Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, cung cấp đạm một cách thích hợp trong 1.000 ngày đầu đời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả cuộc sống sau này của trẻ.
Bác sĩ Hoàng Lê Phúc – Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch Hội Tiêu hóa Gan mật Nhi khoa Việt Nam nhận nhiều câu hỏi của độc giả trong buổi tư vấn trực tuyến “Vai trò của đạm đối với sự phát triển của trẻ” diễn ra lúc 14h ngày 28/4 trên VnExpress.
Dưới đây là phần tư vấn của bác sĩ.
– Nhờ chương trình cho biết những biểu hiện hoặc triệu chứng nào cho thấy trẻ đang bị thiếu hụt đạm ạ? Có cần phải đưa đi khám mới biết được hay không? (Nguyễn Thị Hòa, Bình Thuận)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1:
Chào bạn,
Dấu hiệu của thiếu hụt đạm là trẻ chậm tăng cân, đứng cân, trương lực cơ nhão, teo cơ, và phù ở giai đoạn trễ.
Nếu bé có một trong những tình trạng hoặc dấu hiệu đó thì bạn nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được khám và tham vấn.
– Bác sĩ cho tôi hỏi là với trẻ chỉ mới 4 tháng thì chỉ có thể bổ sung đạm cho bé bằng sữa mẹ, liệu vậy đã đủ chưa? Nếu cần bổ sung thêm thì bổ sung bằng cách nào? Cám ơn bác sĩ đã tư vấn! (Phạm Lê Phương, Biên Hòa)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào Phương,
Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất cho trẻ từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi. Nó cung cấp nguồn năng lượng và đạm tối ưu nhất cho bé. Vì vậy, trẻ 4 tháng không cần bổ sung thêm đạm từ bất kỳ một nguồn nào khác sữa mẹ, nếu trẻ bú, ngủ, chơi và lên cân tốt.
– Đạm đóng vai trò quan trọng thế nào đối với sự phát triển của trẻ? Trong giai đoạn phát triển nào của trẻ thì đạm có vai trò quan trọng nhất? Vì sao? (Nguyễn Thị Vinh)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào bạn,
Đạm, axit amin có vai trò rất quan trọng trong cấu tạo và chức năng tế bào cơ thể. Ở trẻ em, ngoài chức năng thay thế protein, đạm còn có vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của trẻ. Nhu cầu đạm thay đổi theo các giai đoạn phát triển và tăng trưởng của trẻ. Nói chung trẻ càng nhỏ, nhu cầu đạm càng cao. Ví dụ: 1,5g/kg/ngày ở trẻ dưới một tuổi và chỉ 0,8g/kg/ngày cho người trưởng thành. Các nhà khoa học cho rằng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ cung cấp đạm một cách thích hợp sẽ ảnh hưởng rất quan trọng đến cả cuộc sống sau này của trẻ.
– Em muốn biết hậu quả đối với trẻ sẽ như thế nào nếu cung cấp cho trẻ thừa đạm thưa bác sĩ? (Đặng thị Vân)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào Vân,
Đạm có vai trò rất quan trọng trong cấu trúc và chức năng của cơ thể. Đạm có thể cung cấp 4kcal/g, nhưng ít khi cơ thể dùng nó như một nguồn năng lượng mà chủ yếu là dùng để thay thế lượng mất đi, cũng như phục vụ cho quá trình tăng trưởng của trẻ.
Hiện, chưa có giới hạn trên của nhu cầu đạm cho trẻ, nhưng khoảng thời gian gần đây, các nhà khoa học cho thấy cung cấp nhiều đạm hơn khuyến nghị thông thường ở một số giai đoạn như 12 tháng tuổi, 24-48 tháng tuổi… có thể làm tăng nguy cơ béo phì sau này cho trẻ.
– Thưa bác sĩ, cho em hỏi đạm có bao nhiêu loại? Đạm từ nguồn nào là tốt? (Động vật, thực vật, trứng, sữa…). (Trần Thị Hằng)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Có một vài cách phân loại đạm như theo nguồn gốc từ động vật hay thực vật; theo phổ axit amin của đạm… Theo axit amin có thể chia làm 3 nhóm: axit amin cần thiết (cơ thể không tự tổng hợp được mà phải cung cấp từ thực phẩm hàng ngày); axit amin không cần thiết (cơ thể tự tổng hợp được); và axit amin cần thiết có điều kiện (cơ thể tăng nhu cầu trong một số giai đoạn phát triển nào đó hoặc do trong một số bệnh lý).
Nói chung, đạm có nguồn gốc từ động vật (sữa, thịt, trứng…) có thể cung cấp đầy đủ cả ba loại axit amin; trong khi đạm từ thực vật có thể thiếu các axit amin cần thiết (đạm đậu nành thường thiếu methionine). Thức ăn cung cấp đạm từ động vật có thể kèm với chất béo không tốt cho cơ thể, trong khi thức ăn cung cấp từ đạm thực vật có thể không có điều này. Vì vậy, cần phối hợp cả đạm thực vật và động vật trong một số giai đoạn phát triển của cơ thể.
– Em có tìm hiểu thông tin thì được biết là người trưởng thành được khuyến nghị sử dụng đạm cân bằng theo tỷ lệ 30% đạm thực vật, 70% đạm động vật. Vậy tỷ lệ này có áp dụng cho trẻ được không? (Nguyễn Thị Kim Mỹ)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào bạn,
Phối hợp đạm động vật và thực vật là để bảo đảm cung cấp đầy đủ và hoàn chỉnh các loại axit amin cần thiết và không cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra còn có tác dụng loại bỏ các chất không tốt cho cơ thể có từ đạm động vật (ví dụ cholesteron). Vì vậy, không nhất thiết phải theo tỷ lệ như bạn nói cho trẻ em. Ví dụ đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nguồn cung cấp đạm duy nhất cho trẻ lại từ động vật (sữa mẹ). Ở giai đoạn ăn dặm và về sau có thể phối hợp đạm động vật và đạm thực vật.
– Làm sao biết trong sữa có đạm tốt nhất? (Nguyen Le Tuyet Van, 34 tuổi)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào bạn,
Tôi có thể hiểu câu hỏi của bạn là “Đạm trong sữa nào là tốt nhất?”. Cho đến nay, nguồn đạm lý tưởng nhất cho trẻ nhỏ là đạm từ sữa mẹ bởi nó cung cấp đầy đủ và hoàn hảo các axit amin cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của trẻ nhỏ. Hơn thế nữa, hàm lượng đạm trong sữa mẹ cũng ở mức cân bằng nhất cho sự tiêu hóa và hấp thu tối ưu dưỡng chất. Người ta lấy phổ axit amin của sữa mẹ làm khuôn mẫu cũng như tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng các nguồn cung cấp đạm thay thế sữa mẹ. Thông thường người ta dùng chỉ số PDCAAS (thang điểm tiêu hóa axit amin hiệu chỉnh) để đánh giá chất lượng đạm trong sinh dưỡng.
Nói chung, đạm tốt nhất trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức thay thế sữa mẹ là đạm có thành phần axit amin gần với sữa mẹ nhất, đồng thời phải có hàm lượng gần với sữa mẹ nhưng vẫn bảo đảm được tính sinh khả dụng như sữa mẹ để tránh tình trạng dư hoặc thiếu đạm cho trẻ.
– Cho em hỏi lượng đạm cần cho bé từ 3 tuổi. Bé trai em được 3 tuổi, cân nặng 13 ký thì có phải là ốm không ạ? (Nguyễn Thị Hồng Loan, 32 tuổi, Phan thiết – Bình Thuận)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào Loan,
Theo nhu cầu khuyến nghị protein của Viện Dinh dưỡng Quốc gia 2016, nhu cầu đạm cho trẻ 3-5 tuổi là 1,55g/kg/ngày cho bé; 6-11 tuổi là 1,43g/kg/ngày; 12-14 tuổi là 1,37g/kg/ngày cho bé trai (1,3g/kg/ngày cho bé gái). Bé trai nhà bạn 3 tuổi, cân nặng trung bình khoảng 14kg (nếu cân nặng nhẹ hơn 80% của 14kg, bé sẽ bị suy dinh dưỡng). Trường hợp bé của bạn 13kg thì không bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, bạn cần đưa bé đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn dinh dưỡng nếu bé chậm tăng cân hoặc đứng cân trong 3 tháng gần đây. Một con số để bạn dễ theo dõi tình trạng dinh dưỡng của bé là ở lứa tuổi này, bé sẽ tăng 2kg mỗi năm.
– Cháu nhà tôi được 5 tháng tuổi, gần đây mỗi lần cho cháu bú sữa xong thì thường 1 chút sau đó là trớ hết sữa ra, dù có làm các kiểu vuốt lưng, xoa bụng… Nhờ bác sĩ chỉ giúp nguyên nhân do đâu, tôi có thể làm gì để khắc phục tình trạng này? (Diệu Thu)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào bạn,
Với những triệu chứng và bệnh sử như bạn kể, bé có thể bị các rối loại như: khó tiêu do rối loạn tiêu hóa; bú quá nhanh và quá nhiều; trào ngược dạ dày thực quản, và các bệnh lý khác. Nếu bé vẫn tươi tỉnh sau khi trớ sữa và không kèm một bất thường nào khác thì bạn có thể làm các điều sau: cho bé nằm đầu cao khi bú, nâng bình cho sữa luôn ngập núm vú, xem lại kích thước của lổ núm vú, cho bé nằm đầu cao sau bú (sau khi đã cho bé ợ).
Nếu không hiệu quả, bạn nên đưa bé tới cơ sở y tế địa phương gần nhất để thăm khám.
– Khi chọn sữa cho con, thành phần sữa càng nhiều đạm sẽ càng giúp trẻ phát triển nhanh có đúng không thưa bác sĩ? (Nguyễn Thị Vân)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào Vân,
Công thức sữa tốt nhất cho trẻ là công thức có thành phần giống sữa mẹ nhất. Nghĩa là có sự cân bằng giữa các thành phần đường – đạm – béo và cung cấp đầy đủ vitamin cùng khoáng chất. Như vậy, nếu chọn thành phần sữa có nhiều chất đạm sẽ gây ra sự mất cân bằng trong công thức sữa. Điều này không tốt cho trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn lựa chọn công thức sữa nhiều đạm để phối hợp với các thực phẩm ít đạm khác thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để bảo đảm sự cân bằng chế độ ăn cho trẻ.
– Tôi được biết sữa đậu nành rất giàu đạm, vậy thì tôi có thể cho bé ở nhà uống thêm sữa đậu nành để bổ sung thêm nhiều đạm cho bé không? Bé nhà tôi năm nay 4 tuổi. Cám ớn (Nguyễn Thụy Thi)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào bạn,
Đạm từ đậu nành có phổ axit amin rất tốt, có thể làm nguồn bổ sung đạm cho trẻ. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý là bé có thể bị thiếu methionine do hàm lượng methionine trong sữa đậu nành chỉ bằng một nửa cho với sữa thông thường.
– Tôi có nghe nói là nếu cho trẻ ăn quá nhiều đạm sẽ không hấp thu được và sẽ ngày càng giảm cân có đúng không ạ? (Nguyễn Thị Thanh Tú)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào Tú,
Lượng đạm trong khẩu phần ăn cần có tỷ lệ cân đối với các dưỡng chất khác như đường, béo. Nếu chế độ ăn của bé có nhiều đạm, lâu ngày sẽ có nguy cơ làm bé thiếu các dưỡng chất khác. Tùy theo giai đoạn phát triển của cơ thể mà chế độ ăn dài hạn như vậy có thể gây ra béo phì hoặc suy dinh dưỡng.
– Làm sao để biết bé đang tăng cân khỏe mạnh khi thấy trẻ có vẻ ốm hơn các bạn cùng lứa tuổi? (Kim Ngân)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào bạn,
Để theo dõi sự tăng trưởng của bé, bên cạnh cân nặng, người ta còn quan tâm tới chỉ số chiều cao và mối tương quan giữa chiều cao – cân nặng quan trọng hơn hai chỉ số rời này. Người ta dùng biểu đồ tăng trưởng chuẩn để đánh giá sự tăng trưởng của bé. Biểu đồ này bao gồm các yếu tố cân nặng – chiều cao – giới tính và tuổi của bé trong vài tháng liên tiếp. Nếu biểu đồ tăng trưởng của con bạn giống biểu đồ tăng trưởng chuẩn, bé đang tăng cân khỏe mạnh, mặc dù trông có vẻ hơi ốm so với các bạn cùng lứa tuổi.
– Cho em hỏi là nếu trẻ bị béo phì là do thừa đạm đúng không? Cháu nhà em bị béo phì nên em cắt khẩu phần sữa của cháu đi thì có đúng không? Có giúp cháu giảm cân được không? (Trần thị Thùy Nhi)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào bạn,
Béo phì ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân như bệnh lý nội tiết, chuyển hóa, di truyền bẩm sinh hoặc do chế độ ăn và lối sống. Nếu béo phì do bệnh lý, thường chiều cao của trẻ sẽ thấp hơn so với chuẩn. Béo phì không do bệnh lý thường do năng lượng cung cấp vượt quá năng lượng tiêu hao (cho cấu tạo mô và hoạt động thực thể). Thừa đạm trong thời kỳ nhũ nhi là một yếu tố nguy cơ làm trẻ bị béo phì. Ở những giai đoạn lớn hơn, chế độ ăn thừa năng lượng cùng với thói quen ít vận động là yếu tố nguy cơ của béo phì.
Nếu bạn cắt phần sữa của bé mà không cung cấp đạm từ những nguồn khác có chất lượng tương đương thì trẻ có nguy cơ thiếu đạm, có hại cho sự tăng trưởng tối ưu của trẻ vì trẻ vẫn cần đạm để lớn lên.
3 nguyên tắc điều trị béo phì cho trẻ em là: tăng vận động, điều chỉnh chế độ ăn hợp lý và cải thiện hành vi cần phải được phối hợp nhịp nhàng, nghiêm túc và duy trì lâu dài mới có thể làm bé giảm cân.
– Tôi có nghe về việc trẻ có dị ứng khi uống sữa công thức, có phải là do sữa có nhiều đạm không? Làm sao để phòng ngừa tình trạng này? (Thùy Chi)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào bạn,
Bạn cần phân biệt giữa dị ứng và bất dung nạp đạm. Nếu bé bị mất dung nạp đạm có nghĩa là bé vẫn có thể ăn loại đạm đó ở một mức độ vùa phải. Tuy nhiên, nếu bé đã dị ứng với đạm thì chỉ một lượng rất nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng có hại cho bé (nổi mẩn đỏ; mề đay; khó thở; sưng phù mặt, môi, ói máu; đi tiêu chảy, tiêu máu; chàm, nặng hơn có thể bị phản vệ, thậm chí tử vong.
– Cháu nhà em, mỗi khi mẹ cho ăn cháo với nhiều đồ hải sản tầm vài hôm thì bé hay bị tiêu chảy hoặc phân ngoài bị loãng, em cũng dắt bé đi Bệnh viện mấy rồi, nhưng cứ ăn hải sản thì lại thế (Bé nhà em 40 tháng) nhờ bác sĩ tư vấn giúp ạ! (Nông Dân, 41 tuổi, Quận 3)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào bạn,
Nếu mỗi lần bạn cho bé ăn một loại cụ thể hải sản dù là lượng rất ít mà bé vẫn bị tiêu chảy thì nhiều khả năng bé bị dị ứng loại hải sản đó. Rất tiếc cho tới nay không có thuốc để điều trị tình trạng dị ứng này và cách điều trị duy nhất là loại bỏ thực phẩm đó ra khỏi chế độ ăn của bé. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý loại hải sản đó có trong các thực phẩm đóng gói hay món ăn để không dùng cho bé. Thời gian loại bỏ sản phẩm thông thường là một năm nếu bé chỉ bị tiêu chảy khi ăn hải sản đó; 2 năm nếu bé có những triệu chứng nặng như khó thở, sốc.
Nếu bé chỉ bị tiêu chảy khi ăn nhiều lượng hải sản, bạn có thể tập cho bé ăn dần dần từ ít đến nhiều và lưu ý trong khoảng thời gian 2 ngày, bé dùng hải sản thì không ăn thêm bất kỳ loại thực phẩm mới nào khác để tiện theo dõi triệu chứng.
– Tôi được biết sữa có đạm whey thủy phân rất tốt cho sức khỏe của trẻ, giúp trẻ dễ hấp thu, nhưng làm sao tôi biết được sản phẩm sữa tôi chọn cho con có đạm whey thủy phân? (Vũ Thị Hiền)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào Hiền,
Cách nhận biết được đạm của sản phẩm dinh dưỡng công thức có phải là đạm whey thủy phân hay không rất đơn giản. Bạn chỉ cần nhìn vào thành phần trên thông tin sản phẩm của hộp sữa. Nếu có chữ whey và Hydrolysed hoặc chữ HA (HypoAllergenic) thì đạm của sữa công thức đó có thành phần từ whey và đã được thủy phân.
– Thưa bác sĩ,
Cung cấp đạm chất lượng cho trẻ vào thời gian nào là quan trọng nhất để giúp bé tăng cân khoẻ mạnh, không bị béo phì trong tương lai? (Nguyễn Thị Minh Hậu)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào bạn,
Để giúp bé tăng cân khỏe mạnh, không bị béo phì trong tương lai, bạn cần cung cấp đạm chất lượng cho bé ngay từ khi bé mới chào đời và sữa mẹ là lựa chọn tối ưu.
– Như thế nào là chế độ dinh dưỡng cân bằng giúp trẻ phát triển khỏe mạnh dài lâu? (Lê Văn Minh)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào bạn, để hiểu thêm về chế độ dinh dưỡng cân bằng giúp trẻ phát triển lâu dài, bạn có thể tham khảo cách nuôi dưỡng trẻ và các thực đơn, cũng như các lời khuyên về dinh dưỡng ở website của Bệnh viện Nhi Đồng 1.
– Chào chương trình và bác sĩ,
Con em chưa đến lúc ăn dặm, chỉ có bú sữa thôi thì có đầy đủ đạm cho trẻ không? Làm cách nào để bổ sung đầy đủ đạm cho trẻ? Cho bé bú 1 ngày 3 cữ thì có đủ đạm cho trẻ chưa? (Lê Thị Thùy)
– Bác sĩ Hoàng Lê Phúc:
Chào bạn,
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời điểm cho bé ăn dặm là khi bé tròn 180 ngày tuổi. Trước thời gian này, thực phẩm duy nhất phù hợp cho sự tăng trưởng và phát triển tối ưu của trẻ là sữa mẹ. Sữa mẹ có thể cung cấp đầy đủ và hoàn hảo đạm cho trẻ ở lứa tuổi này và là khuôn mẫu để sản xuất các loại sản phẩm dinh dưỡng công thức thay thế sữa mẹ. Nếu bé không may mắn được bú mẹ thì sản phẩm dinh dưỡng công thức có đạm chất lượng gần với sữa mẹ nhất về hàm lượng, phổ axit amin, dễ tiêu hóa cũng như sinh khả dụng của các dưỡng chất sau hấp thu.
Với trẻ ở nhóm này, nếu bú một ngày 3 cữ dù là sữa mẹ hoặc sữa công thức đều không thể đủ về nhu cầu dưỡng chất và năng lượng cho trẻ. Bạn cần đưa bé đến cơ sở y tế nếu bé chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân.
VnExpress
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.