Thứ Năm, 14/01/2016 | 11:00

Cai nghiện ma túy: Chú trọng phương pháp trị liệu tâm lý

Ông Lê Trung Tuấn phát biểu tại Lễ công bố.

Đó là thông tin được đưa ra tại Lễ công bố kết quả nghiên cứu khoa học: “Nguyên nhân tái sử dụng ma túy và phương pháp mới dự phòng tái nghiện”, diễn ra ngày 13-1, do Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) tổ chức.

Nguyên nhân tái sử dụng ma túy

Nghiên cứu của PSD về “Nguyên nhân tái sử dụng, tái nghiện ở người sau cai nghiện ma tuý” cho biết: Có 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến hành vi tái sử dụng ma túy ở người sau cai nghiện ma túy. Thứ nhất là nhóm nguyên nhân từ các hình ảnh trực quan (những người liên quan trong quá trình sử dụng ma túy, các đồ vật, dụng cụ sử dụng ma túy, các địa điểm từng sử dụng ma túy); tiếp đến là nhóm các cảm xúc; cuối cùng là nhóm tình huống và hành vi nguy cơ.

Ông Lê Trung Tuấn (Chủ tịch Hội đồng sáng lập PSD – người đã đoạn tuyệt với ma túy được 15 năm), chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Bản thân là người đã chứng kiến sự khủng khiếp của ma túy, tôi ấp ủ rất lâu mong muốn tìm ra được một hướng đi nào đó cho những người nghiện ma túy. Họ không lí giải được việc họ quay trở về gặp lại những người bạn hiền, mùi mồ hôi của người bạn hiền… Và nghiên cứu này, chúng tôi đã trả lời cho họ.

Chúng tôi thực hiện khảo sát trên 1.329 học viên đang cai nghiện tại 7 Trung tâm chữa bệnh giáo dục và lao động xã hội thuộc 6 tỉnh thành phía Bắc. Kết quả nghiên cứu cho thấy có một mối liên hệ đặc biệt giữa 3 nhóm nguyên nhân trên với hành vi tái sử dụng ma túy của người nghiện. Trong đó việc nhớ lại “hình ảnh người bạn nghiện” có ảnh hưởng lớn nhất (chiếm 87,7%), tới hành vi tái sử dụng ma túy, tiếp theo là “đôi mắt”, “mùi của người bạn nghiện” là 31% và 45,5%. Đối với đồ vật/ dụng cụ “gợi nhớ” thì “giấy bạc thuốc lá” và “bơm kim tiêm” có mức ảnh hưởng là 32,7% và 68%; “quán nước hay ngồi với bạn nghiện”, “nơi mua bán ma túy” là 43,1% và 56,9%.

Khả năng tái nghiện cũng cao khi người nghiện rơi vào các cảm xúc tiêu cực như “bị kỳ thị/ xa lánh”, chiếm tới 52,7%”, “cảm thấy trầm uất/ cô đơn” là 43,2%”, “tức giận/ bực bội” là 38,2%, “mất niềm tin là 37,7%”…

Phương pháp mớidự phòng tái nghiện

Từ kết quả nghiên cứu, PSD đưa ra một số phương pháp mới dự phòng tái nghiện. Phương pháp được chia làm ba giai đoạn chính nhằm giảm sức hút của ma túy đến từ các tác nhân kích thích, giúp chủ thể có những kỹ năng cần thiết để vượt qua cơn thèm nhớ ma túy, quản lý sự căng thẳng tâm lý hiệu quả; và từ đó giúp chủ thể hình thành những dạng phản xạ mới, định hướng hành vi không sử dụng ma túy.

Quá trình trị liệu được diễn ra trong khoảng 3 tháng, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia có chuyên môn chuyên sâu, giàu kinh nghiệm. Sau thời gian trị liệu, học viên được chuyển sang giai đoạn đồng hành 1 năm, tiếp tục nhận được tư vấn, giáo dục, kĩ năng sống, học nghề, tái hòa nhập xã hội…

PGS.TS Mạc Văn Trang-Viện trưởng PSD khẳng định: “Chúng tôi quan niệm, dù dùng phương pháp gì cũng phải coi người cai nghiện là trung tâm, dùng tình yêu thương để cảm hóa, giúp họ vượt qua những khó khăn. Mọi tác động bên ngoài đều phải thông qua cơ chế tự điều chỉnh bên trong của cơ thể mới đem lại hiệu quả. Vì vậy, bí quyết trị liệu tâm lý là đem lại cho người cai nghiện ma túy niềm tin và kỹ thuật để vượt qua trạng thái thèm nhớ ma túy, dần dần tự làm chủ bản thân, trước các tác nhân gợi nhớ, thèm khát ma túy… “Dự phòng tái nghiện là hết sức khó khăn, có thể nói là khó khăn nhất của mục tiêu cai nghiện nhưng vẫn có thể thành công nếu có phương pháp khoa học và được thực hiện bài bản”.

Thủy Anh

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook