Mẹ cần thỏa thuận với con về hình phạt từ trước, có sự chứng kiến của một người lớn để bé tự nguyện chấp hành khi bị kỷ luật.
Bài viết dưới đây là chia sẻ về cách rèn con nhận ra những hành vi không được chấp nhận của mình và biết cư xử đúng, nghe lời bố mẹ của chị Nguyễn Thanh Nga, Hà Nội, bà mẹ có hai con trai, một bé 3 tuổi, một bé 5 tháng.
Với bé 3-5 tuổi, khi con hư, nghịch quá mức bạn sẽ làm gì? Mình dám chắc phần lớn các bố mẹ sẽ:
1. Điên tiết quát tháo, đánh cho con một trận. Bé bị đánh đau khóc, tổn thương tinh thần, trở nên lỳ, bướng, bạo lực, rất nguy hiểm.
2. Chiều con, chỉ gắt gỏng tí hay nhắc qua loa rồi bỏ đi. Vậy là lần sau con quên luôn và lặp lại. Đứa trẻ thành không biết sợ và không biết nghe lời.
Hai điều trên đều sinh ra đứa trẻ không ngoan, thích làm theo ý mình, không biết nghe lời bố mẹ. Vậy làm thế nào để con không tái diễn hành động xấu? Câu trả lời đơn giản, là tuỳ thuộc độ kiên nhẫn, yêu con của bố mẹ. Bố mẹ hãy làm như sau mỗi khi con có hành vi không mong muốn:
Ngồi xuống ngang hàng con, nhẹ nhàng giảng giải cho con hiểu như vậy là sai, vì sao sai? Tiếp theo là màn thoả thuận: Lần sau nếu ai làm thế thì sẽ bị phạt nhé (có thể nhờ một người lớn, như bố, mẹ, ông bà, người giúp việc… làm chứng).
Cái hay của việc này là kéo con vào thế “sự đã rồi” theo ý bố mẹ, nếu không, trẻ khôn ngoan có thể sẽ lý sự khi mắc lỗi, rằng: “Con không đồng ý đâu” thì đàm phán hỏng bét.
Con trai chị Nguyễn Thanh Nga ngồi ngoan ở góc nhà chịu phạt khi biết mình làm điều sai. Ảnh: NVCC. |
Lần sau, khi con lại lặp lại hành động không tốt, ví dụ như ném đồ, mè nheo, hất đồ ăn, hỗn với người lớn, giúp việc…)… mẹ nhắc lại: “Mẹ nói rồi đúng không, ai mà ném đồ sẽ bị phạt, con đứng vào góc phạt đi!”. Tuỳ lỗi nặng nhẹ của trẻ mà bố mẹ cho con ngồi phạt 20-30 phút, thậm chí một tiếng, không đồ chơi, không chạy nhảy, không nói chuyện, chỉ ngồi không…
Ban đầu, bé không ngoan ngay được, sẽ quên và sẽ… bị phạt tiếp. Đó là điều bình thường. Nhưng bị đứng phạt vài lần như vậy tự nhiên hình thành thói quen và tự nghiệm ra: Mình không được ném đồ, ném đồ là bị phạt đấy. Mình không được làm ồn khi em ngủ, làm vậy sẽ bị phạt. Mình không được đập vào cửa gây ồn ào, sẽ bị phạt đấy… Cách này cũng dạy bé tự lập, mẹ nhàn tênh.
Chẳng hạn với bé nhà mình. Trưa nay mẹ bận, không cho con ngủ trưa được. Mẹ mặc cho túi ngủ, bật máy sưởi và bảo: “Giờ mẹ phải làm việc để kiếm tiền nuôi con. Vậy nên con nằm ngoan, nhắm mắt vào tự ngủ nhé. Nhớ phải nhắm mắt, tí mẹ vào kiểm tra mà không thấy nhắm mắt là mẹ cho đứng vào góc phạt nghe chưa? Bạn nào cũng phải ngủ trưa thì mới lớn được. Con ngủ đi nhé!”. Con nói “vâng ạ”, còn mẹ đóng cửa ra làm việc tiếp. Mẹ theo dõi camera thấy con lăn lộn chán chê 20-30 phút rồi ngủ tít rồi. Với cách như vậy, mẹ tha hồ thức làm việc kể cả đêm cũng cho tự nằm ngủ. Nếu không dạy con ngoan, thì mẹ mệt lắm!
Điều quan trọng nhất là bố mẹ phải bình tĩnh, không được nổi điên, quát, mắng, đánh con. Như thế là ỷ lớn bắt nạt bé. Thực chất, đánh mắng con chỉ là nguỵ biện cho hành động xả giận dữ của bố mẹ, là làm thoả cơn giận của người lớn (nhất là lúc đang mệt mỏi vì công việc gì đó). Như thế khổ thân con lắm. Trẻ còn nhỏ, không có khả năng chống đỡ. Bố mẹ đánh mà vẫn chạy đến vừa khóc vừa ôm mẹ, thương lắm. Chúng ta không bắt nạt được ai, lại đi bắt nạt con mình dứt ruột đẻ ra thì quá là xấu hổ. Con cái là bản sao của bố mẹ. Nếu bố mẹ đánh mắng trẻ nhiều, trẻ bị tổn thương tinh thần, lại nhiễm thói bạo lực.
Từ ngày áp dụng cách này phạt con đứng góc, mình hiền như cô Tấm và con cũng ngoan ngoãn tình cảm, quan tâm bố mẹ hơn, biết nghe lời và đặc biệt là bỏ hẳn thói ném đồ, đập phá, mè nheo…
Nguyễn Thanh Nga
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.