù đến tuổi đi học vẫn còn ở truồng. Và đó là một trong những lý do khiến trẻ dễ bị lạm dụng. “Chúng tôi đã tặng các em quần lót và dặn các bé, nếu bị ai động vào người, các con hãy túm chặt quần của mình lại” – Bà kể lại.

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1) trong một buổi nói chuyện với các phụ huynh tại TPHCM cũng cho biết việc giáo dục giới tính cho trẻ phải được thực hiện ngay từ khi trẻ còn mầm non.

Nhiều người lớn cứ cho rằng giáo dục giới tính là nói với trẻ về các cơ quan sinh sản, như thế là rất sai lầm. Giáo dục giới tính chính là giáo dục để trẻ sống đúng giới tính của mình, biết bảo vệ bản thân mình và tôn trọng người khác.

Theo bác sĩ Trang, giáo dục giới tính cho trẻ có thể từ những việc rất nhỏ như cho trẻ mặc quần lót trước khi bé đến trường. “Trong rất nhiều trường tiểu học, đến giờ thay quần áo, các em nam và nữ đứng ở cùng một khu vực và thay đồ cùng nhau. Vì thế, việc bé vẫn mặc một chiếc quần lót trên người là điều rất cần thiết” – Bác sĩ Trang khuyên.

Chị Thanh Thúy cũng cho biết, sắp tới, Hội quán Các bà mẹ sẽ mua quần lót để tặng cho các bé con nhà nghèo ở những vùng ven TPHCM. Ngoài mục đích giúp trẻ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, thì đây cũng là một cách để giáo dục giới tính cho trẻ, giúp trẻ tự bảo vệ mình.

Quy tắc quần lót (PANTS rules) mà tổ chức NSPCC kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con của mình:

P – Private (Riêng tư): Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ.

Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.

A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con): Hãy cho trẻ biết rằng cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.

N – No means no (Không là không): Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.

T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn): Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật “tốt” và “xấu”.

Những câu như: “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình” thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe.

Những bí mật “tốt” có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật “xấu” là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra.

S – Speak up (Lên tiếng): Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo…

Bác sĩ Lan Hải giới thiệu Quy tắc bàn tay trong giao tiếp mà cha mẹ cần dạy trẻ để giúp trẻ tự bảo vệ mình.

Bàn tay của bé có 5 ngón và cũng được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp.

1. Ôm hôn, dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột.

2. Nắm tay: Với bạn bè, thầy cô, họ hàng.

3. Bắt tay: Khi gặp người quen.

4. Vẫy tay: Nếu đó là người lạ.

5. Xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.

Luật bàn tay này không chỉ phù hợp với trẻ mầm non mà với trẻ tiểu học, vị thành niên.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook