Thứ Hai, 30/05/2016 | 00:31

Trong thời kỳ bào thai, bé phát triển nhờ vào chất dinh dưỡng lấy từ cơ thể người mẹ. Chế độ dinh dưỡng trong những tháng mang thai đầy đủ không chỉ đảm bảo sức khỏe cho mẹ, mà còn cần thiết cho sự phát triển của bé. Do đó, trong suốt quá trình mang thai, người mẹ nên áp dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học. Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho mình, thai phụ cần lưu ý những điểm sau đây.

Chế độ ăn với thực phẩm tươi sống, an toàn

Đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi. Người cần lựa chọn những thực phẩm tươi sống, đúng mùa, an toàn, không hóa chất bảo quản. Khi chế biến thực phẩm, thai phụ nên hấp hoặc xào qua, để giữ được lượng vitamin và khoáng chất sẵn có. Thai phụ không nên dùng thực phẩm đã qua chế biến, vì giá trị dinh dưỡng thấp và có thể không an toàn. Trong bất cứ mọi trường hợp, thai phụ không được phá vỡ nguyên tắc ăn uống lành mạnh, nếu không, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và gây nguy hiểm cho sự phát triển của con.

Ví dụ, trong quá trình mang bầu, thai phụ không nên sử dụng chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê, ma túy…

Hãy duy trì chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất

Chế độ dinh dưỡng của thai phụ cần đảm bảo đầy đủ 5 nhóm chất gồm có đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, sẽ giúp bà bầu có một thai kỳ khỏe mạnh. Thai phụ nên lựa chọn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đủ dưỡng chất cho hai mẹ con. Chẳng hạn, thực phẩm giàu chất béo như lạc, vừng; thực phẩm giàu đạm như tôm biển, cua biển, mực; thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như sữa bà bầu, viên uống thai kỳ; thực phẩm giàu chất xơ như rau, củ, quả…

Chú ý chất lượng thay vì số lượng thực phẩm

Mỗi loại thực phẩm cung cấp lượng dinh dưỡng khác nhau. Khi lựa chọn, thai phụ nên ưu tiên những loại giàu calo, năng lượng và các chất tốt cho sự phát triển của thai nhi. Thai phụ nên chú trọng về chất lượng dinh dưỡng trong từng loại thực phẩm, hơn là quan tâm đến số lượng. Ví dụ, giữa trứng gà và trứng ngỗng, mặc dù trọng lượng trứng gà thấp hơn nhiều nhưng hàm lượng vitamin và khoáng chất lại cao hơn, đặc biệt là vitamin A, một chất rất quan trọng đối với việc phát triển thị giác của thai nhi;

Giữa thịt lợn và thịt bò, thì thịt bò chứa nhiều calo, lipit, sắt, vitamin D hơn thịt lợn, cụ thể  trong 100g thịt bò chứa 250 kcal, 15g lipit, 2,6mg sắt còn trong 100g thịt lợn chứa 242 kcal, 14g lipit, 0,9mg sắt.

Chú ý giảm các thức ăn gây nguy cơ tiểu đường

Trong suốt thời kỳ mang thai, người mẹ cần hấp thu lượng thực phẩm rất lớn, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và cung cấp đủ dưỡng chất cho sự phát triển của con. Tuy nhiên, nếu thừa dinh dưỡng, thai phụ sẽ dễ bị béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến. Trong đấy, bệnh tiểu đường là bệnh lý mang thai ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của hai mẹ con và có thể phòng tránh được nếu áp dụng chế độ ăn phù hợp.

Để phòng tránh căn bệnh này, thai phụ nên chọn những thực phẩm chứa ít đường như gạo lức, đậu các loại, hoa quả tươi… và tránh sử dụng các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh mỳ trắng, bánh ngọt, đường tinh luyện…

Luôn đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể

Phụ nữ mang thai phải luôn được cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Nước không chỉ giúp điều hòa hoạt động cơ thể thai phụ, mà còn tham gia duy trì ổn định môi trường nước ối trong bào thai. Mỗi ngày, thai phụ nên uống 3 lít nước, bao gồm nước sôi để nguội, nước hoa quả, nước canh, nước cháo, nước sữa, đặc biệt là nước cam và nước dừa vì hai loại nước này chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất cao. Thai phụ không nên sử dụng các loại nước uống có chất kích thích, nước đóng sẵn có ga, vì dễ gây ra hiện tượng đầy hơi, tiêu chảy, ngộ độc.

Sau đây là một số thực phẩm giàu chất dinh dưỡng dành cho thai phụ:

Hoa quả tươi

Hoa quả là nguồn thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể. Để tránh tình trạng bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất, thai phụ nên ăn những hoa quả như chuối, táo, đu đủ chín. Ngoài ra, thói quen ăn hoa quả trong thai kỳ giúp thai phụ tránh bị táo bón.

Hải sản tươi sống

Các loại hải sản như tôm, cua, nghẹ, mực, ngao, sò… cung cấp rất nhiều muối khoáng và vi chất như i-ốt, ma-giê, phốt-pho, sắt, can-xi. Thai phụ nên chọn hải săn tươi mới, không chất bảo quản, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra, khi sử dụng hải sản, thai phụ chỉ nên ăn lượng vừa đủ để tránh tình trạng lạnh bụng, đau bụng, tiêu chảy.

Mộc nhĩ đen

Mộc nhĩ đen có rất nhiều tác dụng như ích khí, dưỡng huyết, kiện vị, cầm máu, nhuận tràng, rất tốt cho thai phụ. Chất keo chứa trong mộc nhĩ đen có thể tập trung bụi và tạp chất trong hệ tiêu hóa rồi thải ra ngoài. Thai phụ có thể dùng mộc nhĩ đen chế biến thành nhiều món ăn trong các bữa ăn như mộc nhĩ đen xào thịt, mộc nhĩ đen hầm táo tàu…

Kê và ngô

Kê và ngô là hai thực phẩm chứa nhiều hàm lượng protein, chất béo, canxi, tiền tố vitamin A, vitamin B1, vitamin B2 rất tốt cho sự phát triển não bộ thai nhi. Thai phụ có thể sử dụng kê và ngô trong các bữa ăn của mình.

Vừng

Vừng, đặc biệt là vừng đen có tác dụng nhuận tràng, thông huyết. Thai phụ có thể ăn vừng với nhiều cách chế biến khác nhau như muối vừng, tương vừng, bánh, chè.

Lạc

Lạc là loại thực phẩm giàu protein. Thai phụ có thể sử dụng lạc trong bữa ăn như muối lạc, lạc rang, chè, cháo. Thai phụ nên ăn hạt lạc nguyên vỏ lụa bên ngoài vì nó có tác dụng nhuận tràng, chống thiếu máu.

Quá trình 40 tuần mang thai, thai nhi phát triển dựa vào chất dinh dưỡng lấy từ cơ thể mẹ. Do vậy, để em bé sinh ra được khỏe mạnh, thông minh, thai phụ cần đảm bảo cung cấp đủ nguồn dưỡng chất cho thai nhi. Ngay từ khi biết mình mang thai, người mẹ nên lên cho mình một thực đơn dinh dưỡng chi tiết và duy trì trong suốt quá trình mang thai

TT

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook