Thứ Năm, 08/10/2015 | 19:30

Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc đại học Toronto Scarborough (Canada) đã chỉ ra rằng, cường độ ánh sáng có khả năng chi phối cảm xúc, sự quyết định của con người. Theo đó, một lượng ánh sáng dịu nhẹ, không quá chói sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định hợp lý, sáng suốt hơn.

Ánh sáng có thể thay đổi cảm xúc của con người

Hai nhà nghiên cứu Alison Jing Xu và Aparna Labroo đã tiến hành một loạt các nghiên cứu để kiểm tra nghịch lý bất thường của ánh sáng và cảm xúc con người. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra con người cảm thấy lạc quan hơn vào ngày nắng và hay bị rối loạn cảm xúc trong những ngày ảm đạm, nhưng giáo sư Xu cho biết: “Chúng tôi thấy rằng vào những ngày nắng, mọi người còn dễ bị trầm cảm hơn.”

Để có được nhận định này, các chuyên gia tiến hành khảo sát các tình nguyện viên và yêu cầu họ đánh giá một loạt các sự vật, vị ngọt của nước sốt, hương vị của hai loại nước trái cây hay đo độ nóng giận trước mỗi tình huống… trong hai điều kiện ánh sáng khác nhau. Các chuyên gia nhận thấy, cảm xúc của những tình nguyện viên thường tăng cao hơn với cường độ ánh sáng mạnh, vì vậy họ sẽ cảm thấy nước sốt đậm hơn, nhân vật trong bộ phim hấp dẫn hơn…

Ánh sáng ảnh hưởng đến cảm xúc con người như thế nào.

Giáo sư Xu tin rằng, hiệu ứng ánh sáng có thể tác động đến mức độ tình cảm, gây ra nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Cô nói thêm: “Lượng ánh sáng quá nhiều sẽ tác động đến phản ứng cũng như chi phối cảm xúc của chúng ta. Do đó, với cường độ ánh sáng vừa phải, dịu nhẹ sẽ giúp mọi người đưa ra những quyết định hợp lý hơn, cũng như giải quyết các cuộc đàm phán dễ dàng hơn.”

Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra ánh sáng còn giúp con người quên đi cảm giác đau. Các nhà khoa học của bộ phận Bio-X thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đã dùng liệu pháp gen để tác động đến loài chuột, nhờ vậy có thể dùng ánh sáng chiếu lên chân của chuột làm thay đổi độ nhạy của cơn đau. Ứng dụng này thuộc kỹ thuật điều biến thần kinh có tên gọi optogenetics.

Ánh sáng có thể thay đổi cảm xúc của con người

Bắt đầu bằng cách chèn các protein nhạy cảm ánh sáng gọi là opsin vào các dây thần kinh của những con chuột. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi tiếp xúc với các cấp độ và màu sắc khác nhau thì chuột rất nhạy cảm với cơn đau theo chiều tăng hoặc giảm. Các nhà khoa học tin rằng, nghiên cứu này sẽ giúp hiểu biết sâu sắc hơn về cách chịu đựng cơn đau của từng cá thể và cuối cùng sẽ dùng ánh sáng để điều trị cho con người, đặc biệt là những bệnh nhân suy nhược và mắc bệnh đau mãn tính.

Trong nghiên cứu về chuột được đăng trên tạp chí The Journal of Neuroscience, các nhà khoa học phát hiện ánh sáng màu xanh vào ban đêm có tác động xấu đến tâm trạng của loài động vật này, tiếp đó là ánh sáng trắng. Chuột tiếp xúc với ánh sáng màu đỏ ít xuất hiện các triệu chứng, dấu hiệu trầm cảm hơn so với chuột tiếp xúc với ánh sáng xanh hoặc trắng.Sau khi thử nghiệm, các nhà nghiên cứu kiểm tra khu vực não bộ hippocampus của chuột đồng. “Các xét nghiệm hành vi và thay đổi cấu trúc não cho thấy màu sắc của ánh sáng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành tâm trạng”, Randy Nelson, đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư thần kinh học và tâm lý học Đại học bang Ohio cho biết.

Giải thích về optogenetics của MIT.

Trong hầu hết các thử nghiệm, tâm trạng của con chuột tiếp xúc với ánh sáng xanh là tồi tệ nhất, tiếp theo là những con chuột tiếp xúc với ánh sáng trắng. Ánh sáng màu đỏ hoặc môi trường tối hoàn toàn không tác động nhiều. Theo các nhà khoa học, phát hiện trên có ý nghĩa quan trọng đối với con người, đặc biệt là những người có công việc vào ban đêm. Randy Nelson cũng nhận định: “Ánh sáng có thể khiến họ dễ bị rối loạn tâm trạng. Từ nghiên cứu trên, chúng ta có thể sử dụng áng sáng màu đỏ cho công nhân làm việc ca đêm, ánh sáng đỏ không có tác động tiêu cực đến sức khỏe của họ như ánh sáng trắng.”

Nghiên cứu xem xét vai trò của các tế bào cảm nhận ánh sáng trên võng mạc gọi là ipRGCs. Nó không có vai trò quan trọng trong việc xác định tầm nhìn của con người nhưng nó cảm nhận ánh sáng, và gửi tín hiệu tới não bộ. Từ đó, nó giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể, tác động tới tâm trạng và cảm xúc con người.

Tracy Bedrosian, một cựu sinh viên đại học tại bang Ohio, Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Ánh sáng ban đêm khiến các bộ phận của não có chức năng điều chỉnh tâm trạng con người nhận tín hiệu như trong ban ngày một cách không cần thiết. Đây là lý do vì sao ánh sáng ban đêm liên quan đến bệnh trầm cảm ở một số người. Nếu bạn cần thắp sáng ban đêm trong phòng tắm hoặc phòng ngủ, sẽ tốt hơn nếu bạn chọn ánh sáng màu đỏ chứ không phải ánh sáng trắng.”

Vậy đấy, không phải chỉ có những ca khúc hay hoặc bộ phim buồn mới thay đổi trạng thái cảm xúc của con người, đôi khi chỉ cần bật đèn trong phòng lên là chúng ta sẽ cảm thấy khác ngay lập tức.

Tham khảo ScienceDaily, HuffingtonPost

Thiết bị đầu tiên trên thế giới có thể biến trực tiếp ánh sáng thành dòng điện

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook