Bị nhau tiền đạo, cài răng lược hiếm gặp, sản phụ mang thai 37 tuần được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương mổ lấy thai, bảo tồn tử cung thành công. Ôm con gái mới chào đời, người mẹ nhiễm HIV nghẹn ngào.
Kết quả siêu âm Doppler màu nghi ngờ nhau tiền đạo trung tâm, mặt trước nghi ngờ nhau cài răng lược, sản phụ 28 tuổi được thực hiện MRI chẩn đoán nhau cài răng lược thể Increta. Vì phần bánh nhau nghi ăn sâu vào lớp cơ tử cung, thai phụ bước vào phòng mổ với tư vấn có thể nguy cơ cao cho cả mẹ và con do có thể xuất huyết ồ ạt, không loại trừ trường hợp phải cắt bỏ tử cung để đảm bảo an toàn tính mạng. Vượt cạn thành công, con gái chào đời khỏe mạnh 2,9 kg, người mẹ nghẹn ngào hạnh phúc sau những chuỗi ngày lo lắng.
Phó giáo sư, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khoa Sản Bệnh, Bệnh viện Hùng Vương cho biết đây là trường hợp hiếm gặp vì sản phụ chưa từng mổ sinh hay nạo phá thai trước đó, chỉ có một lần sinh thường nhưng vẫn xuất hiện nhau cài răng lược. Tần suất này khoảng 7.000 người mới có một trường hợp bị.
Theo phó giáo sư Khánh Trang, nhau cài răng lược là tình trạng gai nhau xâm lấn qua màng đáy vào cơ tử cung. Trong trường hợp diện tích xâm lấn lớn, nhau bám quá chặt dẫn đến khi mổ có thể không lấy được bánh nhau, gây biến chứng băng huyết sau sinh trầm trọng, nhiễm trùng, thủng hoặc vỡ tử cung… Trước đây, đa số các trường hợp sản phụ nhau cài răng lược thường được xử trí cắt tử cung ngay sau khi mổ lấy thai để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả mẹ và con.
“Mỗi một phút động mạch tử cung chảy khoảng 600 ml máu. Cơ thể người phụ nữ mang thai chứa khoảng 4.000-4.500 ml máu. Trong cuộc mổ sinh khi phát hiện nhau cài răng lược nếu lúng túng, không xử lý kịp thời, không đủ máu để truyền thì chỉ trong vòng chưa tới 10 phút, sản phụ sẽ bị sốc do mất máu lượng lớn và có nguy cơ tử vong”, phó giáo sư Khánh Trang phân tích.
Tình trạng của sản phụ này nặng nề do sức khỏe yếu, nhau tiền đạo trung tâm, bánh nhau ăn sâu vào lớp cơ tử cung. Ê kíp chính phẫu thuật bao gồm phó giáo sư Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, bác sĩ Trần Thị Ngọc Tâm, bác sĩ gây mê Nguyễn Thị Kim Hà đã chủ động khống chế chảy máu, dự trù sẵn hồng cầu đậm đặc cùng nhóm, truyền máu kịp thời cho bệnh nhân để giúp cuộc mổ an toàn. Kết quả là bệnh nhân bảo tồn tử cung thành công, truyền 2 đơn vị máu và thời gian mổ khoảng 45 phút.
“Với thai phụ nhiễm HIV, ca mổ đòi hỏi các bác sĩ phải cẩn trọng, mọi thao tác đều bị giới hạn chậm hơn. Trong trường hợp bảo tồn tử cung ở bệnh lý nhau cài răng lược, vừa đòi hỏi tốc độ nhanh chóng để hạn chế xuất huyết, vừa phải xử lý từng bước kỹ lưỡng để tránh sang chấn gây nguy cơ phơi nhiễm là một thách thức với các bác sĩ”, phó giáo sư Trang phân tích. Nếu cắt bỏ tử cung thai phụ, ê kip đỡ phải áp lực “chạy đua” thời gian nhưng với tâm niệm “cố gắng đạt được điều tốt nhất cho người bệnh mà không có sự phân biệt đối xử”, các bác sĩ đã nỗ lực làm nên điều kỳ diệu. Sau mổ sức khỏe của cả mẹ lẫn con đều ổn định.
Phó giáo sư Khánh Trang khuyến cáo, phụ nữ có thai nên đi khám và siêu âm thai định kỳ. Chẩn đoán sớm nhau cài răng lược giúp có sự chuẩn bị cho mẹ và thai khi thích hợp sẽ có can thiệp kịp thời giúp giảm nguy cơ. Chỉ sinh mổ khi thật sự cần thiết, nên tránh nạo phá thai, hạn chế mổ trên tử cung nhiều lần để hạn chế nguy cơ nhau cài răng lược.
Các nghiên cứu trong y văn ghi nhận, sau mổ sinh một lần nguy cơ nhau cài răng lược tăng 0,65%, sau mổ 2 lần tăng 1,8%, sau mổ 3 lần tăng 3% và sau mổ 4 lần nguy cơ tăng 10%. Tại Bệnh viện Hùng Vương từ năm 1995 đến 2011, tỷ lệ mổ lấy thai tăng từ 17,1% đến 42,8%, tỷ lệ nhau cài răng lược tăng từ 1/10.000 lên 1/4.762, đặc biệt trong nhóm có nhau tiền đạo trên vết mổ sinh cũ.
Lê Phương
Nguồn: vnexpress
Chưa có bình luận.