Thứ Sáu, 21/07/2017 | 14:13

Cái chết của ca sĩ Chester Bennington như hồi chuông cảnh tỉnh về bệnh trầm cảm vừa gây lo ngại về làn sóng tự tử.

Sáng 20/7, thi thể Chester được phát hiện tại nhà riêng ở Los Angeles. Tin tức lan truyền, các chuyên gia sức khỏe tâm thần bày tỏ lo lắng cái chết của nam nghệ sĩ dễ kéo đến hiệu ứng lây lan, khuyến khích người khác tự kết thúc mạng sống. Năm 1962, sau khi Marilyn Monroe qua đời nghi do quyên sinh, tỷ lệ tự tử khắp nước Mỹ tăng hơn 10%.

“Nếu ai đó đang nghĩ về tự sát thấy người khác làm như vậy, họ sẽ được khuyến khích để tiến hành. Hành động này đồng thời kích thích ý muốn ra đi“, Jill Harkavy-Friedman, Phó chủ tịch Quỹ Phòng tránh Tự tử Mỹ lý giải. Bên cạnh đó, việc truyền thông đăng tải quá chi tiết hoặc tôn vinh cái chết cũng góp phần gây rủi ro. 

Các chuyên gia nhận định tới nay sức khỏe tâm thần vẫn còn bị coi nhẹ, đặc biệt đối với giới nghệ sĩ. “Sức khỏe tâm thần cũng là sức khỏe”, Harkavy-Friedman nhấn mạnh. “Xe đẹp và tiền nhiều không bảo vệ bạn khỏi các vấn đề tâm lý”.

Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng những người giàu có, thành công không bao giờ bị trầm cảm hay lo âu. Thế nhưng, giống như ung thư, trầm cảm có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai bất chấp địa vị, tài sản. “Chúng ta thấy một ai đó và nghĩ rằng họ quá sung sướng, không thể gặp vấn đề tâm thần”, Harkavy-Friedman tiếp tục. “Thế nhưng, tâm trí không hoạt động như thế”. 

Nỗi lo hiệu ứng tự tử lây lan từ cái chết ca sĩ chính nhóm Linkin Park

Chester tự tử ở tuổi 41. Ảnh: Michael Loccisano.

“Tiền, danh vọng không đồng nghĩa với hạnh phúc”, Theresa Buhse, Giám đốc điều hành Trung tâm Khủng hoảng Long Island khẳng định. Bà từng vô cùng giận dữ khi một phát thanh viên radio cho rằng nam diễn viên gạo cội Robin Williams đáng lẽ phải tìm được mọi sự giúp đỡ vì rất giàu. “Sự thật là chúng ta không bao giờ biết chuyện gì đang xảy ra trong đầu người khác. Họ vật lộn với bệnh tâm thần, họ vật lộn với trầm cảm. Điều quan trọng đâu phải là tài sản hay tiếng tăm”.

Để trợ giúp các fan hâm mộ bị ảnh hưởng từ cái chết của Chester, hiện các cơ quan, tổ chức về sức khỏe tâm thần Mỹ đã chuẩn bị nhiều đường dây nóng. Buhse hy vọng những cá nhân gặp khó khăn được hỗ trợ đúng lúc. “Sẽ rất nhiều người bị ảnh hưởng”, bà nói. “Họ cần được lắng nghe, chấp nhận và biết rằng cảm xúc ấy không có gì sai trái. Bài học quan trọng cho tất cả chúng ta là trầm cảm có thể xảy đến với bất cứ ai”.

Theo People, suốt cuộc đời, Chester phải vật lộn với những cuộc chiến chống lại nỗi đau tinh thần. Năm 2011, anh thừa nhận mình từng bị lạm dụng tình dục khi mới 7 tuổi. “Tôi rùng mình mỗi lần nhớ lại”, Chester tâm sự.

Năm 2015, Chester Bennington mở lòng về thời kỳ đen tối của bản thân với Rock Sound: “Tôi thực sự ghét cuộc sống và như thể không có cảm xúc. Tôi muốn trở thành một kẻ chống đối xã hội. Tôi không muốn làm bất cứ thứ gì hay quan tâm đến bất cứ ai”. Trải qua hàng loạt tổn thương về mặt tinh thần cùng quá khứ lạm dụng chất gây nghiện, ca sĩ chính của nhóm nhạc huyền thoại Linkin Park vừa tự tử ở tuổi 41.

Nỗi lo hiệu ứng tự tử lây lan từ cái chết ca sĩ chính nhóm Linkin Park

Chester biểu diễn cùng nhóm Linkin Park năm 2012 tại Las Vegas. Ảnh: Reuters.

Gia nhập Linkin Park năm 1999, Chester sử dụng chứng nghiện của bản thân làm chất xúc tác sáng tạo. Trong bài phỏng vấn với Noisecreep, nam ca sĩ tiết lộ bài hát “Crawling” nói về cảm giác mất kiểm soát do ma túy và rượu. Ngoài ra, ca khúc “Heavy” cũng thể hiện mong muốn rũ bỏ, giải phóng mọi cảm xúc tiêu cực. “Đây là con người tôi. Hầu hết tác phẩm phản ánh những gì tôi đã trải qua, bằng cách này hay cách khác”, Chester nói.

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook