Là một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới, Nhật Bản còn được biết đến là đất nước với vẻ đẹp về con người và thiên nhiên vô cùng đáng khâm phục. Tuy nhiên bên cạnh những vẻ đẹp ấy vẫn tồn tại những điều đáng suy ngẫm.
Hiện nay một con sóng ngầm mang tên “Hikikomori” đang ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đối với một triệu thanh niên Nhật, nó đang khiến những thanh niên, chủ yếu là nam giới, xa rời đời sống xã hội và những giao tiếp thông thường nhất. Những người mắc hội chứng Hikikomori tự cô lập chính mình trong phòng ngủ vài tháng, vài năm, thậm chí… vài thập kỷ.
Người có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu về hội chứng này – Bác sĩ Takahiro Kato – cũng đã từng là một thanh niên sống biệt lập như vậy. Giờ đây, ông đang tích cực làm những gì có thể để ngăn chặn hiện tượng nguy hiểm này lan rộng. Cùng những cộng sự của mình bác sĩ Takahiro Kato đã nghiên cứu và chỉ ra những hệ lụy của hội chứng khiến những người mắc hội chứng này sống tách biệt với cộng đồng một thời gian rất lâu từ 30 đến 50 năm.
Những người mắc hội chứng Hikikomori không muốn giao tiếp hòa nhập với mọi người xung quanh. Họ tự cách li bản thân, cụ thể là nhốt mình trong những căn phòng của họ. Hikikomori tác động tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Có khoảng một triệu người đang sống theo kiểu Hikikomori tại Nhật.
Đằng sau mỗi thanh niên mắc Hikikomori là một câu chuyện dài
Không ai sinh ra đã là một hikikomori. Với nhiều người, đa phần họ gặp phải những chấn thương về tâm lý, những chán nản trong công việc, học tập hoặc hoàn cảnh gia đình. Với Hide, một thanh niên tại Tokyo, Nhật Bản, lý do anh quyết định sống như hikikomori bắt đầu từ khi anh bỏ học.
“Tôi bắt đầu tự trách bản thân mình và ba mẹ cũng mắng tôi vì không tiếp tục việc học. Áp lực bắt đầu trở nên nhiều hơn”. Hide chia sẻ.
“Rồi dần dần, tôi sợ ra ngoài và không muốn gặp mọi người. Và rồi, tôi không thể ra khỏi nhà nữa”. Sau đó, Hide dần cắt đứt liên lạc với bạn bè và thậm chí cả gia đình. Để tránh gặp mọi người, anh thường ngủ suốt ban ngày và thức dậy vào buổi đêm.
Với câu chuyện Matsu, anh trở thành một hikikomori sau khi cãi nhau với cha mẹ về nghề nghiệp tương lai và việc học tại đại học.
“Tôi nghĩ mình hoàn toàn tỉnh táo nhưng cha mẹ muốn tôi làm những việc mà mình không muốn”, anh tâm sự. “Cha tôi là một nghệ sĩ và ông có công việc kinh doanh riêng. Ông cũng muốn tôi phát triển sự nghiệp của ông sau này”. Tuy nhiên với Matsu, anh muốn trở thành một lập trình viên máy tính.
“Cha tôi nói: tương lai sẽ không có chỗ cho những kẻ làm công ăn lương. Hãy tự mình kinh doanh và làm công việc của mình”.
Cũng như nhiều hikikomori khác, Matsu là con cả và anh cảm thấy sức nặng từ áp lực gia đình. Trong khi cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào Matsu, em trai anh có thể theo đuổi những gì cậu ta muốn.
“Tôi trở nên bạo lực và sống rời xa gia đình”. Đó là cách Matsu tự kiềm chế bản thân nhưng cũng đẩy anh vào cuộc sống của một hikikomori.
Người Nhật luôn đề cao lối sống nội tâm và khiêm nhường, nhưng kỳ thực từ bên trong, họ lại rất khát khao chứng tỏ bản thân với gia đình và xã hội, vì vậy, thanh niên, đặc biệt là nam giới Nhật thường cảm thấy xấu hổ, thất bại nếu họ không đáp ứng được những kỳ vọng mà bản thân và gia đình đã đặt ra.
Được biết Nhật Bản là một trong những nước có dân số già cao nhất thế giới việc các thanh niên mắc hội chứng Hikikomori ngày càng tăng cao gây tác hại đến nền kinh tế của đất nước này.
Video: Cảnh nhét người lên tàu điện giờ cao điểm ở Nhật
Tuệ Nhi tổng hợp
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.