Nữ bệnh nhân 50 tuổi gần 10 năm điều trị ho, đau ngực, cho đến khi được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện hạt hồng xiêm kẹt ở phế quản.
Bệnh nhân cho biết ho dai dẳng, đi điều trị hen suyễn, các bệnh về phổi ở nhiều nơi nhưng vẫn không thuyên giảm. Gần đây ho ra máu nên bà đến Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra. Các bác sĩ Khoa Nội soi đã gắp hạt hồng xiêm ra khỏi phổi bệnh nhân.
Bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh cho biết bệnh nhân đã biến chứng giãn phế quản, sau khi gắp dị vật ra vẫn phải tiếp tục điều trị khắc phục, hiện đã hồi phục sức khỏe. Đây là dị vật phổi nên rất khó gắp. Có nhiều bệnh nhân đến viện thì dị vật đã nằm trong phổi vài năm, gây biến chứng ho ra máu, giãn phế quản, viêm phổi lặp đi lặp lại…
“Không ít trường hợp trẻ con tử vong vì hóc hạt hồng xiêm gây bít đường thở. Với người lớn thì hạt chỉ gây bít một phần phổi, không ảnh hưởng tính mạng nhưng gây nhiều biến chứng đường thở nếu không xử trí sớm”, bác sĩ Thanh chia sẻ.
Mới đây một bệnh nhân nam 59 tuổi đến viện khám vì khò khè khó thở suốt 5 năm, được chẩn đoán hen phế quản. Kết quả nội soi phế quản cho thấy dị vật là mảnh xương nằm ở phế quản gốc trái. Các bác sĩ đã gắp thành công mảnh xương ra ngoài.
Bác sĩ khuyến cáo, trường hợp hóc dị vật là vật sắc nhọn, đã nuốt sâu vào trong phế quản thì không được sử dụng thủ thuật Heimlich hoặc gây nôn khi sơ cứu vì sẽ gây tổn thương thêm. Thủ thuật Heimlich chỉ áp dụng với trường hợp hóc dị vật là những vật tròn, nhỏ, không sắc cạnh và chưa đi sâu vào trong phế quản. Nạn nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Video Hướng dẫn kỹ thuật vỗ lưng, ấn ngực cho trẻ dưới 2 tuổi
Video Hướng dẫn thủ thuật Heimlich cho nạn nhân trên 2 tuổi
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.