Trong số 15 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn tại TP HCM, có 10 người bị biến chứng giảm thính lực hoặc điếc sau khi khỏi bệnh.
Tổng kết năm 2016, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết số ca bệnh liên cầu khuẩn lợn tại thành phố năm qua tăng gấp 3 lần so với 2015. Tuy nhiên năm 2015 có 3 trong 5 người bệnh tử vong thì năm 2016 các bệnh nhân đều được cứu sống.
Theo bác sĩ Dũng, biến chứng của bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng cuộc sống. 66,67% bệnh nhân sau khi khỏi bệnh bị điếc hoặc nghe kém. Có 11 bệnh nhân nam, tuổi từ 50 trở lên. Chỉ 4 người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với thịt lợn, còn lại là người già, nội trợ, nghề nghiệp khác không đặc trưng. 4/15 ca bệnh không có tiền sử dịch tễ rõ ràng.
Một bệnh nhân được điều trị liên cầu khuẩn lợn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP HCM). Ảnh: T.P.
Trong năm 2016 cả nước ghi nhận 90 ca bệnh liên cầu lợn, giảm hơn 20% năm 2015. Bệnh thường tăng vào dịp trước và sau Tết khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao. Bệnh ít người mắc song tỷ lệ nặng, tử vong rất cao. Hà Nội năm qua ghi nhận hơn 10 ca bệnh thì một người tử vong, nhiều người bị di chứng nặng nề…
Nhiều người nghĩ rằng cứ vô tư ăn bát tiết canh rồi uống vài chén rượu thì sẽ không mắc bệnh, bởi rượu là axit trung hòa hay diệt được vi khuẩn liên cầu. Có người lại cho rằng chỉ ăn thịt lợn ốm, lợn bệnh, lợn không rõ xuất xứ mới nhiễm liên cầu còn lợn nhà nuôi hay lợn mán, lợn rừng thì vô tư. Tuy nhiên theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế thì đây là những quan niệm sai lầm.
Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Bệnh có thể lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất bài tiết của lợn, ăn sản phẩm từ lợn chưa nấu chín kỹ, đặc biệt là tiết canh. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Tùy thuộc từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có thể tử vong do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có bệnh nhân chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại.
Để chủ động phòng chống bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân:
– Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
– Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
– Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
– Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.