Thứ Hai, 18/01/2016 | 06:30

Chuẩn bị đón trẻ ra đời từ mang thai hộ

Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, sau một năm triển khai Nghị định, nhiều khó khăn và bất cập cũng xảy ra trong quá trình thực hiện như Luật chỉ cho phép các cặp vợ chồng hiếm muộn chưa có con chung mới được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cặp vợ chồng có con chung nhưng bị tật nguyền, tàn tật trong quá trình sinh nở trước thì lại không được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

Bên cạnh đó, để được phép thực hiện phương pháp mang thai hộ, các cặp vợ chồng phải hoàn tất bộ hồ sơ gồm rất nhiều giấy tờ, chứng nhận để bảo đảm thủ tục về mặt pháp lý. Sau đó, Hội đồng chuyên môn và hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện sẽ kiểm tra để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có đúng chỉ định được thực hiện kỹ thuật này hay không. Tiếp đó, họ sẽ được tư vấn những điều kiện được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cho cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ.

GS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tính đến cuối năm 2015, cả nước đã thu nhận được gần 100 hồ sơ xin được cho phép mang thai hộ. Tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia (Hà Nội) đã duyệt 60 hồ sơ, trong đó đã thực hiện 46 ca; tại Trung tâm hiếm muộn BV Từ Dũ (TP HCM) cũng đã có 33 hồ sơ từ các cặp vợ chồng hiếm muộn và đủ điều kiện mang thai hộ và đã thực hiện 19 ca.

Tại BV Phụ sản Trung ương tỷ lệ thành công sau khi thực hiện kỹ thuật này đã đạt được 50%. Dự kiến trong tháng 1, sẽ có trường hợp trẻ đầu tiên sẽ chào đời bằng kỹ thuật này tại BV Phụ sản Trung ương.

Theo GS Nguyễn Viết Tiến, có nhiều trường hợp trong khi sinh nở vì thủ thuật sản khoa mà con họ bị liệt, hay có phụ nữ mang thai không may mắn bị tai biến bắt buộc cắt tử cung để cứu sống người mẹ, trong khi noãn của vợ bình thường, tinh trùng của cha bình thường thì nếu vợ chồng được sinh thêm một đứa con nữa sẽ nhân đạo hơn. Bào thai mang hộ là sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng của vợ chồng được mang trong tử cung của một người khác nhờ vào kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đứa bé sinh ra mang gen di truyền của bố mẹ chứ không phải của người mang thai hộ.

Trước những lo lắng về việc Luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhưng ranh giới giữa nhân đạo và thương mại rất mong manh, GS Tiến phân tích: Cho phép mang thai hộ là quy định rất nhân văn nhưng không phải trường hợp nào cũng thực hiện được kỹ thuật này. Nói cách khác chỉ có những trường hợp tinh trùng của chồng, noãn của vợ bình thường, nhưng người vợ không thể mang thai mới chỉ định biện pháp mang thai hộ.

Các trung tâm hỗ trợ sinh sản phải làm thật nghiêm, kiểm tra kỹ hồ sơ, kiểm soát đúng người mang thai hộ là cùng dòng, họ hàng liên quan. Khả năng mang thai hộ vì mục đích thương mại rất khó. Các quy định của luật cũng hết sức chặt chẽ. Thỏa thuận mang thai hộ phải có thông tin đầy đủ, cam kết thực hiện quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, lập thành văn bản có công chứng, có xác nhận của cơ sở y tế thực hiện và không được ủy quyền cho bên thứ ba.

Hơn nữa, hầu hết trường hợp mang thai hộ đều kết thúc bằng việc mổ lấy thai để an toàn nhất. Về mặt sức khỏe, một người không mổ lấy thai quá 2 lần, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó điều kiện đối với người mang thai hộ là phải đã có con. Bản thân người nhờ mang thai cũng không dám nhờ một người đã sinh mổ quá nhiều lần vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và con. Cũng vì thế bước đầu mới có 3 BV được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm: Phụ sản Trung ương, Trung ương Huế và Từ Dũ.

Đỗ Thùy Linh

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook