Thứ Ba, 25/07/2017 | 08:57

Đóng cửa doanh nghiệp để dành thời gian cho con, anh Huấn mãn nguyện khi giờ đây cậu bé 10 tuổi đã biết tự đi học, nấu cơm, rửa bát…

Cộng đồng phụ huynh có con tự kỷ ở Việt Nam có lẽ từng nghe đến cái tên Trần Như Huấn (biệt danh Cún Trần), ông bố sống tại Bảo Lộc, Lâm Đồng với những phương pháp dạy con tương đối thành công. Hiện giờ, bé Huy – cậu con duy nhất sinh năm 2007 của anh Huấn đang học chung với các bạn bình thường cùng tuổi. Thậm chí, cậu bé còn học toán và tiếng Anh vượt trội. Ở tuổi lên 10, bé đã biết tự đi học bằng xe đạp, biết nấu cơm, rửa bát quét nhà, biết tự đi khám bệnh, lấy thuốc, tự đi mua hàng.

Để con đạt được kết quả này, chính anh Huấn cũng đã trải qua một quá trình tự thay đổi bản thân. Từ khi con chào đời cho đến khi phát hiện con tự kỷ, anh giao toàn việc chăm con cho vợ, chỉ nghĩ đơn giản kiếm tiền mang về nhà là đủ. Như đa số các ông bố, anh không can dự vào việc nuôi dạy con, không cho con ăn, không tắm cho con… Thậm chí, anh giả vờ không biết làm những việc đó để không phải làm.

Những ông bố hy sinh sự nghiệp để tìm lại đời thường cho con tự kỷ

Anh Huấn kể chuyện cùng con vượt qua tự kỷ tại đường sách Nguyễn Văn Bình – Ảnh: Kim Anh.

Khi con được 27 tháng tuổi, thấy con khác biệt với các bạn xung quanh, không thích giao tiếp, không chịu hợp tác với cha mẹ, vợ chồng anh lên mạng tìm hiểu về tự kỷ thì thấy con có đầy đủ các biểu hiện của rối loạn này. Hiểu rằng chăm sóc một đứa con tự kỷ là công việc quá khó khăn, làm sao vợ anh có đủ sức khỏe để giữ con những khi con bướng bỉnh, đập phá hay thậm chí đánh lại mẹ, anh quyết định gác lại công việc mà mình đang làm – chủ của một doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ xây dựng công trình đến kinh doanh vật liệu xây dựng, chế biến lâm nông sản… để dành toàn bộ thời gian cho con.

“Nuôi dạy con tự kỷ là một công việc khó khăn, mà việc khó khăn thì đàn ông phải làm. Nếu các bác sĩ nghiên cứu về trẻ tự kỷ để kiếm sống thì chính mình sẽ học để hiểu và áp dụng cho con mình. Công việc khó nhưng không phải không làm được. Nếu chưa người cha nào làm được thì mình sẽ là người đầu tiên. Nếu có người làm được rồi thì tại sao người ta làm được mà mình không làm được”, anh Huấn quyết tâm.

Một năm đầu, sự tham gia của anh không giúp con tiến triển là bao. Sau đó nhờ những người họ hàng ở Mỹ kết nối giúp, anh gặp được một chuyên gia về trẻ tự kỷ ở nước ngoài. Anh mời được người đó về Việt Nam hướng dẫn cho mình, một thầy một trò suốt nửa tháng ròng.

Sau khi có những lý thuyết đầu tiên, anh tiếp tục tự mày mò tìm thông tin trên mạng. Anh tìm các bài hướng dẫn, tự dịch sang tiếng Việt rồi tự nghĩ nhiều bài học áp dụng cho con. Nhờ có bố bên cạnh, bé Huy tiến bộ rõ rệt. Giờ đây, nhiều người mới gặp bé cũng không nghĩ rằng bé đã từng có một thời kỳ nổi loạn, khó bảo.

“Bé dễ gần, biết nghe lời bố mẹ tuy ánh mắt đôi lúc vẫn khác lạ, chỉ những người trong giới mới biết bé tự kỷ”, anh Phan Trọng Bằng (một ông bố sống tại Bình Thạnh, TP HCM, người từng áp dụng các phương pháp dạy con của anh Huấn với con trai mình) nhận xét về bé Huy.

Việc nuôi dạy một đứa con tự kỷ đã thay đổi quan điểm sống của anh Trần Như Huấn rất nhiều, từ việc coi trọng sự nghiệp đến sẵn sàng từ bỏ tất cả bởi con cái là quan trọng nhất; từ sở thích du lịch tốn kém hưởng thụ đến những chuyến đi chỉ cần vài trăm nghìn, miễn là gia đình được trải nghiệm…

Tương tự với anh Bằng, sự tiến bộ của con cũng là bước thay đổi lớn của bố.

Trước đây, anh Bằng khăng khăng không chịu thừa nhận con mình tự kỷ. Khi vợ, ông bà, hay bất kỳ ai nhận xét bé tự kỷ, anh đều bực bội và cực lực phản đối. Một người cha hoàn toàn bình thường tại sao con lại tự kỷ, anh không thể chấp nhận.

Khi không thể phủ nhận được nữa, anh bắt đầu chữa trị cho con bằng cách giao cho các chuyên gia, tìm các lớp học chuyên biệt tốt nhất. Tốn nhiều tiền nhưng kết quả thu lại không là bao, anh suy nghĩ lại và quyết định tự mình sẽ dạy con.

“Có những bữa dắt con đi chơi ở công viên Lê Văn Tám, tôi thấy hai cha con mình cô đơn vô cùng. Tôi bắt đầu hướng dẫn bé làm sao để không gây nguy hiểm cho mình, không gây nguy hiểm cho người khác”, anh Bằng chia sẻ.

Những ông bố hy sinh sự nghiệp để tìm lại đời thường cho con tự kỷ

Con trai anh Bằng đã biết tự chơi khi bố mẹ bận nói chuyện – Ảnh: Kim Anh.

Chị Trần Hoài Thư, vợ anh Bằng cho biết, từ khi có sự tham gia của bố, con trai đã chuyển biến đáng kể. Nếu như trước đây bé không thể ngồi yên một chỗ thì giờ bé có thể tự chơi an toàn khi nghe bố mẹ nói chuyện với mọi người. Cậu bé biết lễ phép khoanh tay chào hỏi người lớn khi được bố mẹ nhắc.

Cậu con trai út sinh năm 2010 của anh Huỳnh (quận 7, TP HCM) được phát hiện tự kỷ khi đã 3 tuổi. Cho con đi học ở các trường chuyên biệt nhưng anh vẫn giấu kín việc mình có con tự kỷ, vì sợ bị mọi người đánh giá. Bản thân vợ anh gần như mất hết bạn bè từ khi sinh cậu con đặc biệt này. Khi những gia đình bạn bè tụ tập, bé luôn là nguyên nhân của các vụ đánh nhau hay gây thương tích của bọn trẻ. Từ đó vợ anh ngại không đưa con đi cùng nữa, các bạn của chị cũng không muốn cho con chơi chung với bé.

Một lần, con anh đánh rơi món đồ chơi yêu thích xuống con rạch cạnh nhà, bé quyết lao xuống để lấy lại, vợ anh đuổi theo giữ con đã trượt chân ngã, phải nằm viện một tháng. Sự việc đó khiến anh thay đổi thái độ, quyết định đồng hành cùng vợ trong việc chăm con. Anh giảm bớt công việc, về nhà sớm để rèn kỷ luật cho con, dạy con tập bơi, dạy con đi xe đạp…

“Nếu bé có kỷ luật trong 2 giờ ở trường mà về nhà 22 giờ mỗi ngày không kỷ luật thì làm sao có kết quả tốt”, người cha suy nghĩ. Dưới sự nghiêm khắc của bố, cậu bé tiến bộ rõ rệt. “Bây giờ, đối với tôi, chuyện làm kinh tế không quan trọng bằng việc thấy những thay đổi hàng ngày của con”, anh Huỳnh kể.

Từng thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ trẻ tự kỷ, bà Nguyễn Thanh Thúy, hội trưởng Hội quán Các bà mẹ nhận xét, một thực tế đáng buồn là rất nhiều bà mẹ đã trở thành đơn thân khi sinh ra con tự kỷ. Việc nuôi dạy con khó khăn khiến nhiều ông bố đầu hàng, chán nản và bỏ đi. Trong khi đó, theo thống kê của bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, số lượng bé trai mắc chứng tự kỷ cao hơn hẳn bé gái, tỷ lệ trẻ nam tự kỷ là 1/70 còn nữ là 1/110.

Kim Anh

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook