Phòng khám nằm trong khuôn viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với 3 tầng khang trang, mỗi bệnh nhân được quản lý qua mã số.
Phó giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kiêm trưởng phòng khám cho biết ngoài các đơn vị cận lâm sàng, nội, ngoại, sản, nhi, tai mũi họng, mắt, nơi đây còn có dịch vụ tư vấn tâm lý, âm ngữ trị liệu, dinh dưỡng tiết chế, chăm sóc sức khỏe tại nhà, khám bệnh công ty…
Phòng khám với quy mô 3 tầng trong khuôn viện trường tại 461 Sư Vạn Hạnh, quận 10.
Mỗi bệnh nhân được lập một bệnh án điện tử lưu trữ tất cả các thông tin liên quan đến bệnh tật từ lúc bắt đầu được theo dõi. Bệnh nhân có thể đặt lịch hẹn với nhiều hình thức, lựa chọn bác sĩ để theo khám và điều trị xuyên suốt, tạo cảm giác tin cậy lâu dài và gần gũi như người thân. Khi cần thiết, bác sĩ gia đình sẽ chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa với tóm tắt hồ sơ bệnh án để hỗ trợ quá trình điều trị tiếp theo. Chi phí điều trị tương tự các bệnh viện tuyến quận huyện và được thanh toán bảo hiểm y tế.
Phó giáo sư Nguyễn Thanh Hiệp tham gia khám bệnh. Ảnh: Q.Đ
Phó giáo sư Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường cho biết ngoài chức năng khám và điều trị, góp phần giảm quá tải, xử lý sớm các vấn đề bệnh tật, dự phòng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch còn là cơ sở giảng dạy thực hành chuẩn chuyên ngành y học gia đình và các chuyên khoa khác phối hợp.
Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển từ lâu ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam từ năm 2000 Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ. Ngành y tế bắt đầu phát triển mô hình này nhưng số lượng phòng khám hoạt động hiệu quả theo đúng mô hình và nguyên lý y học gia đình chưa nhiều.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.