Trong ba tháng qua, ông Pils Norbert Michael, người Đức, bảy lần quay lại Bệnh viện Chợ Rẫy ăn dầm nằm dề ở khoa cấp cứu dù đã được chữa khỏi.
Các nhân viên y tế và bảo vệ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy nay đã quen mặt ông Pils Norbert Michael. Người đàn ông Đức này sinh năm 1948, đã quay lại bệnh viện bảy lần trong vòng ba tháng qua mặc dù Bệnh viện Chợ Rẫy làm mọi cách để giúp ông ta về nhà.
Ông Michael nhập viện vào tháng 5 trong tình trạng bị tắc động mạch đùi, phù nề chân, không có thân nhân đi cùng. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật làm cầu nối đùi, phải đoạn 1/3 chi bệnh nhân và chăm sóc cho vết thương lành hẳn. Do bệnh nhân không có tiền, các bác sĩ cho tiền taxi để bệnh nhân xuất viện và đưa về khách sạn nơi ông lưu trú. Khách sạn không nhận nên Michael lại xách vali đến Bệnh viện Chợ Rẫy “ăn dầm nằm dề”.
Trong bảy lần ông ta vào Chợ Rẫy, lần ở lâu nhất khoảng 10 ngày và hiện vẫn lưu trú tại Khoa cấp cứu. Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên hệ Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức nhờ can thiệp nhưng ông Michael từ chối hỗ trợ.
Bác sĩ Trần Tuấn Khương, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết hiện bệnh nhân đã hồi phục nhưng nhất quyết không chịu ra ngoài. Ông ta không có người thân nên các y bác sĩ khoa Cấp cứu phải cắt cử người chăm sóc hằng ngày trong tình trạng bệnh nhân luôn quá tải.
Một bệnh nhân nước ngoài không có thân nhân đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Khương Quỳnh.
Michael chỉ là một trong hàng chục bệnh nhân nước ngoài nhập viện không thân nhân mỗi năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, các bệnh nhân người nước ngoài thường không có thân nhân và tiền bạc, bất hợp tác điều trị và đã để lại nhiều khó khăn cho bệnh viện. Trên thực tế, các điều dưỡng và bác sĩ phải chia nhau chăm sóc những bệnh nhân người nước ngoài trong tình trạng bệnh viện quá tải. Nhiều người tử vong không thân nhân, bệnh viện đã hỗ trợ mai táng và đưa tro cốt vào chùa.
Mới đây, ngày 27/8, ông Ciuffini Walter Samuel sinh năm 1948, quốc tịch Mỹ, được người dân phát hiện ngồi gục bên đường nên chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Ông Sumuel bị đau ở vùng bụng, tiêu chảy kéo dài nhưng khi bác sĩ thăm khám thì bất hợp tác. Các bác sĩ đưa đi xét nghiệm, truyền dịch, ông ta la hét phản đối.
Điều dưỡng trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình, bà Nguyễn Phương Đài cho biết: “Bệnh nhân không chịu hợp tác điều trị, thể hình to lớn hơn người Việt nên chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của người khác để giúp ông ta thay tã”. Bệnh nhân này được xác định bị tổn thương ruột non, sỏi túi mật, theo dõi tổn thương ác tính đốt sống cánh chậu. Do Sumuel không có người thân, không giấy tờ liên quan nên lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy phải nhờ Lãnh sự quán Mỹ và Sở Ngoại vụ TP HCM tìm thân nhân bệnh nhân.
Tổng cộng, từ năm 2016 đến nay, bệnh nhân người nước ngoài nợ viện phí và chi phí lo hỗ trợ mai táng bệnh nhân quốc tế không thân nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy lên đến hơn 700 triệu đồng.
Trước gánh nặng nhiều bệnh nhân nước ngoài để lại, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã có công văn nhờ cơ quan đại diện ngoại giao một số nước, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM can thiệp, giúp đỡ. Tuy nhiên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM khẳng định chưa có chính sách nào hỗ trợ cho người nước ngoài điều trị bệnh ở Việt Nam.
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.