Thứ Bảy, 06/08/2016 | 15:30

Khi có tuổi, các ông bố bà mẹ bắt đầu nghĩ đến chuyện giao cho con trai trọng trách thay mình làm nhiệm vụ đối nội, đối ngoại với họ hàng, duy trì nền nếp gia phong. Ở những nhà có cả trai trưởng lẫn trai thứ, việc này nhiều khi không hề đơn giản.

Kế vị đạo hiếu

Thấy mình đã già yếu, đi lại đường xá xa xôi không thuận, ông Dũng (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) nghĩ đến việc chỉ dạy các con thay mình lễ nghĩa họ hàng (theo giỗ, lễ Tết…). Ông bà có hai cậu con trai và con gái út. Cô út làm dâu nhà người phải lo việc nhà chồng coi như không tính. Anh trưởng theo đúng đạo thì phải lo hết giỗ lễ ông bà dưới quê và những vịêc lớn của dòng họ. Nhưng khổ nỗi anh này lại ở tận Sài Gòn. Thế là việccủa con trưởng dồn hết lên vai con thứ, vì anh này ở gần ông bà Dũng hơn.

Lo người “kế vị” - con trưởng, con thứ

Ảnh minh họa

Vì hoàn cảnh mà phải tính như vậy, chứ thâm tâm ông Dũng cũng lo lắm. Ông vẫn chưa yên tâm khi để cậu thứ thay mình vì thấy “nó làm kinh tế thì giỏi, công nghệ hiện đại thì nhanh nhạy nhưng phiền nỗi không tận tường họ hàng, tập tục truyền thống”. Năm nay ông cho cậu thứ về giỗ tiết thanh minh mà thấp thỏm, chỉ lo họ hàng cười mình là người có học mà quên gốc gác. Trước lúc con đi, ông dặn dò tỉ mỉ. Lúc thấy cậu thứ về vui vẻ khoe “Về quê vui lắm bố ạ, bố để tiếng cho con cái, cô chú nào cũng hỏi han. Ai cũng khen anh cả giỏi giang” ông mới thở phào.

Nhưng rồi ông lại phiền một nỗi khi thấy hai vợ chồng cậu thứ thì thầm “Sao anh trưởng không lo việc này, mình về quê vừa mất việc, vừa tốn kém, mà bao tiếng khen thì anh cả lại được nhận. Ông lại nhớ có lần nghe con dâu lớn tranh luận với em: “Anh chị đi làm xa, lo kinh tế được cho bố mẹ nên chú thím ở nhà phải thay anh chị chăm lo việc nhà, chứ làm sao việc gì cũng đến anh chị…”. Lời nhẹ như dao sắc, gia đình chưa có tai tiếng gì nhưng ông sợ các con sẽ mất đoàn kết từ những chuyện rất tế nhị này. Rồi ông lại tự trách mình không gọi các con về chỉ dạy, giao trách nhiệm rõ ràng để tránh những tị hiềm con trưởng con thứ.

Để đẹp nếp nhà

Suốt đời tha hương rong ruổi, khi có tuổi thì việc chăm lo hiếu nghĩa với tổ tiên dòng họ trở thành mối quan tâm lớn của rất nhiều người. Nhưng vì đường xá xa xôi, vì tuổi cao sức yếu, không phải ai cũng tự lo được vịêc này. Cũng không dễ để nói cho con cháu hiểu mà gách vác thay bố mẹ. (Lớp trẻ hay ngại những lễ nghi truyền thống, nhất là khi họ hàng xa xôi, cho đó là phiền hà, rườm rà, không cần thiết). Nếu không khéo nói, thì con cái dễ mất lòng. Mà nếu để mặc thì mình mang tiếng xấu với họ hàng, còn con cái bị cho là bất hiếu.

Ông Dũng than với bà. Bà thở dài. Ông Dũng trăn trở mãi rồi gọi điện cho cậu trưởng, sắp xếp thời gian về thăm nhà và họp gia đình. Nghe tâm sự của ông bà, các con ông hiểu được sự nặng lòng với truyền thống của bố mẹ và ý thức được rõ ràng trách nhiệm của mình. Ông anh chính thức có lời nhờ, vợ chồng cậu thứ cũng thấy mát mặt, còn ông bà Dũng thì yên tâm con cháu biết nghĩ đến tổ tiên, thay mình làm cái phận sự mà người nào cũng canh cánh lúc tuổi già.

Tạ Hà

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook