“Ông nói ông có thể cho nó hai giọt văcxin, giờ ông có thể cho con tôi bốn giọt được không?”, một thủ lĩnh Taliban có con bị bại liệt nghẹn ngào.
Cuộc tấn công vào trung tâm tiêm văcxin bại liệt ở Quetta, Pakistan, ngày 13/1 bị coi là tội ác khủng khiếp và những kẻ chịu trách nhiệm “sẽ có một chỗ tốt ở địa ngục”, tờ TIME viết. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, lực lượng nổi dậy Taliban đã coi các nhân viên tiêm chủng bại liệt ở Pakistan là mục tiêu. Tổ chức này tuyên bố không trẻ em nào được tiêm văcxin cho đến khi Mỹ dừng các hoạt động quân sự. Phe nổi dậy tung tin văcxin chứa virus HIV, khiến phụ nữ Hồi giáo vô sinh và toàn bộ nhân viên tiêm chủng đều là gián điệp CIA sau khi chính phủ Mỹ sử dụng chương trình tiêm chủng để tìm kiếm Osama bin Laden vào năm 2011.
Một em bé Pakistan được cho uống văcxin. Ảnh: TIME. |
Với hơn 50 ca mắc bệnh, Pakistan là trung tâm của chiến dịch xóa sổ bại liệt. Ngày 14/1, nước này đã hoàn thành Ngày Tiêm chủng Quốc gia, phân phối văcxin đến 35,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Các bé sẽ được tiêm nhắc lại vào tháng 3. Các đợt tiêm chủng tháng 2, tháng 4, tháng 5 dự kiến nhận khoảng 5 triệu trẻ mỗi lượt. Tổng cộng, 86 triệu liều văcxin được chuyển giao và sử dụng. Lực lượng vũ trang được triển khai để bảo vệ nhân viên y tế và các nhà truyền giáo đi khắp nơi giảng giải rằng kinh Koran chỉ thị tín đồ phải bảo vệ sức khỏe con em.
Thế nhưng, để tiêm chủng thành công, trái tim và suy nghĩ của người dân cũng phải thay đổi. Đó là điều mà Aziz Memon, nhà sản xuất dệt may kiêm chủ tịch chiến dịch của tổ chức từ thiện Rotary International nhận ra.
Memon kể lại, một ngày khi đến bệnh viện Peshamar để tặng xe lăn, ông hay tin một thủ lĩnh Taliban với đứa con trai 18 tháng tuổi không thể sử dụng chân do bại liệt cũng đang ở đó. Người này là một nhân vật quan trọng và sẽ gây ảnh hưởng lớn nếu được thuyết phục sử dụng văcxin. Memon liền đứng lên, vào phòng và nói chuyện với vị thủ lĩnh trong lúc con ông ta chơi trên sàn.
Chủ đề bệnh tật được nhắc đến, Memon quyết định thẳng thắn: “Đáng lẽ cậu bé đang chạy nhảy nếu trước đây ông cho con uống 2 giọt văc xin”. Người kia, với khẩu súng bên hông, liền tức giận đáp trả: “Các người có phải đấng tối cao không? Số phận của nó là chịu đựng như thế và giờ ông đang thách thức tôi”.
Memon xin lỗi vì quá lời và tất cả im lặng. Một lúc sau, căn phòng trở nên quá nóng khiến cậu bé con không thoải mái vì mặc 2 áo nỉ. Memon đề nghị người bố cởi áo cho bé nhưng bị từ chối. Vị thủ lĩnh nói gia đình ông đến từ vùng núi lạnh giá nên không muốn con bị cảm hay viêm phổi. “Nhưng đó không phải số phận của bé sao? Giờ thì tôi thách ông đấy”, Memon nói ngay khi nhận ra thời điểm của mình. Đến đây, dù bề ngoài cục mịch, vị thủ lĩnh Taliban cũng biểu lộ cảm xúc như mọi đấng sinh thành khác, đôi mắt đẫm lệ: “Ông nói ông đã có thể cho nó hai giọt văcxin. Giờ ông có thể cho con tôi bốn giọt được không?”.
Memon lắc đầu: “Không. Quá muộn rồi”. Tuy nhiên, ông khiến vị thủ lĩnh đồng ý mang theo văcxin khi rời khỏi bệnh viện để tiêm cho các thành viên khác của gia đình và hàng xóm. 6 ngày sau, Memon nhận tin thông báo lời hứa đã được thực hiện.
Giữa bối cảnh phức tạp, câu chuyện của Memon có thể bị coi là giả dối nhưng bài học nó đem lại vô cùng quan trọng. Trong một thế giới xấu xa và đẫm máu, chỉ cần một tiếp xúc nhỏ nhoi giữa con người với con người cũng đem đến điều tốt đẹp.
Virus bại liệt lây lan qua tiếp xúc với phân nhiễm bệnh hoặc hắt hơi, ảnh hưởng đến não và tủy sống do đó gây tàn tật ở một số trường hợp. Năm 1988, căn bệnh hoành hành ở 125 quốc gia, ảnh hưởng đến 350.000 trẻ mỗi năm. Nhờ văcxin, số lượng bệnh nhân bại liệt đã giảm 99%, hiện chỉ còn ở 2 nước mắc bệnh là Pakistan và Afghanistan. |
Minh Nguyên
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.