Thứ Hai, 12/06/2017 | 12:54

Chúng ta thường thấy anh chị cả làm việc có trách nhiệm hơn, con một không thích chia sẻ đồ vật. Liệu thứ tự sinh trong gia đình có ảnh hưởng đến tính cách của một người? 

Alfred Adler (1870-1937) là bác sĩ tâm thần học người Áo, một trong những người tiên phong trong việc đề xuất lý thuyết thứ tự sinh trong gia đình có thể ảnh hưởng đến tính cách của trẻ. Dưới đây là một số nghiên cứu của ông.

Con cả 

Theo Alder, anh, chị cả thường có xu hướng yêu thích sự hoàn hảo, thông minh, chu đáo và biết chăm sóc cho người khác. Adler cũng chia sẻ vì thường xuyên bị cha mẹ “cho ra rìa” nên những đứa trẻ sinh đầu sẽ cố gắng cả đời để lấy lại sự quan tâm của cha mẹ.

Con thứ

So với con cả, con thứ thường có tính cách khác biệt. So với các anh chị em, con thứ thiếu tính độc lập hơn, nhưng khi tranh giành với các anh chị, chúng thường chiếm nhiều ưu thế.

Adler miêu tả con thứ là người có khả năng lãnh đạo. Những đứa trẻ này sẽ phát triển tính cách thích ganh đua, nổi loạn và luôn cố gắng để được trở thành “số 1”. Họ luôn cố gắng tìm hiểu xem vị trí của họ trong gia đình là gì, và sau này họ cũng làm vậy khi bước ra ngoài xã hội. Những đứa con thứ rất thích được khen và vì vị trí đặc biệt của mình, họ cũng là những người linh hoạt nhất và có khả năng ngoại giao tốt nhất trong nhà.

Con út 

Theo lý thuyết của Adler, đứa con nhỏ nhất là đứa trẻ có xu hướng dựa dẫm và ỷ lại vào người khác. Tuy vậy, những đứa trẻ này cũng có những đặc điểm tích cực như tự tin, biết cách làm mọi người vui vẻ. Chúng cũng khá cởi mở và hòa đồng.

Con một 

Con một không phải lo lắng bị các anh chị em khác tranh giành và càng được cha mẹ yêu mến. Vì vậy chúng rất ghét bị phản bác và khi đi học những đứa con một sẽ có thể cảm thấy khó chịu vì chúng không phải là “trung tâm của vũ trụ”. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, Adler tin rằng so với những đứa trẻ cùng tuổi thì con một có vẻ trưởng thành, thích ở bên cạnh người lớn hơn và cũng sáng tạo, thông minh hơn.

Ngoài ra còn khá nhiều nghiên cứu về thứ tự sinh có thể ảnh hưởng đến các phương diện khác trong sự phát triển của trẻ. Ví dụ như các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Michigan đã nghiên cứu sự phát triển trí tuệ và thứ tự sinh cho thấy rằng con đầu thường có chỉ số IQ cao hơn. Có rất ít sự khác biệt trong chỉ số IQ giữa những cặp sinh ba và sinh đôi. Các nhà nghiên cứu cũng cho thấy sự chênh lệch về chỉ số IQ giữa con đầu và con thứ hai giảm cùng với khoảng cách thời gian giữa hai bé. Ví dụ, trẻ em cách nhau 2 năm có ít sự khác biệt trong chỉ số IQ hơn những trẻ chỉ cách nhau 1 năm.

Huy Hoàng (TH) 

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook