Thứ Tư, 23/09/2015 | 05:03

Lại thêm một trường hợp tử vong do bệnh liên cầu lợn được ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM ngày 16-9 vừa qua. Đây là căn bệnh nguy hiểm chết người, mắc phải do ăn, tiếp xúc với sản phẩm từ thịt heo không đảm bảo vệ sinh, heo mắc bệnh như tiết canh, huyết xào, dồi heo… Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh liên cầu lợn có nguy cơ tử vong cao khi mắc phải và hàng năm các cơ sở y tế tiếp nhận hàng trăm trường hợp.

Chết vì huyết xào, tiết canh

Sau khi nhập viện chưa được một tuần, anh B.V.N. (35 tuổi, ngụ Châu Thành, Bến Tre) đã tử vong trong nỗi đau khôn nguôi của gia đình, vợ con. Trước đó, anh được Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) chuyển tuyến với chẩn đoán bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, qua các kết quả thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân đã bị sốc, nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, suy đa tạng do mắc phải liên cầu lợn. “Chúng tôi đã điều trị tích cực, hồi sức chống độc nhưng rất tiếc không cứu nổi bệnh nhân”, thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, ngậm ngùi. Theo bác sĩ Hảo, bệnh nhân đã được hỗ trợ thở máy, dùng kháng sinh mạnh, lọc máu liên tục… nhưng tình trạng nhiễm trùng diễn tiến ngày càng trầm trọng. Cơ thể người bệnh không còn đáp ứng với điều trị, rơi vào sốc, ngưng tim… Nguyên nhân dẫn đến bi kịch trên, theo người nhà bệnh nhân N. có thể do ăn phải huyết heo xào chưa chín kỹ. Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, đây là ca tử vong thứ 3 tính từ đầu năm đến nay tại bệnh viện do mắc liên cầu lợn. Ngoài ra đã có 7 trường hợp khác may mắn được điều trị thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Hiểm họa bệnh liên cầu lợn

Một bệnh nhân mắc liên cầu lợn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Tương tự, cách nay chưa lâu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cấp cứu liên tục 2 trường hợp được chẩn đoán mắc liên cầu lợn. Một bệnh nhân tên là Vũ Quang M. (51 tuổi, ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội), khai thác bệnh sử cho thấy, ông M. có ăn tiết canh heo và thường xuyên uống rượu. Sau đó, ông có biểu hiện sốt, khó thở… nhưng điều trị không hết. Đến khi nổi nhiều mảng thâm đen, hoại tử ở chân, tay mới nhập viện. Bệnh nhân còn lại cũng có nguyên nhân do ăn tiết canh heo… Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hàng năm nơi đây tiếp nhận cả trăm trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có nhiều trường hợp tử vong do biến chứng nặng suy gan, thận, tim. “Liên cầu khuẩn lợn có thể lây nhiễm cho con người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua đường tiêu hóa do ăn tiết canh, thịt heo và các sản phẩm từ heo nấu chưa chín. Những bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết cấp tính kèm theo sốc, nguy cơ tử vong rất cao”, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhìn nhận.

Nguy cơ từ thịt bẩn

Các nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng chỉ ra rằng có 2 thể nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường gặp là viêm màng não mủ, tỷ lệ bệnh nhân tử vong chỉ khoảng 2% – 3%; thể nhiễm trùng huyết tối cấp, nếu có biểu hiện sốc, tụt huyết áp, trụy mạch, tỷ lệ bệnh nhân tử vong lên tới 80% – 90%. Thế nhưng, hầu hết bệnh nhân nhập viện khi đã muộn, hoặc đã nguy kịch hoặc bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác. “Với bệnh nhân viêm màng não, nếu phát hiện sớm thì điều trị sẽ có kết quả tốt nhưng nếu điều trị muộn, người bệnh có thể bị phù não hoặc để lại di chứng nặng như động kinh, hoại tử tay, chân”, bác sĩ Nguyễn Văn Hảo cho biết. Theo ông, liên cầu khuẩn lợn là bệnh nguy hiểm, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, tuy nhiên người dân vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức về bệnh, nhiều người vẫn chế biến món tiết canh từ huyết tươi của heo, thậm chí món ăn chứa cả ổ vi trùng này còn được bán tại các quán ăn, nhà hàng. Trong khi tình trạng giết mổ heo lậu, heo bẩn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Theo Chi cục Thú y TPHCM, mỗi ngày người dân TPHCM tiêu thụ trên dưới 500 tấn thịt gia súc, gia cầm, nhưng mới kiểm soát được 80% – 90% trong số đó. Điều này có nghĩa vẫn còn hàng chục tấn thịt gia súc, gia cầm mà người dân ăn mỗi ngày chưa được kiểm soát, thịt không rõ nguồn gốc, giết mổ trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, thậm chí heo bệnh, nhất là bệnh tai xanh. Theo thanh tra Chi cục Thú y, lượng thịt bẩn chưa kiểm soát được ra lò ở những cơ sở giết mổ lậu từ các tỉnh đổ về thành phố, lọt qua các trạm kiểm dịch. Sau đó tuồn ra ở các chợ cóc gần các khu chế xuất, khu công nghiệp và tiêu thụ ở lề đường, dành chủ yếu cho công nhân và người thu nhập thấp. Các chuyên gia y tế cảnh báo, việc sử dụng các loại thịt heo bệnh không được chế biến kỹ sẽ gây nguy cơ mắc bệnh liên cầu lợn rất nguy hiểm. Qua khảo sát của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho thấy, khoảng 10% trong số các mẫu thịt heo được thu thập tại các lò mổ có phép và không phép nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn tuýp 2 – loại vi khuẩn có mặt nhiều nhất trong những bệnh nhân mắc khuẩn liên cầu lợn. “Heo dù kiểm dịch hay chưa kiểm dịch đều có thể tiềm ẩn vi khuẩn liên cầu lợn. Khoảng 30% số người mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn có làm việc trong môi trường liên quan đến giết mổ, chế biến thịt heo do vi khuẩn ở heo xâm nhập cơ thể con người qua các vết thương, trầy xước, lở niêm mạc chân răng… Số còn lại là ăn các món chế biến chưa kỹ từ heo như tiết canh, lòng heo, huyết xào…”, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết.

Để tránh nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo những hộ gia đình chăn nuôi loài động vật này nên chú ý vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, vệ sinh cơ thể, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch sau khi tiếp xúc với lợn. Tuyệt đối không ăn tiết canh, chỉ ăn những món chế biến từ thịt heo, các sản phẩn từ heo khi đã được nấu chín.

TƯỜNG LÂM

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook