Việc để con gặp rủi ro và thất bại sẽ dạy chúng những kỹ năng cuộc sống.
Cách cha mẹ nuôi dạy con có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và trí thông minh của một đứa trẻ. Theo bác sĩ tâm thần học nổi tiếng người Mỹ, Joe Brewster thì chìa khóa cho các bậc cha mẹ là tập trung vào quá trình chứ không phải là tài năng mà đứa trẻ đã có. Và theo chuyên gia này có 6 cách cha mẹ nên làm để tăng cường trí thông minh cho con:
1. Cách bạn đáp lại trẻ
Cách bạn phản ứng với con thông qua các tình huống khác nhau là căn cứ để trẻ xác định giới hạn chúng được làm. Ví dụ, đứng trước một sự việc mà bạn thờ ơ hay hạn chế con mình, điều này sẽ khiến trẻ nản, không dám thử nghiệm cái mới. Cái trẻ học được từ hành động của bạn là tính thận trọng và từ đó khiến hạn chế khả năng của chúng.
Thay vào đó hãy khuyến khích con bằng cách hỏi những câu hỏi mở, cho con một không gian có thể thoải mái suy nghĩ và nhận thức về thế giới xung quanh.
Ảnh: Youngparents. |
2. Tăng trí thông minh bằng cách giảm quy tắc
Hãy nghĩ về các quy tắc bạn áp đặt trẻ và xem nó có thực sự cần thiết. Nghiên cứu cho thấy các gia đình đặt nhiều quy tắc lên con sẽ ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo của trẻ. Một đứa bị buộc phải làm theo 6 quy tắc trở lên thì có điểm số trung bình ở trường học.
Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học đã phát hiện các kiến trúc sư sáng tạo nhất ở Mỹ được cha mẹ khuyến khích phát triển các quy tắc đạo đức riêng mà không bị hạn chế bởi luật lệ trong gia đình. Ngay từ nhỏ họ có thể hình thành cảm quan đúng, sai về một sự việc từ các nguồn khác nhau, không chỉ có cha mẹ mình. Điều này sẽ giúp trẻ mở mang khả năng sáng tạo và thông minh hơn.
Tất nhiên vẫn nên có những quy tắc quan trọng với một đứa trẻ nhưng cần hạn chế số lượng để chúng được tự do phát triển trí tuệ hơn.
3. Cho phép trẻ được buồn chán
Nhiều người nghĩ buồn chán là tiêu cực. Thực ra không hẳn lúc nào cảm giác này cũng xấu, bởi nó đã được chứng minh là sẽ kích thích trẻ suy nghĩ thực sự. Đừng lúc nào cũng bắt con phải tràn đầy nhiệt huyết, không được thể hiện cảm xúc yếu đuối, chán nản của mình. Chán nản, tự bản thân nó, là một cách để não được mở mang và trở nên sáng tạo hơn.
4. Hãy để cho trẻ nhìn thấy sự thông minh của bạn
Trẻ con sẽ nhìn vào mọi thứ xung quanh, đặc biệt là những hành động của bạn. Học từ hành vi của người lớn là một phần quan trọng để hình thành nên thói quen và tạo cảm quan của trẻ về thế giới xung quanh. Nếu con bạn thường xuyên thấy bố mẹ làm các việc sáng tạo như đọc, viết, làm các thứ nghệ thuật… chúng sẽ bắt chước và sẽ thông minh hơn nhờ quá trình này.
Một điều quan trọng nữa là bạn cần nói với con về những thành tựu đạt được nhờ sự chăm chỉ. Nếu chỉ tập trung vào các thành tựu liên quan đến trí thông minh thì bạn đã tạo ra ở trẻ một tư duy gò bó và tư duy này có thể dẫn đến một đứa trẻ mong manh và bảo thủ. Thay vào đó, khi bạn nói, hãy khen ngợi sự chăm chỉ và nhấn mạnh nó hơn là kết quả cuối cùng.
5. Khuyến khích con trải nghiệm rủi ro và thất bại
Xu hướng tự nhiên của các bậc cha mẹ là bảo vệ con mình khỏi những rắc rối, nhưng việc để con gặp rủi ro và thất bại sẽ dạy chúng những kỹ năng cuộc sống. Nếu không trải qua thất bại, một đứa trẻ sẽ có tự trọng thấp, dễ nản lòng. Cảm giác sợ hãi khi làm việc gì đó cũng ngăn một đứa trẻ đột phá ra những hành động tuyệt vời.
Bạn cũng phải dạy đứa trẻ biết thất bại không có gì là xấu. Thất bại mang đến những kỹ năng mà từ đó trẻ đưa ra được quyết định thông minh và học hỏi nhiều điều từ những thăng trầm cuộc sống. Xét cho cùng, trẻ em cần hiểu rằng việc bao bọc chỉ khiến chúng bị còi cọc khả năng thích ứng và cảm nhận về môi trường xung quanh.
6. Đọc nhiều và biến âm nhạc thành một phần cuộc đời trẻ
Đọc nhiều có thể tăng trí thông minh vượt trội cho trẻ. Không chỉ vậy, nó còn như một loại enzyme kích thích trẻ háu ăn kiến thức hơn. Nhờ đọc nhiều mà não bộ nhanh nhạy trong xử lý các tình huống, có trí tưởng tượng phong phú và đứa trẻ sẽ được hưởng lợi tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Kiến thức sẽ mở mang nhanh hơn nữa khi trẻ được tiếp xúc với các chủ đề khác nhau và một lần nữa nó tạo ra sự kết nối với thế giới xung quanh nhờ các kiến thức đó.
Âm nhạc có thể tạo ra những tác dụng tuyệt vời cho bộ não trẻ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra một đứa trẻ được nghe nhạc không chỉ tăng khả năng chú ý, tham vọng, kỹ năng học hành và ghi nhớ, mà còn giảm căng thẳng. Khi nghe một bản nhạc, thùy não trước và thùy thái dương sẽ bị tác động. Có nhiều tế bào thần kinh tham gia vào quá trình này, đảm nhận những chức năng khác nhau (như cảm thụ giai điệu, tần suất…). Sau đó, những phần não bộ liên quan tới trí nhớ, tưởng tượng và ngôn ngữ cũng sẽ bị tác động. Vì vậy, nên mang âm nhạc đến cuộc đời con càng sớm, càng tốt, như một trang bị không thể thiếu.
Bảo Nhiên
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.