Trong lịch sử Việt Nam, có không ít những bậc vĩ nhân sở hữu tài dự đoán tiên tri chính xác, không chỉ về cuộc đời của một cá nhân mà còn là vận mệnh của cả dân tộc trong những năm tháng dài đằng đẵng về sau…
Thiền sư Định Không
Thiền sư Định Không (?-808) là người họ Nguyễn ở hương Cổ Pháp, Bắc Ninh, thuộc dòng vọng tộc. Ông là một trong ba thiền sư thuộc thế hệ thứ tám thuộc thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Sử sách ghi chép lại rằng ông là người am hiểu thế số và có khả năng biết đoán định tương lai.
Đức hạnh và tài năng của Thiền sư Định Không vẫn luôn được lưu truyền cho đến ngày nay. Ông được cho là người có dự ngôn sớm nhất về sự ra đời của nhà Lý cách thời ông 200 năm, được ghi chép trong Thiền Uyển tập Anh.
Khi tiến hành xây dựng chùa Quỳnh Lâm, Thiền sư phát hiện 1 cái ly hương và 10 cái khánh trong lúc cho đào đất đắp nền. Sau đó, sư sai người đem xuống sông rửa thì một chiếc khánh rơi xuống tận đáy sông.
Thiền sư cho rằng đây là điềm báo tốt lành, nói với mọi người rằng: “Chữ Thập, chữ Khẩu hợp thành chữ Cổ. Chữ Thuỷ, chữ Khứ hợp thành chữ Pháp. Chữ Thổ chỉ làng ta ở nên sư quyết định đặt tên làng mình từ Diên Uẩn thành Cổ Pháp”. Sau đó, sư tụng rằng:
Pháp khí xuất hiện
Thập khẩu đồng chung
Tính Lý hưng long
Tam phẩm thành công
Có nghĩa là:
Hiện ra pháp khí
Mười khẩu chuông đồng
Họ Lý hưng long
Ba phẩm thành công
Không chỉ dự đoán trước được sự ra đời của triều Lý, Thiền sư Định Không còn tiên liệu được việc vùng đất Cổ Pháp sẽ bị trấn yểm bởi một người ngoại quốc. Do vậy trước khi viên tịch, ông đã dặn dò vị đệ tử của mình là Thông Thiện rằng: “Ta muốn mở rộng làng xóm, nhưng e nửa chừng gặp tai họa, chắc có kẻ lạ đến phá hoại đất nước ta. Sau khi ta mất, con khéo giữ pháp này, gặp người họ Đinh thì truyền, nguyện ta đã mãn”. Nói xong, Sư cáo biệt rồi qua đời, hưởng dương 79 tuổi; năm đó là năm Mậu Tý, niên hiệu Đường Nguyên Hòa thứ ba (năm 808).
Quả nhiên, hơn 60 năm sau, nhà Đường cử Tiết độ sứ Cao Biền sang cai trị nước ta. Đây là người được cho là trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Vua Đường đã dặn riêng với Cao Biền rằng: “Trưng Thị là hai người đàn bà mà làm rung chuyển cả cơ nghiệp nhà Đông Hán; rồi lại Triệu Ẩu, Lý Bôn … Làm cho ta vất vả lắm mới dẹp được. Nay trẫm thấy linh khí An Nam quá thịnh, e sau có biến. Khanh đến đó trước bình giặc Nam Chiếu, sau tìm cách trấn yểm linh khí An Nam, đi và vẽ bản đồ về cho trẫm”. Tuy nhiên kế hoạch của Cao Biền đã không thể hoàn thành nhờ lời tiên đoán của Định Không.
Thiền sư La Quý
Vị họ Đinh mà Thiền sư Định Không nhắc đến bên trên chính là Thiền sư La Quý (852 – 936), tên đầy đủ là Đinh La Quý, người An Chân, nay là thôn Đồng Trực, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ông cũng là người được đánh giá là có biệt tài về phong thủy và khả năng tiên tri phi phàm. Ông theo Thiền sư Thông Thiện học đạo và khi thầy ông qua đời có dặn rằng: “Xưa thầy ta là Định Không thường dặn ta rằng: Người giữ pháp ta, gặp người họ Đinh thì truyền, con đúng là người đó, ta đi vậy.”
Cuộc đời vị Thiền sư La Quý gắn liền với việc hàn long mạch, phá yểm của Cao Biền. Cao Biền biết đất Cổ Pháp có khí đế vương nên đã cho đào đứt con sông Điềm và những ao Phù Chẩn đến 19 chỗ để trấn yểm và phá long mạch, biến nước Nam trở thành vùng đất thuộc phương Bắc mãi mãi.
Thiền sư La Quý đã biết được điều này và cho tiến hành lấp lại các điểm Cao Biền sai người đào. Để khôi phục lại long mạch, ông cho trồng một cây bông gạo ở chùa Minh Châu đồng thời làm một bài thơ:
Đại sơn long đầu khỉ
Cù vĩ ẩn châu minh
Thập bát tử định thiền
Miên thọ hiện long hình
Thổ kê thử nguyệt nội
Định kiên nhật xuất thanh
Dịch là:
Đại sơn đầu rồng ngửng
Đuôi cù ẩn Châu minh
Thập bát tử định thành
Bông gạo hiện long hình
Thỏ gà trong tháng chuột
Nhất định thấy trời lên
Do những từ “thập bát tử” ở câu số 3 là chiết tự của chữ Lý, nghĩa là họ Lý, nên bài thơ được diễn giải như sau: Đầu rồng hiện ở núi lớn / đuôi rồng giấu sự thịnh vượng / Họ Lý nhất định thành/khi cây gạo hiện hình rồng/ chỉ trong mấy tháng thỏ, gà, chuột / chắc chắn sẽ thấy mặt trời (vua) anh minh”. Điều này ứng với sự ra đời của nhà Lý vào tháng 11 (tháng chuột) năm Kỷ Dậu (năm gà) 1009.
Thiền sư Vạn Hạnh
Thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1025) là người họ Nguyễn, quê ở châu Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay). Không chỉ được biết đến là người có đóng góp lớn lao trong sự ra đời của vương triều Lý, ông còn được coi là nhà tiên tri lỗi lạc trong lịch sử Việt.
Vạn Hạnh vốn sinh ra trong một gia đình đời đời thờ Phật, thuở nhỏ đã nổi tiếng thông minh lanh lợi. Tới năm 21 tuổi, “cùng với Định Huệ thờ Thiền Ông chùa Lục Tổ làm thầy. Ngoài lúc hầu hạ, sư học tập quên cả mệt mỏi.”, trích Thuyền uyển tập anh.
Sau khi Thiền Ông viên tịch, sư Vạn Hạnh chuyên tâm tập pháp môn Tổng trì Tam ma địa, vậy nên sau này những câu ông nói ra đều được coi là sấm truyền, được vua Lê Đại Hành vô cùng coi trọng. Nhờ có tài tiên đoán của ông, vua Lê mới có thể an tâm hành đại sự.
Tháng 3 năm Thiên Phúc thứ nhất (981), dưới thời Lê Đại Hành, tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến Bạch Đằng Giang với âm mưu xâm lược nước ta. Vua nghe tiếng Sư đã lâu, vội cho người mời đến hỏi chuyện thắng bại. Sư Vạn Hạnh nhẹ nhàng nói:
– Trong vòng 37 ngày giặc phải lui.
Sau quả nhiên, quân Tống đại bại đúng như lời dự đoán của Thiền sư.
Năm Nhâm Ngọ (982), vua cho người đi sứ sang Chiêm Thành nhưng bị vua Chiêm bắt giữ. Vua tức giận, có ý muốn xuất quân Nam chinh nhưng lại chưa dứt khoát. Biết việc, sư tâu với vua:
– Xin hoàng thượng mau cất binh, nếu không, ắt mất cơ hội.
Lần này, vua Lê Đại Hành nghe theo lời sư Vạn Hạnh, tự mình thân chinh đi đánh, giết tường nước Chiêm ngay tại trận và bắt được rất nhiều tù binh.
Tuy nhiên câu chuyện nổi tiếng nhất về khả năng tiên tri của sư Vạn Hạnh gắn liền với sự lên ngôi của Lý Công Uẩn. Ngay từ lần gặp đầu tiên gặp Lý Công Uẩn, sư Vạn Hạnh đã nói: “Đây là người phi thường sau khi lớn lên tất có thể giải quyết rối rắm (cho đời) mà làm minh chúa của thiên hạ”.
Sư Vạn Hạnh cũng chính là người giải mã lời sấm truyền về việc Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Theo Đại Việt Sử Ký, vào năm 1009, cây gạo do thiền sư Đinh La Quý trồng ở làng Diên Uẩn bị sét đánh và hiện lên những dòng chữ như sau:
Thọ căn diễu diễu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
Đông a nhập địa
Dị mộc tái sanh
Chấn cung kiến nhật
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình
Dịch là:
Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Cây hoa đào rụng
Mười tám hạt thành
Cành đông xuống đất
Cành khác lại sanh
Đông mặt trời mọc
Tây sao ẩn hình
Sáu bảy năm nữa
Thiên hạ thái bình
Sư Vạn Hạnh giải mã lời sấm rằng: Câu “mộc căn diểu diểu”, chữ “căn” nghĩa là gốc, tức là vua; “mộc biểu thanh thanh”, chữ “biểu” đồng nghĩa với chữ ngọn, tức là bề tôi. “Hòa đao mộc” ghép lại thành chữ Lê; “Thập bát tử” ghép lại thành chữ Lý; “Đông A” ghép lại thành chữ Trần, ý nói nhà Trần lên thay nhà Lý. Câu “Dị mộc tái sanh” nghĩa là một họ Lê khác (nhà Hậu Lê) sẽ lại nổi lên… Như vậy, chỉ qua một bài sấm, sư Vạn Hạnh đã có thể tiên đoán chính xác những diễn biến lịch sử của dân tộc Việt Nam trong khoảng 5 thế kỷ, từ thời Tiền Lê cho tới thời hậu Lê.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã nhận xét: “Sư Vạn Hạnh mới trông thấy Lý Thái Tổ, biết là người khác thường, đến khi thấy sét đánh thành vết chữ thì đoán biết thời thế thay đổi, như thế là có tri thức vượt người thường vậy”.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – nhà tiên tri số một
Nguyễn Bỉnh Khiêm tên chữ là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ (1491-1585), quê ở xã Trung Am huyện Vĩnh Lại – Hải Dương, nay là huyện Vĩnh Bảo – Hải Phòng. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có 10 năm tuổi thơ yên bình cuối triều Lê Thánh Tông, nhưng quãng thời gian còn lại của ông đã sống gần trọn thế kỷ 16, một giai đoạn có nhiều biến động trong lịch sử Việt Nam.
Mẹ ông là Nhữ Thị Thục, con gái Thượng thư Nhữ Văn Lan, vốn nổi tiếng văn giỏi thơ hay và làu thông kinh sử, am hiểu lý số, đoán định thời thế hơn người. Tương truyền, khi bà còn trẻ, vào giữa thời Hồng Đức đang thịnh, vậy mà đã nói chỉ 40 năm sau nữa sẽ phải suy vi. Hoặc khi mới gặp Mạc Đăng Dung lần đầu lại chỉ thoáng qua, vậy mà cũng biết về sau người này sẽ là công hầu khanh tướng dựng nổi cơ đồ. Cha ông là Nguyễn Văn Định, một người có tài văn chương nhưng không ra làm quan mà chỉ vui thú điền viên. Cả hai đều có ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách và lối sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sau khi Lê Thánh Tông băng hà, lúc đó Nguyễn Bỉnh Khiêm khoảng 8, 9 tuổi đã phải chứng kiến cảnh tranh giành xâu xé của các vương hầu triều Lê. Cha mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm dù có tài, văn hay chữ tốt nhưng cũng chọn cách đứng bên lề thay vì chen đua vào chốn quan trường. Họ muốn hưởng thú vui điền viên và quan trọng nhất là dồn mọi quan tâm của mình vào việc dạy dỗ con cái thành tài.
Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc nhỏ rất lanh lợi, 4-5 tuổi đã có thể đọc sách và đối đáp linh hoạt. Ông học chữ với cha mẹ nhưng đến khi trưởng thành thì tìm vào Hoằng Hoá – Thanh Hoá theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng – một vị danh sĩ nổi tiếng đương thời. Ngoài việc học văn chương chữ nghĩa và kinh sử ra, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được thầy dạy cho sách “Thái ất thần kinh” – giải thích các lý lẽ huyền bí của đất, trời và vạn vật. Có lẽ chính vì vậy – do được mẹ và thầy chỉ bảo cùng sự nỗ lực của bản thân, mà về sau, ngoài hàng ngàn bài thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã để lại nhiều bài sấm ký và câu chuyện, nói lên tài tiên đoán các việc như “thần”, xứng đáng để người đời ngưỡng mộ và truyền tụng.
Ông đỗ Trạng nguyên và ra làm quan dưới triều Mạc khi đã lớn tuổi. Sau một thời gian thì ông xin về trí sĩ, sống cuộc đời nhàn tản tại am Bạch Vân, do đó người dân đều gọi ông là “Bạch Vân cư sĩ”. Dù vậy, nhà Mạc, Lê – Trịnh hay nhà Nguyễn đều kính nể ông và cho người tới hỏi ý kiến về những việc quan trọng. Đây cũng là khoảng thời gian có rất nhiều câu chuyện tương truyền về sự tiên đoán kỳ tài của ông.
Vào thời Lê – Mạc, giữa Trịnh Kiểm (con rể Nguyễn Kim) và Nguyễn Hoàng (con Nguyễn Kim) có cơ xảy ra mâu thuẫn một mất, một còn. Khi Nguyễn Hoàng xin ý kiến Trạng Trình, ông đã tặng cho hai câu: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, với ý bảo rằng hãy tìm đường vào phía Nam dựa vào dãy Trường Sơn mà tồn tại. Nguyễn Hoàng nghe theo, nên xin Trịnh Kiểm vào trấn giữ từ Đèo Ngang trở vào, nhờ vậy mà giữ được tính mạng và lập nên cơ nghiệp của nhà Nguyễn ở Đàng Trong.
Năm Mậu Thân (1548) Vua Lê Trang Tông mất, Trịnh Kiểm lập Thái tử tên Duy Huyên lên ngôi, tức Lê Trung Tông, được 8 năm thì mất, không có con nối nghiệp. Trịnh Kiểm muốn làm vua nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi ý khiến Trạng Trình. Ông chỉ bảo: “Chịu khó mà thắp nhang, thờ Phật thì ăn oản” (có nghĩa rằng, phải thờ nhà Lê thì có lộc). Hiểu ý Trạng, sau đó Trịnh Kiểm tìm con cháu họ Lê, đưa lên làm vua, tức là Lê Anh Tông.
Nhà Mạc suy vong, trước khi Trạng mất đã đến xin ý kiến nên tồn tại thế nào, ông đã đọc hai câu: “Cao Bằng tàng tại, Tam đại tồn cô” (nghĩa rằng rút về đất Cao Bằng thì sẽ kéo dài thêm được ba đời nữa). Con cháu nhà Mạc đã theo kế ấy, thu về đất Cao Bằng và đã tồn tại được thêm ba đời là Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan và Mạc Kính Vũ.
Những câu chuyện liên quan đến chính sự kể trên cũng không thể căn cứ vào đó để cho rằng tình trạng đất nước bị phân chia sau thời Lê Trung Hưng là do Nguyễn Bỉnh Khiêm gây ra. Đó là tham vọng của cả ba tập đoàn thống trị lớn: Mạc, Lê – Trịnh và Nguyễn, còn Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ làm cái việc của một kẻ thức giả, và nếu ông không làm thì chắc cũng có những người khác sẽ làm. “Trời muốn biến thì không ai cản nổi”, có lẽ Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là người diễn trọn vai diễn của mình trong giai đoạn này mà thôi.
Nguyễn Bỉnh Khiêm mất ở quê vào năm Diên Thành thứ 8 (1585) đời Mạc Mậu Hợp, thọ 95 tuổi. Dù vậy những lời dự ngôn chính xác của ông sau hàng trăm năm vẫn khiến người ta phải kinh ngạc.
Đó là sau ngày Trạng mất khoảng nửa thế kỷ, một thầy địa lý có tiếng của Trung Quốc vì kính nể tiếng tăm đã lặn lội sang thăm và viếng mộ. Thầy Tàu ngạc nhiên khi nhìn thấy rõ ràng ngôi mộ được đặt vào huyệt đất rất tốt, nhưng huyệt phát ở đằng chân mà mộ lại đặt ngược, ông ta cho rằng Trạng Trình là “thánh nhân mắt mù”, người hữu danh vô thực.
Nghe thấy thế, ông trưởng tộc vội vàng ra mời thầy về rồi khẩn khoản nhờ thầy địa lý đặt lại mộ cho, vì trước khi mất Trạng đã dặn dò con cháu mai sau sẽ xảy ra sự việc này. Nghe thế, thầy Tàu bảo chỉ cần đào huyệt mộ lên rồi xoay lại là được. Nhưng đào được một lúc thì mọi người phát hiện có 1 tấm bia được chôn cùng, khắc bài thơ: “Ngũ thập niên tiền mạch tại đầu/ Ngũ thập niên hậu mạch quy túc/ Hậu sinh nhĩ bối ná năng tri?/ Hà vị thánh-nhân vô nhĩ mục?”. Nghĩa là:”Ngày nay mạch lộn xuống chân/ Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu/ Biết gì những kẻ sinh sau?/ Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?”.
Thầy Tàu vô cùng kinh hãi, vội vã cùng mọi người răm rắp làm theo lời Trạng đã chỉ bảo.
Ngoài các sự kiện lịch sử, thời khắc “trở lại” của Trạng Trình cũng được ông ghi rõ trong câu sấm truyền:
Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi
Sông Hàn nối lại thì tôi lại về
Đúng như lời sấm, vào năm 1991, tròn 500 năm ngày sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiên Lãng bị xẻ đôi ra vì có công trình đào con sông để làm kênh thuỷ lợi. Cùng lúc ấy có cây cầu được xây dựng nối sông Hàn từ quê Vĩnh Bảo của ông sang Thái Bình. Cũng từ năm ấy trở đi, tên tuổi, danh tiếng, tài năng kiệt xuất của Trạng Trình được sống lại…
Cùng tìm hiểu thêm vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam:
Thủy Tiên tổng hợp
10 lời tiên tri rùng rợn của Nostradamus về vận mệnh thế giới năm 2017, số 4 khiến ai cũng hoảng sợ
10 lời tiên tri chính xác đến giật mình về tương lai nhân loại, số 8 từng mơ thấy cái chết của chính mình
Đàn áp Pháp Luân Công, hàng trăm quan chức ở Trung Quốc bị sa lưới và báo ứng
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.