Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ mạnh mẽ hơn sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 vì đây có thể là cơ hội để ông quét sạch những người chống đối.
“Cuộc đảo chính bất thành sẽ khiến Tổng thống Erdogan mạnh mẽ hơn trước. Ông ấy sẽ tự miêu tả mình như một nạn nhân để thu hút thêm đồng cảm”, NBC News dẫn lời Fadi Hakura, chuyên gia thuộc tổ chức tư vấn Chatham House, trụ sở ở London, nhận định.
“Erdogan cũng sẽ mạnh mẽ nhờ tự miêu tả mình như một nạn nhân của giới thượng lưu quyền lực đang tìm cách phế truất ông cũng như hủy hoại uy quyền của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ”, Hakura đánh giá.
Hôm 15/7, phe đảo chính quân đội Thổ Nhĩ Kỳ huy động xe tăng, trực thăng và máy bay chiến đấu với mục tiêu lật đổ ông Erdogan. Họ đánh bom tòa nhà quốc hội ở Ankara, mưu toan chiếm quyền kiểm soát Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, và thủ đô.
Ông Erdogan khi ấy nhanh chóng thúc giục quần chúng xuống đường chống lại lực lượng đảo chính. Hưởng ứng lời kêu gọi, hàng nghìn người người dân Thổ Nhĩ Kỳ tràn ra các con phố nhằm chặn đứng đà tiến của phe đảo chính.
Trấn áp thành phần đối lập
Chuyên gia Hakura cảnh báo sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng có thể khuyến khích Tổng thống Erdogan tăng cường truy quét những thành phần chỉ trích hay kẻ thù của ông trong nội bộ đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền.
“Ông ấy sẽ tận dụng cơ hội này để mở rộng chiến dịch trấn áp những thành phần đối lập, chống lại các cơ quan công quyền rồi cuối cùng tìm cách lái Thổ Nhĩ Kỳ vào một hình thức chính phủ tập trung quyền lực cho tổng thống hơn”, Hakura bình luận, ám chỉ những nỗ lực thay đổi hiến pháp mà ông Erdogan đang theo đuổi.
Hôm 18/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Washington “dứt khoát đứng về phía bộ máy lãnh đạo được dân cử ở Thổ Nhĩ Kỳ” nhưng kêu gọi chính phủ của ông Erdogan tôn trọng pháp quyền.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ duy trì sự tôn trọng ở mức cao nhất đối với các định chế dân chủ. Chúng tôi chắc chắn ủng hộ việc đưa những kẻ âm mưu đảo chính ra trước công lý nhưng cũng khuyến cáo Thổ Nhĩ Kỳ không nên đi quá giới hạn này. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của quy tắc dân chủ cần phải được giữ gìn”.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã cải thiện đáng kể và ảnh hưởng của nước này trên thế giới cũng gia tăng đáng kể sau 13 năm ông Erdogan nắm quyền. Tuy nhiên, phe đối lập lại chỉ trích Erdogan ngày càng độc đoán qua những vụ bỏ tù phóng viên hay những người lên án chế độ của ông.
Trước khi dư âm ồn ào mà cuộc đảo chính gây ra kịp lắng xuống, ông Erdogan nhanh chóng bày tỏ quyết tâm thanh trừng lực lượng quân đội.
“Họ sẽ phải trả giá đắt cho hành động đó. Cuộc đảo chính là món quà của thượng đế ban cho chúng ta vì đây là lý do để ta thanh lọc quân đội”, ông khẳng định.
Tổng thống Erdogan cũng nêu ra khả năng tái áp dụng án tử hình sau vụ đảo chính hụt. Điều này khiến các đồng minh ở Liên minh châu Âu (EU) không khỏi lo âu, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách gia nhập EU.
Tuy nhiên, ông Erdogan lưu ý rằng để tái áp dụng án tử hình, quốc hội cần thông qua quyết định sửa đổi hiến pháp.
Theo giới quan sát, quy mô của chiến dịch trấn áp hậu đảo chính được thể hiện rõ nét qua những con số mà Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo. Hơn 7.500 người bị bắt giữ trên cả nước, bao gồm 6.030 binh sĩ, 100 cảnh sát. Ngoài ra, khoảng 2.745 thẩm phán, công tố viên cùng 1.500 công chức bị sa thải.
Chuyên gia nhận định thành phần người bị bắt giữ làm bật lên những căng thẳng bấy lâu nay giữa đảng AK và lực lượng quân đội.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhìn chung tuân thủ các nguyên tắc thế tục nền tảng do Mustafa Kemal Ataturk, tổng thống đầu tiên của nước này đặt ra.
Trước khi Erdogan lên nắm quyền, thành viên của các đảng Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua nhiều thế kỷ sống trong nỗi sợ bị bắt bớ và phân biệt đối xử.
Nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đã phân cực từ lâu song âm mưu đảo chính của quân đội đều bị các phe phái chính trị lên án. Tuy nhiên, đảng Nhân dân Cộng hòa, phe đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng cảnh báo cuộc đảo chính sẽ là cái cớ để chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khởi động một chiến dịch “săn phù thủy” nhằm dọn dẹp những thế lực đối đầu.
“Những kẻ âm mưu đảo chính cùng đồng bọn phải ra khai nhận trước tòa trong khuôn khổ trật tự pháp lý. Không được phép lợi dụng các cuộc điều tra như công cụ để trả thù hay thanh trừng. Chẳng ai thật lòng yêu mến một chế độ độc đoán”, đảng Nhân dân Cộng hòa ra tuyên bố.
Thâu tóm quyền lực
Những người ủng hộ tổng thống tập trung trước một màn hình chiếu ảnh ông Erdogan ở thủ đô Ankara. Ảnh: Reuters
Vụ đảo chính và cách đảng AK phản ứng trước sự kiện này sẽ chắp thêm cánh cho “lời kêu gọi của ông Erdogan về một hệ thống tập trung nhiều quyền lực hơn cho tổng thống”, chuyên gia Ziya Meral thuộc Trung tâm Phân tích Lịch sử và Nghiên cứu Xung đột, một tổ chức tư vấn thuộc Bộ Quốc phòng Anh, đánh giá. “Giờ đây, những người theo Tổng thống Erdogan, không cần phải nghĩ ngợi, cũng sẽ ủng hộ một hệ thống như vậy”.
Theo Meral, ông Erdogan đang muốn xây dựng nền móng dân tộc chủ nghĩa và bảo thủ nhằm thúc đẩy các thay đổi lớn trong hiến pháp. Tham vọng này cần nhận được sự ủng hộ lớn từ quốc hội nếu muốn thành công.
Song việc hàng nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường để phá âm mưu đảo chính nhân danh dân chủ cho thấy ông Erdogan có khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn huy động sự ủng hộ để tạo ra những thay đổi lớn lao.
“Không ai yêu thích một chế độ độc đoán”, Meral nhận xét. “Việc người dân xuống đường biểu tình có thể sẽ khiến đảng AK nhận ra rằng tốt nhất là không nên đẩy mọi thứ tới một cuộc khủng hoảng khác”.
Theo bình luận viên F. Brinley Bruton từ NBC News, mối lo ngại lớn hiện nay là cuộc khủng hoảng chính trị đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm suy yếu năng lực của nước này với tư cách thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa an ninh toàn cầu.
Vnexpress.net
Nguồn: Báo Tầm Nhìn
Chưa có bình luận.