Chuyên gia Đại học South Florida (Mỹ) đánh giá cao dự án mở trường đại học y và bệnh viện thực hành của Vinmec, giúp rút ngắn thời gian đào tạo bác sĩ ngành ung thư còn 10-14 năm.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Nguyên Hưng là chuyên gia về dịch tễ học phân tử và di truyền ung thư tại Đại học South Florida (Mỹ). Cùng với 20 chuyên gia Mỹ khác, trong đó có 16 bác sĩ gốc Việt, ông về nước cập nhập phác đồ điều trị ung thư và chuẩn lâm sàng mới nhất trên thế giới cho cán bộ y tế Vinmec. Ngoài ra, còn chia sẻ nhiều ý kiến để nâng cao chất lượng nhân lực ngành ung thư trong nước.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Nguyên Hưng tham gia “Diễn đàn nghiên cứu ung thư” do Vinmec tổ chức ngày 20-26/2 tại Hà Nội.
– Ông đánh giá thế nào về nhân lực hệ thống y tế tư nhân so với quốc tế, đặc biệt là lĩnh vực ung thư?
– Tại Việt Nam, Vinmec là một trong những hệ thống y tế tư nhân có cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ sánh ngang với nhiều bệnh viện lớn trong khu vực. Nơi đây quy tụ nhiều nhân sự giỏi, một số bác sĩ có đẳng cấp trong khu vực. Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn xa, dài hơi và tâm huyết cải thiện sức khỏe cộng đồng.
– Vậy còn điểm cần khắc phục?
Nhờ hội đủ 2 yếu tố: lãnh đạo có tầm nhìn và tiềm lực tài chính, Vinmec có nhiều cơ hội vươn ra quốc tế. Song để sàng lọc, chẩn đoán sớm, điều trị theo hướng y học cá thể, thì cần đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân lực có thể vận hành chúng. Việc hợp tác với các bác sĩ Mỹ gốc Việt giàu kinh nghiệm là một sáng kiến chiêu mộ nhân tài đáng giá của Vinmec.
Nhiều phác đồ điều trị ung thư và chuẩn lâm sàng mới nhất trên thế giới được ông chia sẻ.
– Để phát triển Trung tâm điều trị ung bướu đạt chuẩn quốc tế, lời khuyên của ông là gì?
– Trước hết, Vinmec cần thêm nhiều chuyên gia đầu ngành. Những người giỏi cũng cần đồng nghiệp giỏi, môi trường để trao đổi học thuật.
Thứ hai, phải có hệ thống ghi nhận ung thư tốt để thống kê chính xác các con số, mô tả rõ tình hình bệnh tật, làm cơ sở cho nghiên cứu sau này về ung thư. Đồng thời, chuẩn hóa ngân hàng mô, ngân hàng sinh học để phục vụ công tác điều trị, theo dõi bệnh nhân ở mức độ cá thể và tiến hành các nghiên cứu đột phá. Những nghiên cứu này là một trong những yếu tố cốt lõi, giúp Vinmec ngang hàng với các bệnh viện quốc tế.
Bệnh viện cũng cần tăng cường hợp tác trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm của các trung tâm, bệnh viện khác, chia sẻ lợi ích để cùng phát triển. Nên xây dựng lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn, 5 năm, 10 năm, để có bước đi rõ ràng và vững chắc.
– Làm thế nào để cải thiện mô hình đào tạo nhân lực ngành ung thư hiện nay?
– Thuận lợi hơn các bệnh viện công, Vinmec có thể đưa ra nhiều quyết định táo bạo để chiêu mộ nhân tài ngành y. Tôi đánh giá cao việc bệnh viện hợp tác với các bác sĩ Mỹ gốc Việt, giàu kinh nghiệm, có tâm, muốn cống hiến cho quê nhà.
Song đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, Vinmec vẫn phải tính đến chuyện đào tạo nguồn nhân lực cho riêng mình. Ở Mỹ, các bệnh viện lớn thường đầu tư viện nghiên cứu, trường đào tạo, cơ sở thực hành.
– Mất bao lâu để đào tạo được một bác sĩ trị ung thư giỏi, chuẩn quốc tế?
– Việc Vinmec mở đại học y khoa và bệnh viện thực hành là hướng đi đúng đắn và cần thiết. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao và bền vững, cần phải xây dựng lộ trình đào tạo nhân lực cho riêng mình, chứ không thể chỉ dựa vào kênh chiêu mộ nhân tài.
Khi đó, Vinmec có điều kiện “trồng người” từ gốc, không phải đào tạo lại. Nếu làm bài bản ngay từ đầu, thì mất khoảng 10-14 năm để có một thế hệ bác sĩ mang thương hiệu Vinmec.
An San
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.