Một ngày tháng 6 năm 1984, một trận mưa lớn xối xả trút xuống khu vực núi Mã An, Trung Quốc.
Trận mưa kéo dài vài ngày liền làm đảo lộn cuộc sống của người dân thành phố Mã An. Trận mưa lớn rửa trôi đất đá của cả một sườn núi, làm ngôi mộ cổ nghìn năm chôn vùi dưới lòng đất lộ ra.
Một người dân ở gần đó đi qua nhìn thấy ngôi mộ này, anh chỉ đào bới một lát đã thu được rất nhiều tiền xu. Sau đó người dân này đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương.
Ngay sau đó, các nhà khảo cổ đã bắt tay nghiên cứu ngôi mộ cổ này, theo các chuyên gia đây là mộ của Chu Nhiên. Theo sử sách ghi lại, Chu Nhiên là một danh tướng nhà Đông Ngô trong thời Tam Quốc, lập nhiều chiến công hiển hách, từng giữ chức Đại đô đốc Đông Ngô.
Lúc đầu, Chu Nhiên là bạn học với Tôn Quyền, nhưng sau khi Tôn Quyền kế nhiệm chức vụ của Tôn Sách liền trở thành chủ đất Giang Đông. Chu Nhiên cũng từ đó đi theo, giúp Tôn Quyền bình định và cai trị vùng Giang Đông. Thời kì đầu, Tôn Quyền còn chưa nhận ra bản lĩnh của Chu Nhiên, nên chỉ giao cho ông quản lý vài huyện. Nhưng không ngờ, Chu Nhiên lại quản lý rất tốt.
Sau đó có lẽ để thử thách tài năng của Chu Nhiên, Tôn Quyền đã cử ông đi làm Thái thú Đan Dương.
Khi đó Đan Dương vừa lúc gặp nạn sơn tặc hoành hành, sau khi Chu Nhiên nhậm chức, đã tập hợp binh mã, dẹp yên toàn bộ sơn tặc trong vòng 1 tháng. Từ đó Tôn Quyền mới thực sự coi trọng năng lực của Chu Nhiên và bắt đầu giao cho ông những công việc chính sự.
Khi Lã Mông, Đại đô đốc Đông Ngô hấp hối, Tôn Quyền đã hỏi Lã Mông ai có thể thay thế ông ta, thì nhận được câu trả lời là Chu Nhiên. Nhờ sự tiến cử của Lã Mông, Chu Nhiên đã trở thành Đại đô đốc mới của Đông Ngô.
Năm Xích Ô 20, bệnh tình Chu Nhiên ngày càng nặng khiến Tôn Quyền lo lắng ngày đêm, mất ăn mất ngủ. Không lâu sau, Chu Nhiên qua đời, thọ 68 tuổi. Đích thân Tôn Quyền đã cử hành tang lễ cho ông.
Ngôi mộ được phát hiện chính là nơi yên nghỉ của Chu Nhiên.
Khi đi vào bên trong lăng mộ, các nhà khảo cổ bất ngờ khi thấy khắp nơi đều là bùn đất. Rõ ràng, ngôi mộ đã từng bị trộm, điều này khiến mọi người vô cùng thất vọng.
Nhưng lại một bất ngờ nữa khi mở cánh cửa lớn căn phòng phía sau. Cả căn phòng vẫn còn nguyên vẹn, bên trong chứa đầy những văn vật có giá trị không nhỏ. Trong đó có những bức họa quý giá như “yến nhạc cung đình”, “Bạch Lý Khê hội cố thê”, “Bá du bi thân”…
Không chỉ vậy, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một tấm bia khắc chức vị của chủ nhân ngôi mộ, các chữ số được khắc trên gỗ… Đây có thể coi là tấm “danh thiếp” cổ xưa nhất của Trung Quốc.
Trong ngôi mộ cổ, người ta còn tìm thấy vô số đồ vàng, bạc, ngọc có giá trị quý. Đặc biệt là hơn 6000 đồng tiền cổ thời Tam Quốc. Được biết tiền cổ thời Tam Quốc được tìm thấy ngày nay vô cùng ít ỏi, cho nên phát hiện số lượng lớn tiền cổ này là một điều rất quan trọng với ngành khảo cổ Trung Quốc. Có lẽ số tiền này là lễ vật bồi táng trong tang lễ của Chu Nhiên.
Song điều khiến các nhà khảo cổ bất ngờ và thất vọng nhất có lẽ là việc không thấy thi thể của Chu Nhiên trong toàn khu lăng mộ.
Trong những ngôi mộ nhà Ngô đã tìm thấy, thì Chu Nhiên là người có thân phận và địa vị cao nhất, quy mô lăng mộ lớn nhất hoành tráng nhất, và có niên đại lâu đời nhất, phát hiện này sẽ là tiền đề giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu tìm hiểu chế độ tang lễ và lịch sử văn hóa nhà Đông Ngô.
Bên cạnh đó, trong mộ Chu Nhiên còn phát hiện một đôi guốc mộc trông khá lạ mắt.
Nói đến guốc mộc, có cả một câu chuyện dài phía sau: Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế.
Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận, nghĩ đó là nghĩa vụ của mình, không truy cầu danh lợi gì. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy.
Tấn Văn Công thương xót cùng hối hận, bèn nhặt một khúc gỗ bên cạnh thi thể Giới Tử Thôi, làm thành đôi guốc để nhắc nhở bản thân sau này không được quên công lao của các công thần.
Đó chính là câu chuyện buồn về nguồn gốc của đôi guốc mộc. Về sau, guốc mộc trở thành một trong những phụ kiện của trang phục của người Hán.
Video: Thập Đại Mỹ Nhân Trung Quốc _ Phần 2 – Góc Nhìn Trung Quốc
Quỳnh Chi (TH)
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.