Bên cạnh các thuốc chữa nguyên nhân bệnh, ta thường dùng một số thuốc giảm cơn đau do co thắt do bệnh đó gây ra. Hai nhóm thuốc thường hay dùng là thuốc chống co thắt có tính hướng cơ và thuốc chống co thắt có tính làm giãn cơ.
Thuốc chống co thắt có tác dụng hướng cơ
Nhóm này gồm các loại như: papaverin, nospa (drotaverin) mebeverin (colopriv, spasmoprive). Mỗi loại có cơ chế hướng cơ riêng, do đó được chọn dùng ưu tiên trong một số bệnh.
Papaverin:
Thuốc làm giãn cơ trơn do ức chế sự phosphoryl hóa, cản trở sự co cơ, ngoài ra còn hủy sự co thắt sinh ra do acetylcholin, bradykinin, serotonin.
Trước đây dùng nhiều, nay do một số bệnh có nhiều thuốc khác tốt hơn nên papaverin chỉ còn dùng trong các trường hợp: tăng nhu động ruột, dạ dày trong viêm đại tràng, viêm dạ dày, viêm ruột); cơn đau quặn mật, co thắt đường mật (sỏi mật, viêm túi mật, viêm đường mật); cơn đau quặn thận, co thắt đường niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, viêm bể thận, viêm bàng quang); cơn đau co thắt tử cung (đau bụng kinh, dọa sảy thai…).
Khi phối hợp papaverin với chất khác, tác dụng chống co thắt sẽ mạnh hơn, rộng hơn nhưng cũng thêm một số tác dụng phụ chống chỉ định, khác. Ví dụ: phối hợp với than hoạt tính (biệt dược uống: acticarbine) đặc trị co thắt do đại tràng chức năng có chướng hơi, tiêu chảy. Than hoạt tính nên làm giảm hấp thu các thuốc khác và phải dùng cách nó từ 2 – 4 giờ. Phối hợp với metamizol (biệt dược tiêm: subtabon) dùng trị các cơn co thắt đau quặn trong đường tiêu hóa, đường tiết niệu. Biệt dược này có thêm chống chỉ định cho người rối loạn chuyển hóa porphyrin gan cấp, suy giảm men G6PD, dị ứng với pyrazolon và thêm tác dụng phụ: phản ứng quá mẫn, mất bạch cầu hạt, da phát ban.
Papaverin có thể gây quá mẫn gan, có thể viêm gan với biểu hiện vàng da, thay đổi enzym gan, tăng bạch cầu ưa eosin; rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, chán ăn, táo bón hay tiêu chảy. Khi tiêm tĩnh mạch, tiêm nhanh, có thể gây đỏ bừng mặt, hạ huyết áp, loạn nhịp tim, suy hô hấp, ngừng thở, tử vong. Còn gây suy giảm dẫn truyền nhĩ thất, gây ngoại tâm thu nhất thời, ngoại tâm thu, cơn nhịp nhanh kịch phát. Có tác dụng ngược co thắt mạch máu não, co mạch gây tăng huyết áp, không lợi cho người tăng áp lực nội sọ. Gây ra các biểu hiện không có lợi cho người bị bệnh Parkinson (tương tác ngược với thuốc levodopa). Với liều điều trị rất ít ảnh hưởng đến thần kinh trung ương nhưng nếu dùng liều cao sẽ gây chóng mặt, nhức đầu ngủ gà, ngủ lịm, quen thuốc.
Không được dùng papaverin trong các trường hơp quá mẫn với thuốc, glaucoma góc đóng, u tuyến tiền liệt, hẹp cơ học trong dạ dày ruột, phình đại tràng, block nhĩ thất, loạn nhịp tim nhanh, đau sau phẫu thuật, mang thai, cho con bú. Riêng dạng tiêm, không được dùng trong tăng áp lực nội sọ, rối loạn dẫn truyền tim, hội chứng Parkinson.
Nospa:
Nospa chống co thắt cơ trơn nhưng không thuộc nhóm kháng cholinergic.
Nospa được dùng trong các trường hợp: đau do co thắt dạ dày ruột, hội chứng ruột bị kích thích, cơn đau quặn mật, co thắt đường mật (sỏi mật, viêm túi mật, viêm đường mật); cơn đau quặn thận, co thắt đường niệu sinh dục (sỏi thận, sỏi niệu quản, viêm bể thận, viêm bàng quang), cơn đau do co thắt tử cung (đau bụng kinh, co cứng tử cung).
Nospa có thể gây chóng mặt, buồn nôn nhưng hiếm gặp; tiêm nhanh có thể gây hạ huyết áp, gây tương tác làm mất hiệu lực của levodapa.
Không được dùng nospa trong các trường hợp: quá mẫn với thuốc, suy gan, suy thận, suy tim nặng, block nhĩ thất độ II.
Mebeverin:
Mebeverin tác dụng chủ yếu trên các cơ trơn bị co thắt, trực tiếp vào cơ ruột ở mức độ tế bào, mặt khác ức chế Ca++ vào nội bào, thư giãn cơ, làm bình thường lại sự rối loạn nhu động ruột.
Mebeverin được dùng trong: hội chứng ruột kích thích với tình trạng kích thích đại tràng mạn tính, táo bón do co thắt, viêm mạc đại tràng, viêm đại tràng do co thắt với các biểu hiện đau bụng, căng cơ, tiêu chảy dai dẳng kèm táo bón xen kẽ, đầy bụng; chứng co thắt dạ dày ruột thứ phát do bệnh lý thực thể; dau và rối loạn chức năng ống tiêu hóa (đặc biệt ở kết tràng, đường mật).
Mebeverin có thể gây buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt. Hiếm thấy tác dụng không mong muốn nghiêm trọng như: phát ban, hồng ban, mề đay, nổi dát sần, phù mạch, giảm tiểu cầu, sốt, viêm đa khớp.
Không được dùng mebeverin trong các trường hợp: quá mẫn với thuốc, có thai (3 tháng đầu thai kỳ), cho con bú.
Thuốc chống co thắt có tác dụng giãn cơ
Nhóm này có nhiều loại như: atropin, hyoscinum (buscopan, pion), hyoscin (scopolamin). Chúng đều là alcaloid của họ cà, cơ chế tác dụng giống nhau, chỉ khác một số chi tiết về dược động học, độ độc.
Atropin:
Thuốc kháng muscarnic ngăn chặn các hoạt động của acetylcholin của hệ giao cảm (tại cơ trơn, tuyến bài tiết) tạo nên hiệu ứng kháng cholinergic và hiệu ứng với hệ thần kinh trung ương; từ đó làm giảm co thắt co trơn, giảm nhu động, ruột giảm tiết dịch đường ruột, chống lại cơn buồn nôn và nôn; dùng trong các trường hợp: viêm dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn, nôn do say tàu xe; phối hợp trong các thuốc đau dạ dày, tiêu chảy.
Ngoài tính chất chủ yếu trên, atropin còn có một số tác dụng trên các cơ quan khác tạo ra các phản ứng không mong muốn cần được chú ý khi dùng, nhất là khi dùng liều cao như: làm giãn đồng tử, ngoài ra còn làm liệt cơ mi mắt không thể nhìn gần được; làm giảm tiết dịch nên gây khô mắt. Đi qua được hàng rào máu não ngay ở liều điều trị thông thường, kích thích các trung tâm hành tủy, nhất là trung tâm vagus làm cho tim đập chậm nhưng qua nút xoang nhĩ, tác động kháng muscarinic của nó lại làm cho tim đập nhanh hơn, làm co mạch, tăng huyết áp. Ở liều cao, atropin gây kích thích, điên tiết, run rẩy, sau đó chuyển sang ức chế giao cảm, ảo giác, hôn mê.
Hyoscinum:
Cơ chế giống atrorpin.
Hyoscinum được dùng trong dau do co thắt và tăng nhu động dạ dày ruột, do sỏi thận, sỏi mật, đau bụng kinh.
Hyoscinum ít độc hơn, dùng rộng rãi hơn atropin.
Hyoscinum gây khô miệng, cổ họng, đau mờ mắt, bồn chồn, chóng mặt, loạn nhịp tim, bí tiểu nhẹ, đỏ bừng mặt, ngất, dị ứng da, riêng dạng tiêm gây rối loạn điều tiết thoáng qua. Liều cao gây đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, mất phương hướng, ảo giác, mất trí nhớ ngắn hạn, hôn mê, có thể có hành động cực đoan. Có hiệu ứng phấn khích và tính dục mạnh hơn atropin nhưng yếu hơn hyoscin.
Không được dùng chung hyoscinum với kháng cholinergic khác, với levodopa, với paracetamol và với ketoconazol, digitoxin, riboflavin và các chế phẩm chứa K+ vì có các tương tác không lợi. Dạng tiêm còn có các chống chỉ định: glaucoma góc đóng; hẹp môn vị, hẹp đường dạ dày ruột, đường niệu sinh dục, phì đại lành tính tuyền tiền liệt,viêm thực quản hồi lưu, viêm kết tràng loét, nhược cơ, tim đập nhanh.
Hyoscin:
Hyoscin có chế tác dụng giãn cơ giống như hyoscinum.
Hyoscin được dùng trong đau do co thắt và tăng nhu động dạ dày ruột, do sỏi thận, sỏi mật, đau bụng; kinh, phòng nôn, say tàu xe, làm giãn đồng tử (tương tự như atropin), dùng trong tiền mê (do làm suy yếu bộ nhớ như diazepam), dùng làm khô dịch tiết đường hô hấp (trong khoa tai mũi họng); trước đây còn dùng như một thuốc an thần trước khi ngủ. Năm 2006, một số nhà nghiên cứu tại Viện Tâm thần Quốc gia Mỹ cho biết còn có tác dụng chống trầm cảm trong vài ngày, kéo dài ít nhất một tuần sau đó; trên cơ sở đó, dùng dạng miếng dán hyoscin cho người trầm cảm nặng, rối loạn lưỡng cực… Không thấy có các nghiên cứu này trên hysoinum, atropin.
Hyoscin có thể gây khô miệng, cổ họng và mũi, khát nước, nhìn mờ, tăng nhạy cảm với ánh sáng (do đồng từ bị nở), táo bón, tiểu khó, nhịp tim nhanh. Các hiệu ứng nặng khác của quá liều bao gồm đỏ bừng, sốt, bồn chồn, phấn khích, ảo giác, mê sảng.
Không được dùng hyoscin chung với các kháng cholinergic khác, với levodopa, với paracetamol, ketoconazol, digitoxin, riboflavin, các chế phẩm chứa K+ vì có các tương tác không lợi.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi có cơn đau do co thắt nếu chưa đến được với thầy thuốc có thể dùng tạm một loại thuốc chống co thắt để giảm đau, dưới dạng uống, ít gây tai biến.
Sau đó, cần đến ngay thầy thuốc để điều trị nguyên nhân đồng thời với việc dùng thuốc giảm đau do co thắt. Ví dụ: co thắt do rối loạn nhu động ruột có thể dùng loại thuốc làm giãn cơn đau do co thắt như: atropin, hyoscinum.
Chỉ dùng liều lượng vừa đủ giảm cơn đau theo hướng dẫn kèm theo, nếu không đỡ hay cơn đau tái đi tái lại thì phải đi khám, không nên tự ý tăng liều hay dùng dai dẳng. Ví dụ: khi viêm túi mật nếu cứ dùng thuốc giảm đau, chống co thắt mãi, đến với thầy thuốc muộn, sẽ nguy hiểm.
Trong khi dùng thuốc giảm cơn đau do co thắt cần chú ý đến các độc tính của thuốc, đặc biệt là với những người có các bệnh khác kèm theo.
Trong thực tế, dùng thuốc giảm đau chung như: opium để giảm các cơ đau do co thắt nhưng không nên vì opium dễ gây táo bón.
DS.CKII. BÙI VĂN UY
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Chưa có bình luận.