Thứ Ba, 21/02/2017 | 16:00

Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hà Nội kết luận 2 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Trí Đức hôm 25/12/2016 là do sốc phản vệ mức độ nặng song không thể lý giải vì sao.

Căn cứ trên kết quả giải phẫu pháp y và hồ sơ bệnh án, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội đã họp và ngày 21/2 kết luận quy trình gây mê và sử dụng thuốc gây mê trong 2 ca bệnh kể trên phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Bệnh nhân được bóp bóng khi khởi mê và cấp cứu. Thuốc gây mê đúng liều lượng, đúng loại, đúng trình tự cho cả 2 bệnh nhân.

Về quy trình cấp cứu khi bệnh nhân có diễn biến xấu, Hội đồng chuyên môn cho rằng 2 bệnh nhân đã được phát hiện sớm diễn biến nặng và được xử trí cấp cứu kịp thời bằng các biện pháp cấp cứu như thuốc, đặt ống nội khí quản, thở ôxy, sử dụng tiêm và truyền adrenalin đúng theo hướng dẫn cấp cứu sốc phản vệ. Các thuốc được sử dụng cho cả 2 người bệnh (theo hồ sơ bệnh án) là đúng loại, đúng liều, có trong danh mục thuốc của Bộ Y tế, được Việt Nam và trên thế giới sử dụng rộng rãi trong gây mê.

Dù vậy, hội đồng cho rằng bất cứ loại thuốc nào cũng đều có tác dụng không mong muốn và nguy cơ gây sốc phản vệ. Trên cơ sở đó, Hội đồng chẩn đoán nguyên nhân tử vong của 2 bệnh nhân trên là suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp trong quá trình khởi mê, sốc phản vệ mức độ nặng. Tuy nhiên Hội đồng chuyên môn “chưa đủ thông tin lý giải tình trạng suy hô hấp cấp nổi trội hơn suy tuần hoàn ở cả 2 trường hợp trên”.

Về quy trình mua bán thuốc, cấp phát thuốc, bảo quản thuốc của bệnh viện, Hội đồng chuyên môn chưa thể đưa ra kết luận vì chưa có đủ thông tin. Song hội đồng cho rằng Bệnh viện Trí Đức cần có máy chống rung tim trong phòng phẫu thuật. Việc bệnh viện quyết định chuyển 2 bệnh nhân lên tuyến trên là hợp lý nhưng cần đáp ứng tiêu chuẩn vận chuyển an toàn người bệnh cấp cứu.

Sáng 25/12/2016, hai bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa Trí Đức được bác sĩ chuẩn bị phẫu thuật với hai ca mổ cách nhau 25 phút. Mỗi kíp mổ gồm 5 thành viên. Bệnh nhân nữ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật tuyến giáp còn bệnh nhân nam cắt amidan. Cả hai bệnh nhân đều được gây mê nội khí quản, cùng được tiêm các loại thuốc gồm Atropine 0,25 mg, Midazolam 5 mg, Solumedrol 40 mg (tiền mê); sau đó 15 phút sử dụng tiếp 100 mg Diprivan và 30 mg Esmeron. Chỉ 30 giây sau gây mê, cả hai bệnh nhân cùng có dấu hiệu sốc phản vệ, được cấp cứu tại chỗ và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai song không qua khỏi. 

>> Xem thêm:

– Hai ca gây mê khiến bệnh nhân tử vong diễn ra thế nào
– 10 y bác sĩ liên quan đến 2 bệnh nhân tử vong bị đình chỉ phẫu thuật

Nam Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook