Chẳng ai ngờ thói quen hết sức phổ biến ở Việt Nam lại có những nguy hại thế này!
Lát chanh và đá được phục vụ trong đồ uống là một “văn hóa” cực phổ biến ở Việt Nam, thậm chí một cốc trà đá vài nghìn đồng cũng được gắn thêm lát chanh cho… sang chảnh, thơm tho.
Thế nhưng sự thật dưới đây có thể làm bạn hoang mang, vì bấy lâu nay, lát chanh tưởng chỉ có lợi lại chứa đựng nhiều rủi ro.
Lát chanh tưởng vừa đẹp vừa thơm hóa ra lại chứa đựng những nguy hại không ngờ
Lát chanh và đá mang theo lượng vi khuẩn và vi rút lớn
Đá là thứ giải khát và giảm nhiệt tuyệt vời, nhưng cũng như lát chanh, nó có thể bị nhiễm bẩn, ngay cả trước khi biến thành đá. Nước làm đá phải đảm bảo được các tiêu chuẩn vệ sinh, tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng được thực hiện đúng quy trình.
Ngoài nguy cơ làm đá từ nước bị ô nhiễm, đá và chanh còn nhiễm vi khuẩn từ nhiều nguồn khác nhau: nơi sản xuất, thớt, tay hoặc đồ dùng.
Đá – thứ dùng chung với đồ uống hàng ngày ở Việt Nam có khả năng nhiễm khuẩn rất cao
Năm 1987, đá bị nhiễm khuẩn được phục vụ tại một cuộc thi bóng đá ở Philadelphia giữa Đại học Pennsylvania và Cornell làm 5.000 người mắc bệnh Norovirus. Đó cũng là nguyên nhân gây ra vụ dịch tả năm 1991 ở châu Mỹ Latinh khiến gần 8.000 bị bệnh và 17 ca tử vong.
Đặc biệt ở Việt Nam, các cơ sở làm đá tràn lan và giá thì rẻ hơn cả tiền nước sạch tương đương, rõ ràng của rẻ là của ôi. Các hàng quán từ cao cấp đến vỉa hè đều dùng đá và lát chanh như một thứ không thể thiếu. Tuy nhiên, từ thí nghiệm và quá trình nghiên cứu, người ta phát hiện, thói quen này chỉ khiến bạn rước bệnh vào người.
Hậu quả khôn lường
Nếu tay bạn nhiễm khuẩn E.coli (vi khuẩn gây tiêu chảy và đường ruột cực nguy hiểm), nó sẽ được truyền 100% qua lát chanh tươi và viên đá, đối với chanh khô, khả năng giảm còn 30%.
Một nghiên cứu cho thấy 69% lát chanh dùng trong đồ uống từ 21 nhà hàng được lấy mẫu tại khu vực Paterson, New Jersey đã mang vi khuẩn hoặc nấm do người truyền qua. Với đá, kết quả này còn tệ hơn. Vi khuẩn từ muỗng có khả năng truyền 83% và từ tay là 67% sang đá.
Ở Việt Nam, con số này có thể còn cao hơn rất nhiều bởi thói quen “ăn xổi ở thì”. Ai biết được lát chanh trên cốc của bạn có được cắt bằng con dao, cái thớt sạch sẽ hay không, ai biết họ có vệ sinh tay cẩn thận trước khi bốc lát chanh thả xuống?
Đối với đồ uống có cồn thì sao?
Nhiều người cho rằng đồ uống có cồn sẽ miễn nhiễm với vi khuẩn. Nhưng không thực sự vậy. Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, mầm bệnh đông lạnh trong đá có thể tan chảy ngay cả trong hỗn hợp Scotch và soda hoặc tequila. Trong hầu hết đồ uống, nhiều loại vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong đá rất lâu và một khi đá tan, vi khuẩn vẫn có thể gây bệnh. Vì thế ngay cả đồ uống có cồn hay có tính axit cũng không loại trừ khả năng nhiễm khuẩn từ đá và lát chanh.
Nhiều người rất chủ quan và không mấy quan tâm đến vấn đề này. Đúng, khả năng bạn nhiễm bệnh là thấp, nhưng lại hoàn toàn có thể xảy ra. Hãy chắc chắn bạn đang được uống thứ gì, quả thực hiếm ai biết có gì trên viên đá hay lát chanh ấy!
Đức Hải
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.