Thứ Hai, 07/09/2015 | 06:35

Kể từ khi phát hiện, phải phẫu thuật trong vòng sáu giờ mới có thể cứu tinh hoàn.

Bệnh nhi sơ sinh ĐTTL, cân nặng 4,6 kg, không sốt và bú tốt. Trong thời thai kỳ, siêu âm không phát hiện bệnh nhi có biểu hiện lạ; tám ngày sau sinh, mẹ bệnh nhi phát hiện bìu phải của con sưng nên đưa vào BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) khám.

Nhiều trường hợp không cứu kịp

Bác sĩ thấy bìu phải bệnh nhi sưng đỏ, căng cứng và đau, kèm sốt cao. Kết quả siêu âm ghi nhận tinh hoàn có kích thước to 22 x 15 mm, có lớp dịch ở giữa, máu không tới được và tràn dịch tinh mạc (bìu nước). Tinh hoàn trái có kích thước, cấu trúc bình thường, có ít dịch tinh mạc. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật. Kết quả phẫu thuật ghi nhận thừng tinh xoắn nhiều vòng tạo nút xoắn, tinh hoàn bị hoại tử. Do vậy, các bác sĩ quyết định tiến hành cắt tinh hoàn phải.

Tương tự, bệnh nhi NTS (sáu ngày tuổi) nhập BV Nhi đồng 1 trong tình trạng bìu sưng tím đen, cứng chắc. Kết quả siêu âm cho thấy màng trắng tinh hoàn trái của bé dày, vôi hóa, mất máu tưới trong tinh hoàn, có ít dịch trong bìu. Bệnh nhi cũng bị phẫu thuật cắt tinh hoàn trái do hoại tử.

Trường hợp bệnh nhi PĐP (một tháng tuổi) đến BV Nhi đồng 1 khám lạ hơn vì mẹ cho biết sờ không thấy tinh hoàn trái. Kết quả siêu âm cho thấy trong bẹn bìu trái bệnh nhi có nốt vôi hóa kích thước 5,6 x 10 mm, không thấy cấu trúc tinh hoàn bình thường. Còn tinh hoàn phải ở vị trí và cấu trúc bình thường. Bệnh nhi được chẩn đoán xoắn tinh hoàn trái trước sinh, hiện tại teo nhỏ và đã bị vôi hóa.

Hình minh họa xoắn tinh hoàn. Ảnh: TL

Hai dạng xoắn

BS-CK II Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh siêu âm BV Nhi đồng 1, cho biết xoắn tinh hoàn có hai loại: Xoắn tinh hoàn trong tinh mạc (bìu chứa tinh hoàn), thường gặp ở trẻ dậy thì và xoắn ngoài tinh mạc thường gặp khi trẻ trong bào thai hay sơ sinh. Dù xoắn tinh hoàn trong trường hợp nào đi chăng nữa nó cũng sẽ gây tắc nghẽn sự tưới máu, thiếu máu cục bộ xảy ra khi vòng xoắn đủ gây tắc nghẽn lưu thông máu, sẽ dẫn đến hoại tử tinh hoàn.

Theo BS Chí, đối với xoắn tinh hoàn trong tinh mạc, thường gặp ở trẻ trong độ tuổi dậy thì, biểu hiện là đau đột ngột vùng bìu, buồn nôn và ói. Qua thăm khám thấy bìu bị kéo lên cao và mất phản xạ da bìu. Da bìu, giai đoạn sớm có thể bình thường, trễ hơn thì sưng nề, đỏ. Khi sờ thấy đau và đặc biệt vẫn còn đau khi nằm nghỉ, thậm chí khi lấy tay nâng tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn ngoài tinh mạc thường gặp ở trẻ sơ sinh do khiếm khuyết cố định tinh hoàn (chiếm 10%). Dạng này có thể gặp trước hoặc sau khi trẻ ra đời. Các yếu tố gây bệnh như sinh khó, ngôi mông, nặng ký, phản xạ da bìu quá mức. Nếu xoắn tinh hoàn xảy ra trước sinh vài tuần thì sau sinh sẽ xuất hiện các dấu hiệu như có thể tinh hoàn teo nhỏ, vôi hóa hoặc không sờ thấy tinh hoàn. Trường hợp thai nhi bị xoắn vài ngày trước sinh sẽ có các dấu hiệu nhận biết như bìu sưng, tinh hoàn to, không đau. Trường hợp bị xoắn tinh hoàn vài giờ trước sinh hoặc ngay sau khi sinh ra sẽ thấy bìu sưng đỏ, đau, tinh hoàn to.

Việc chẩn đoán đúng xoắn tinh hoàn rất quan trọng nhằm can thiệp phẫu thuật sớm để hy vọng cứu được tinh hoàn mặc dù tỉ lệ rất thấp (40%-50%), đồng thời bảo vệ tinh hoàn còn lại.

Thấy bìu sưng nên đi khám ngay

Trong quá trình phát triển phôi thai, tinh hoàn di chuyển từ bụng xuống bìu và được cố định vào da bìu bởi dây chằng bìu. Phúc mạc bị kéo xuống bìu tạo một túi gọi là túi tinh mạc. Bình thường túi tinh mạc chỉ bao một phần tinh hoàn. Nhưng khi túi này bao phủ hoàn toàn tinh hoàn và một phần cuống thừng tinh, khi đó nó dễ bị xoắn.

Vì xoắn tinh hoàn là một bệnh cấp cứu, thời gian cho phép sáu giờ, nếu trễ hơn, chất lượng tinh hoàn sẽ giảm, thậm chí phải cắt bỏ. Cho nên lời khuyên đối với các bậc phụ huynh là nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay khi xuất hiện đau vùng bìu đột ngột cho dù trong đêm hôm. Còn đối với trẻ sơ sinh, khi thấy bìu sưng hoặc khi đụng vào trẻ quấy khóc cũng nên đi khám ngay.

BS-CKII NGUYỄN HỮU CHÍ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh siêu âm, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)

Nếu được chẩn đoán và can thiệp phẫu thuật sớm trước sáu giờ, khả năng cứu tinh hoàn gần 100%, sau 12 giờ chỉ còn 20% và sau 24 giờ gần như phải cắt bỏ tinh hoàn.

Theo Pháp luật TPHCM

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook