Thứ Sáu, 26/02/2016 | 05:00

Thay vì phải nằm một chỗ, nhiều bệnh nhân xương thủy tinh có thể đi lại, chạy nhảy. Kỳ tích đó có sự góp công rất lớn của bác sĩ Lương Đình Lâm.

Băng ca được đưa vào phòng phẫu thuật, thay vì sợ hãi, bé Bảo háo hức mong chờ được bác sĩ Lâm mổ. Bé mong ước nhanh chóng đi lại như những đứa trẻ khác. Bên ngoài phòng đợi tại hàng lang Bệnh viện Quân y 7A, gương mặt mẹ bệnh nhi đầy căng thẳng dù đã quen với những lần đi mổ của con.

9 tuổi nhưng bé Phạm Gia Bảo chỉ cao 79 cm, nặng 17,2 kg. Từ lúc chào đời Bảo đã phải đối mặt với vô số lần gãy xương do chứng bệnh quái ác mang tên xương thủy tinh hành hạ. Phải bó bột, đau nhức đã trở thành nỗi ám ảnh của em.

Cách đây 2 tháng, Bảo được bác sĩ Lâm mổ 2 chân. Khi về quê ăn Tết, đang ngồi xe lăn thì chẳng may Bảo bị xe máy tông ngã, làm gãy cả 2 đùi và 2 cánh tay. Nhờ 2 cẳng chân đã được mổ đặt đinh nên không bị gãy. Trước khi bắt đầu ca mổ đùi trái này, Bảo đã được mổ đùi phải cách đây một tuần.

“Tuy phần xương đùi lần này đơn giản hơn nhưng do sức khỏe bệnh nhi hồi phục chưa được tốt, hô hấp rất yếu, xương lại quá mềm, nhiều chỗ không có ống tủy nên phải tuyệt đối cẩn thận. Chúng ta phải cố gắng làm sao để đây sẽ là ca mổ cuối cùng của bệnh nhân”, bác sĩ Lâm phân tích khi cùng các bác sĩ trước khi bắt đầu phẫu thuật.

Sau hơn một giờ định vị, khoan đẽo xuyên đục từng đoạn xương, lắp đặt dụng cụ trong mùi thuốc vô trùng đặc trưng của phòng mổ, mùi khét lẹt của dao điện chạm vào mô mỡ, ca phẫu thuật kết thúc thành công.

Bác sĩ cứu tinh của bệnh nhi xương thủy tinh

Tiến sĩ, bác sĩ Lương Đình Lâm và bệnh nhi Phạm Gia Bảo sau ca phẫu thuật. Ảnh: Lê Phương.

Gần 3 năm qua, hơn 60 ca xương thủy tinh như thế đã được tiến sĩ, bác sĩ Lương Đình Lâm trực tiếp phẫu thuật. Một đời cầm dao mổ, quen thuộc với hàng nghìn ca phẫu thuật lớn nhỏ, nhưng mỗi lần mổ xương thủy tinh, tâm trạng của ông lại khác hẳn. Nguyên là trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy, giảng viên ĐH Y dược TP HCM, đến lúc về hưu, người bác sĩ trưởng thành từ môi trường quân y mới có dịp tiếp xúc với bệnh nhi xương thủy tinh.

Người đã đưa bác sĩ Lâm đến với bệnh nhi đặc biệt là một vị giám đốc doanh nghiệp. Tình cờ cuối năm 2010, những bệnh nhân xương thủy tinh được các bác sĩ Viện Y dược học dân tộc (TP HCM) bắt đầu nghiên cứu cho uống cao cá sấu để bổ sung collagen thiếu hụt, dưới sự hỗ trợ của giám đốc một công ty chuyên về cá sấu tại phường Thạnh Xuân, quận 12. Các bệnh nhi sau thời gian dùng cao cá sấu đã đỡ đau, vận động tốt hơn.

Ngạc nhiên và vui mừng, ngoài việc tiếp tục chu cấp thuốc, vị giám đốc này đã tâm huyết mở một trung tâm từ thiện với đầy đủ tiện nghi, giúp những trẻ này được nuôi dưỡng, tập vật lý trị liệu, tập bơi, duy trì các sinh hoạt đàn, hát, tập vẽ và có thể được đến trường. Với những bệnh nhân bị biến dạng nhiều, không thể tự đi lại được, vị giám đốc đã cậy nhờ các bác sĩ ngoại khoa hàng đầu về chấn thương chỉnh hình, trong đó có bác sĩ Lâm.

Dành thời gian tìm hiểu, ông Lâm phát hiện căn bệnh mà cả thế giới đang phải đối mặt này thường kèm theo suy hô hấp do lồng ngực bị biến dạng, vì gãy nhiều xương sườn từ lúc nhỏ nên khi phẫu thuật rất dễ biến chứng. Ngay ở Mỹ với điều kiện y học tiên tiến khi phẫu thuật vẫn có thể xảy ra tử vong. Trên thế giới cũng đã có những dụng cụ mổ riêng biệt nhưng giá thành khá cao. Chi phí một ca phẫu thuật tính ra 20-25 triệu đồng nếu sử dụng thiết bị ngoại nhập mà tỷ lệ thành công chưa hẳn đã cao.

Từ thực tế lâm sàng, bác sĩ Lâm nhận thấy cần có một dụng cụ xuyên qua xương, không những cố định xương vững chắc, làm thẳng xương giúp bệnh nhân đi lại được và đặc biệt là khi xương phát triển thì bộ dụng đó phải dài theo để hỗ trợ kịp thời. Vì thế ông Lâm đã chế tạo đinh thép có 2 đầu móc ngoặt đặt cố định trong xương bệnh nhân. Khi bệnh nhân lớn, xương dài thì đinh thép có 2 đầu móc có thể dài theo.

“Mới đầu tôi chỉ làm đinh kết hợp với nẹp khóa điểm tự chế, sau đó thấy không ổn. Đường kính xương đùi và cẳng chân ở những trẻ dưới 10 tuổi chỉ khoảng 7-10 mm, thay vì 24-28 mm như trẻ bình thường. Xương bệnh nhân không chỉ cong vẹo, biến dạng, gập góc mà còn chỗ tròn chỗ dẹt, nhiều đoạn không có ống tủy, rất dễ vỡ nên khi mổ phải cắt ra từng đoạn. Vì thế phải nghĩ ra được những dụng cụ định hướng khoan xa, định hướng khoan chính giữa, khoan định vị song song, cưa riêng biệt… cho phù hợp”, ông Lâm chia sẻ.

Ngoài việc tự bỏ tiền túi mua dụng cụ mổ, ông Lâm còn liên hệ với ban giám đốc Bệnh viện Quân y 7A để được sắp xếp phòng mổ khi cần thiết. Chi phí một ca phẫu thuật chỉ còn khoảng 3-5 triệu đồng tiền phí bảo hiểm, thuốc men trả cho bệnh viện. Từ việc bệnh nhi đa số chỉ nằm một chỗ, bò lết, cử động khó khăn, sau phẫu thuật hầu hết cháu đã đứng dậy đi lại. Nụ cười của những đứa trẻ có khuôn mặt lanh lợi trong hình hài em bé đã trở thành niềm hạnh phúc vô bờ của vị bác sĩ dành trọn đời mình cho “nghiệp xương xẩu”.

“Nhiều gia đình khi có con em mắc bệnh rất tuyệt vọng, đau đớn chấp nhận số phận vì không biết chỗ chạy chữa. Tôi chỉ mong liên hệ được nhiều người chẳng may mắc phải căn bệnh quái ác để có thể tiếp tục mổ cho các cháu, cứu vớt những mảnh đời xương thủy tinh”, bác sĩ Lâm trải lòng.

10 năm về hưu, trong ngôi nhà ở căn hẻm nhỏ đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP HCM, vị bác sĩ già vẫn ngày ngày chú tâm với thời sự y học. Trong quãng đời hưu trí, cùng với việc mổ xương thủy tinh, chính ông là người phát hiện nguyên nhân của bệnh xơ hóa cơ delta gây rúng động, khiến Bộ Y tế phải vào cuộc quyết liệt từ những năm 2007.

Một đời dồn hết nét tài hoa vào từng đường dao mổ, đến lúc về hưu, bác sĩ Lâm có thêm thời gian để tiếp tục với những áng thơ dang dở, tiếp tục xuất bản nhiều tập thơ, trong đó nhiều bài được phổ nhạc, nối dài niềm tin yêu, thi vị với cuộc đời.

                                                                                                  Lê Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook