Theo đông y tắc kè có vị mặn, tính bình, hơi có độc, quy vào kinh phế, thận, với công năng bổ phế, bổ thận, định suyễn, trợ dương. Trị phế thận lưỡng hư, suyễn khái, thận dương hư, di tinh, liệt dương, tiểu tiện nhiều lần, di niệu…
Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học trong tắc kè có protein và nhiều acid amin, lipid, inopeptid, cholin, guanine và các hợp chất cacbon, Ca, P, Mn, Ba, Sn, Ti.
Cách chế biến tắc kè làm thuốc:
Bước 1: Tắc kè lột bỏ hết phủ tạng, lấy bông tẩm cồn lau sạch máu, lấy 2 thanh tre nhỏ cài vào 4 bàn chân để cho thân tắc kè căng mỏng ra.
Bước 2: Dùng một thanh nứa mảnh, dài, một đầu cắm vào dưới ức tắc kè, dọc theo bụng và đuôi, lấy một sợi dây cuốn chặt đuôi vào thanh nứa đó, đem phơi hoặc sấy khô.
Lưu ý: Tắc kè có nhiều chất bổ, nhất là phần đuôi, vì thế khi chế biến tắc kè cần phải bảo tồn đuôi.
Một số bài thuốc có tắc kè:
Trị đau lưng, thần kinh suy nhược:
Tắc kè 2 – 5 con, cách chế biến như trên, cắt miếng nhỏ, ngâm với rượu 35o – 40o, tỷ lệ 1 phần tắc kè / 7 phần rượu, ngâm trong 3 – 4 tuần lễ, chiết lấy rượu, ngâm tiếp lần 2 (1 phần tắc kè / 5 phần rượu), trong 2 – 3 tuần lễ, chiết lấy rượu. Gộp dịch rượu ngâm của 2 lần, lắc đều. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 20 – 30ml, trước bữa ăn. Để khử mùi tanh, có thể cho vào bình rượu 8 – 10g trần bì và 2g tiểu hồi.
Trị chứng ho phế và thận đều hư, hen lâu không đỡ:
Sâm cáp tán: tắc kè 1 đôi, nhân sâm 6g, tán thành bột mịn. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 2g, chiêu với nước nguội hoặc nước cơm
Trị ho hen, đờm có máu:
Thang cáp giới: tắc kè 8g, tri mẫu 12g, bối mẫu 12g, tang bì 12g, hạnh nhân 12g, tỳ bà diệp 12g, đảng sâm 12g, cam thảo 4g, cao ban long 12g. Cao ban long để riêng, sắc các vị thuốc khác lấy nước, hòa cao vào để uống.
Trị phế và thận đều suy nhược sinh di tinh, ho hen lâu ngày, ho ra máu:
Tắc kè lượng vừa đủ, tán thành bột mịn. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 2g, chiêu bằng nước cháo đường.
Một số món ăn từ tắc kè:
Cháo tắc kè tươi: Tắc kè sống còn đủ đuôi 2 con, gạo tẻ 100g. Gạo nấu cháo; tắc kè làm sạch, dùng rượu rửa lại, bỏ đầu, chặt nhỏ, thêm rượu, dầu ăn, muối, hành sống, bột tiêu trộn đều; để 20 phút; sau đó đổ vào nồi cháo đã chín trên bếp, đun sôi lại trong 5 – 10 phút là được. Tác dụng bổ thận định suyễn, ích tinh tráng dương. Dùng tốt cho nam giới thiểu năng tình dục, di tinh, liệt dương, hen suyễn.
Bột tắc kè: tắc kè 1 đôi, phổi dê 30g, mạch môn 15g, rượu vừa đủ. Tắc kè tẩm dấm rang cho chín vàng, tán bột; phổi dê sấy khô tán bột; mạch môn nướng chín khô tán bột. Trộn các vị thuốc với nhau. Lấy một chén rượu, đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn; cho vào 9g bột hỗn hợp, khuấy đều, cho ăn trong một lần. Ngày 1 – 2 lần. Trị ho khan do viêm khí phế quản, ho do lao phổi.
Bánh mật tắc kè: tắc kè 1 đôi, nhân sâm 1 củ, sáp ong vàng 120g. Tắc kè tẩm mật và rượu nướng chín, nhân sâm sấy khô; tán bột. Đun sáp ong cho tan, vớt bỏ bã, cho bột sâm tắc kè vào, trộn đều và làm thành 6 cái bánh. Mỗi lần cho 1 bánh vào bát cháo gạo nếp, khuấy tan, ăn nóng. Thích hợp cho người viêm phổi, viêm khí phế quản, phù mặt, tay chân.
Bột tắc kè bạch cập: tắc kè 1 đôi, bạch cập 100g. Hai vị tán bột, trộn đều. Ngày uống 2 lần (sáng – chiều), mỗi lần 15g, uống với nước sôi và mật ong. Dùng liên tục 20 ngày. Tác dụng bổ phế khí. Trị người già ho, nhiều đờm, ho ra máu.
Rượu tắc kè: tắc kè 1 đôi, rượu 400 500 – 1.000ml. Tắc kè bỏ đầu, chân, vảy; ngâm rượu 7 ngày. Mỗi lần uống 1 – 2 thìa; ngày 2 lần. Dùng cho nam giới thận hư, di tinh, di niệu, tiểu nhiều lần.
Rượu sâm tắc kè: tắc kè 1 đôi, nhân sâm 12g, rượu 1.000ml. Ngâm trong 7 ngày, mỗi ngày khuấy lắc vài lần. Ngày uống 1 – 2 lần. Mỗi lần 15 – 30ml. Trị hen suyễn do thận khí hư.
Thịt nạc hầm tắc kè: tắc kè 1 con, thịt lợn nạc 50g. Tắc kè làm sạch bỏ ruột, bỏ da. Thịt lợn thái mỏng (giần bằng sống dao cho mềm), thêm mắm muối gia vị hầm chín nhừ. Dùng tốt cho trẻ em còi xương suy dinh dưỡng (cam tích); người lớn cơ thể suy nhược.
Kiêng kỵ: người hen suyễn do phong hàn ngoại tà (cảm lạnh từ ngoài vào sinh ho) và chứng thực nhiệt không được dùng.
TS.Nguyễn Đức Quang
Yhocvn.net (Nguồn SKDS)
Mẩn ngứa là hiện tượng tự nhiên gây ra những phiền toái ảnh hưởng đến…
Trong hệ thống tiêu hoá, gan nằm gần hạ sườn bên phải vì vậy loại…
Đột nhiên thấy phân nhạt màu và lặp lại thường xuyên thì đây có thể…
Theo thống kê của Bộ Y Tế có đến khoảng 10-20% dân số cả nước…
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…