Theo Báo cáo “Công tác phóng chống HIV/AIDS 06 tháng đầu năm 2016” của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Việt Nam đã phát hiện mới 3.684 người nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.366 người, làm tử vong 862 người. Ước tính, hiện cả nước có 227.225 người đang nhiễm HIV; 85.753 người đang ở giai đoạn AIDS và đã có 89.210 người nhiễm HIV tử vong.
Thực trạng công tác phòng chống dịch HIV/AIDS tại Việt Nam
Chín năm liên tiếp gần đây, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm về cả 3 tiêu chí: giảm số người mắc mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Trải qua hơn 25 năm, công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ cả trong công tác dự phòng và công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS. Về cơ bản Việt Nam đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của đại dịch, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0,3% và hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Theo đó, Việt Nam có 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định, tiếp đó sẽ hướng tới thanh toán HIV/AIDS vào năm 2030.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra rằng, số người xét nghiệm HIV phát hiện mới tuy vẫn tiếp tục giảm, nhưngtốc độ chậm hơn nhiều so với trước đây. Mô hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang thay đổi từ nguyên nhân chính là lây truyền qua đường tiêm chích, sang nguyên nhân chính là lây nhiễm qua đường tình dục, những người nhiễm HIV mới trong giai đoạn hiện nay không còn tập chung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như trước, mà lây nhiễm thường xẩy ra cho nhóm những người dễ bị tổn thương như vợ, bạn tình của người nhiễm HIV, đặc biệt, là trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đây sẽ là một trong số những rào cản, thách thức cho Việt Nam trong quá trình hướng đến mục tiêu dần đẩy lùi và thanh toán dịch HIV/AIDS. Bên cạnh đó, một khó khăn lớn được TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, đó là sự thiếu hụt nguồn kinh phí phòng chống HIV/AIDS, do nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế liên tục bị cắt giảm nênnguồn kinh phí này phụ thuộc vào nguồn ngân sách của nhà nước.
Để người có nguy cơ, người nhiễm HIV thuận lợi trong tiếp cận các dịch vụ y tế
Nhìn chung các mục tiêu 90-90-90 có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV, tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán là nhiễm HIV cần được kết nối ngay với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị và chất lượng điều trị. Nếu đạt được cả ba mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được phần lớn những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được phần lớn những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây truyền HIV cho người khác. Người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, học tập và làm việc bình thường, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội. Do vậy, việc để những người có nguy cơ cao, người nhiễm HIV/AIDS luôn được thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ y tế như: dịch vụ tư vấn, dịch vụ xét nghiệm, dịch vụ điều trị thuốc ARV kháng vi rút… là điều rất quan trọng trong công tác phòng dịch, từ đó hướng đến các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 hay có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Trong thời gian tới, Công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ tập chung vào rà soát, phát hiện sớm các ca nhiễm mới HIV trong cộng đồng; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 75/2016/NĐ-CP quy định điều kiện thực hiện xét nghiệm HIV và Nghị định 90/2016/NĐ-CP quy định điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng các chất thay thế, các văn bản liên quan đến cung ứng và sử dụng thuốc ARV từ Quỹ Bảo hiểm y tế. Cũng do nguồn kinh phí công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS bị ngừng từ năm 2016, Bộ Y tế đã đề nghịcác địa phương chủ động lồng ghép hoạt động này vào các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe khác trên địa bàn.
Để người nhiễm HIV có thế tiếp cận các dịch vụ y tế, phục vụ điều trị trong hoàn cảnh nhiều nguồn viện trợ quốc tế phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm mạnh, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2488/VPCP-KGVX thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc cung ứng thuốc kháng vi rút để điều trị HIV/AIDS (thuốc ARV), theo đó, phải đảm bảo 100% số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là giải pháp quan trọng để người nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc ARV kịp thời, đảm bảo sức khỏe, giảm tử vong, đồng thời, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng.
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Y tế đã có công văn số 6741/BYT-AIDS đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở/ngành/đơn vị liên quan của địa phương thực hiện: đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT; giao Sở Y tế rà soát, tổng hợp danh sách người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT trên địa bàn, tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, giao Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV tại địa phương (hoặc đơn vị phù hợp) quản lý các nguồn kinh phí huy động mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Đối với các tỉnh chưa thành lập Quỹ cần nhanh chóng lập đề án trình Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành khần trương thành lập Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV tại địa phương mình; khuyến khích các tỉnh/thành hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS những chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi chi trả của Quỹ BHYT để giảm khó khăn cho người bệnh, duy trì việc tiếp cận và tăng cường hiệu quả điều trị HIV/AIDS.
Những giải pháp căn cơ này sẽ tạo điều kiện để biến các mục tiêu trong phòng chống HIV/AIDS trở thành hiện thực trong thời gian tới. Tuy nhiên, để công tác về phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao, bên cạnh sự hỗ trợ, quyết tâm của Chính phủ, của ngành Y tế, rất cầnsự vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền, sự chủ động tích cực tham gia của người dân hay các tổ chức, đoàn thể nhằm chung tay đối phó với HIV/AIDS.
Nguyễn Hiển
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.