Thứ Tư, 25/11/2015 | 10:40

Giữa việc sống những năm thàng cuối đời trong sự thoải mái, và chi rất nhiều tiền để sống lâu hơn một vài năm, bạn sẽ chọn phương án nào?

Những người “gần đất xa trời” có lẽ không phải là đối tượng khách hàng phù hợp để bán những loại thuốc đắt tiền.

Mặc dù ngành y dược học hiện đại đang ngày càng thành công trong việc kéo dài sự sống của con người, thông qua những loại thuốc mới cũng như những tiến bộ của khoa học. Và đương nhiên, mức giá để đầu tư, cũng như để sử dụng những tiến bộ này cũng không hề nhỏ một chút nào. Điều này đặt ra một câu hỏi tất yếu: “Liệu hệ thống y tế công cộng có nên hỗ trợ chi trả cho những liệu pháp điều trị mới không, và nếu có, là bao nhiêu?” Chẳng hạn như, có nên hỗ trợ các bệnh nhân ung thư vú sử dụng loại thuốc mới Kadcyla, với chi phí lên tới tận 90.000 bảng trên mỗi bệnh nhân hay không?

Một số quốc gia tìm kiếm lới giải cho bài toán này thông qua việc nhìn vào tính tối ưu giữa giá thành và hiệu quả của những phương pháp điều trị mới. Đó là đáp án cho câu hỏi: “Phương pháp mới tốn bao nhiêu tiền, và hiệu quả tốt hơn bao nhiêu so với những phương pháp cũ?” Chẳng hạn như trong trường hợp của Kadycla, loại thuốc này có thể kéo dài sự sống của người bệnh thêm 6 tháng nữa.

Bạn sẽ chịu trả bao nhiêu tiền cho 1 năm tuổi thọ đời mình?

Nếu có một loại “thuốc tiên” cho bạn thêm 1 năm tuổi thọ, thì bạn sẵn sàng trả bao nhiều tiền cho nó?

Một trong những phương pháp toán học được dùng để giải đáp cho bài toán trên, sử dụng khái niệm QALY (Quality-Adjusted Life Year – Số năm chất lượng sống) để tính. Ví dụ như, liệu pháp điều trị có thể giúp bệnh nhân kéo dài sự sống thêm 1 năm, nhưng khiến chất lượng cuộc sống của họ giảm chỉ còn một nửa, sẽ tương đương với 0,5 QALY. Băng phương pháp này, hệ thống y tế sẽ có thể đặt ra mức chi trả tối đa đối với mỗi QALY. Quay trở lại với ví dụ ở trên, khi Viện Y Tế và Chăm Sóc Sức Khỏe của Anh (NICE) sẵn sàng chi tối đa 20.000 đến 30.000 bảng cho mỗi đơn vị QALY, đồng nghĩa với việc các bệnh nhân ung thư vú sẽ được hỗ trợ từ 10.000 đến 15.000 bảng cho một lần điều trị bằng thuốc Kadcyla.

Qua ví dụ này, chúng ta có thể thấy những phương pháp y học để kéo dài sự sống tỏ ra khá tốn kém, và hiệu quả mà chúng đem lại nhiều lúc không tốt hơn là bao. Thế nhưng những hệ thống y tế công cộng lại thường khá là “chịu chi” cho những phương pháp y tế hướng tới những người “gần đất xa trời”. Chẳng hạn như tại Mỹ, tới 30% trong mức quỹ thường niên 500 tỉ USD cho dịch vụ y tế được dành cho những bệnh nhân đang sống những ngày tháng cuối cùng. Tương tự như vậy, tại Anh, Trung tâm Dịch vụ Y tế Quốc gia chi khoảng 1,3 tỉ bảng mỗi năm cho nhóm bệnh nhận kể trên.

Vậy, nên ưu tiên cho ai?

Năm 2009, NICE cho biết viện đang xem xét kế hoạch nâng cao mức hỗ trợ tối đa đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Điều này đồng nghĩa với việc những liệu pháp điều trị đắt tiền, thậm chí lên tới 80.000 bảng cho mỗi đơn vị QALY sẽ tới gần với nhiều bệnh nhân hơn.

Nhưng liệu điều này có nên hay không? Nên nhớ rằng, với những hệ thống y tế sở hữu ngân sách cố định, việc tăng hỗ trợ cho những liệu pháp đắt tiền cũng đồng nghĩa với cắt giảm hỗ trợ tài chính đối với nhiều liệu pháp khác. Theo tính toán của hai nhà kinh tế Marissa Collins và Nicholas Latimer, sẽ có khoảng từ 6.000 đến 15.000 đơn vị QALY đến từ nhiều phương pháp điều trị khác sẽ không còn được hỗ trợ chi phí nữa.

Bạn sẽ chịu trả bao nhiêu tiền cho 1 năm tuổi thọ đời mình?

Tăng tiền hỗ trợ cho những liệu pháp này, cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm hỗ trợ cho nhiều liệu pháp khác

Những nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra rằng, việc hỗ trợ cho những liệu pháp đắt tiền để kéo dài sự sống cho các bệnh nhân “gần đất xa trời” có thể không phải là điều mà xã hội thực sự mong muốn. Theo như một nghiên cứu mới được thực hiện ở Anh, 4000 người được hỏi cho biết họ thấy không nên ưu tiên vào những phương pháp y tế được áp dụng khi con người ta sắp sửa qua đời. Vì theo lẽ thường tình, con người có xu hướng muốn đầu tư vào tính hiệu quả của các liệu pháp áp dụng được ở mọi thời điểm, hơn là những phương pháp chỉ áp dụng được trong một thời điểm nhất định.

Chi phí để kéo dài sự sống

Tại Singapore, một nghiên cứu mới được thực hiện tập trung về vấn đề chi phí của các phương pháp điều trị khác nhau. Có hai nhóm người tham gia vào nghiên cứu này: một nhóm gồm những người trung niên đang sống khỏe mạnh trong cộng đồng, và nhóm khác đang điều trị bệnh ung thư. Tại quốc gia này, các chi phí trong điều trị bệnh thường là do người dân tự chi trả, từ những khoản tiền tiết kiệm.

Câu hỏi được đặt ra cho cả hai nhóm tham gia nghiên cứu là: “Nếu họ mặc phải bệnh ung thư và chỉ còn sống được một thời gian ngắn nữa, thì họ sẵn sàng chi trả bao nhiêu tiền cho các phương pháp điều trị khác nhau?” Không ngoài dự đoán, những người đang điều trị bệnh ung thư sẵn sàng chi ra số tiền lớn hơn nhiều so với những người bình thường khỏe mạnh. Nhưng, điều đáng nói ở đây là, cả hai nhóm người tham gia đều chú trọng vào chất lượng sống trong quá trình điều trị, hơn là việc kéo dài sự sống thêm được bao lâu. Chẳng hạn như, những người bệnh sẵn sàng chi trả thêm trung bình khoảng 20.000 SGD (Đô la Singapore) chỉ để họ có thể được “nhắm mắt xuôi tay” tại nhà thay vì ở bệnh viện, và thêm 43.000 SGD cho những phương pháp điều trị giúp họ không phải chịu đau đớn.

Bạn sẽ chịu trả bao nhiêu tiền cho 1 năm tuổi thọ đời mình?

Cân đối chi phí đầu tư cho các phương pháp điều trị khác nhau luôn là bài toán đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách

Còn đối với những phương pháp điều trị giúp người bệnh sống thêm được 12 tháng, nhóm bệnh nhân chỉ sẵn sàng chi thêm khoảng 11.000 SGD (tức khoảng 5.000 bảng Anh). Những nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận tương tự, rằng người bệnh muốn tập trung vào chất lượng cuộc sống trong những năm tháng cuối đời, hơn là chỉ kèo dài sự sống đơn thuần.

Vậy, thông qua những nghiên cứu này chúng ta hiểu được điều gì? Những nhà hoạch định chính sách luôn phải đương đầu với những khó khăn trong việc quyết định đầu tư như thế nào cho các phương pháp điều trị y tế khác nhau. Cân đối chi phí cho những phương pháp điều trị ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt, với việc điều trị các bệnh về sinh sản hoặc vắc-xin cho trẻ em luôn luôn là bài toán khó giải đáp. Nhưng đối với những người bệnh “gần đất xa trời”, có lẽ bỏ quá nhiều thời gian, công sức, cũng như tiền của vào nghiên cứu các liệu pháp đắt tiền không phải là một phương án hay. Nhất là khi đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, họ coi trọng việc được ở cùng gia đình trong những ngày tháng cuối đời và được ra đi trong thanh thản, hơn là trở thành gánh nặng đối với gia đình bởi những liệu pháp điều trị tốn kém và dài hơi.

Tham khảo Gizmodo

Nguồn: GenK

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook