Ho là một phản xạ tự nhiên của đường hô hấp nhằm tống xuất các mầm bệnh, mủ, đờm, chất nhầy, chất xuất tiết ra ngoài làm sự sạch sẽ, thông thoáng đường thở.
Một số bệnh cần duy trì phản xạ ho như giãn phế quản, viêm phế quản cấp – mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, để loại bỏ đờm nhớt ra khỏi đường hô hấp.
Ho có nhiều nguyên nhân khác nhau. Tất cả các bệnh lý đường hô hấp trên – dưới từ mũi đến phế nang đều gây ho. Suy tim trái, đặc biệt là hẹp van hai lá cũng gây ho, có thể ho ra máu bọt hồng (do ứ máu hai đáy phổi, làm xuất tiết hồng cầu vào phế nang).
Ngay cả bệnh tiêu hóa như trào ngược dạ dày – thực quản hay gây ho, thường vào ban đêm hay khi bệnh nhân nằm (dịch trào ngược lên trên vào họng kích thích gây ho). Dùng thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển như captopril, lisinopril… cũng gây ho khan (do tích tụ bradykinin ở phổi).
Điều trị ho cần phải phân biệt ho có đờm hay không có đờm để chọn thuốc thích hợp.
Cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc trị ho cho trẻ nhỏ. |
Một số thuốc trị ho
Thuốc ức chế phản xạ ho: Bao gồm thuốc kháng histamin trị dị ứng (phénergan, théralène, atussin), thuốc ức chế ho gây nghiện (codein) và thuốc ức chế ho không gây nghiện (dextromethorphan).
Các thuốc ức chế ho gây nghiện qua hệ thần kinh trung ương, thuốc làm tăng ngưỡng của trung tâm ho ở não đối với phản xạ gây ho; hoặc qua hệ thần kinh ngoại biên làm giảm độ nhạy cảm của các thụ thể ở khí quản. Một số thuốc có tác dụng làm tê hay giảm đau trên thụ thể, bảo vệ thụ thể chống các kích thích hoặc gây giãn phế quản.
Các thuốc đó là: codein, pholcodin, dextromethorphan, clobutanol, dropropizin, eprazinon, với các biệt dược terpicod, paderyl, nospan, maxcom… Các thuốc nhóm này, nhất là codein, pholcodin, dextromethorphan, không được dùng cho người suy hô hấp, hen suyễn, trẻ em, người nuôi con bú.
Thuốc làm loãng đờm: Có tác dụng làm giảm độ quánh đặc của đờm giúp ho dễ dàng: acetylcystein, bromhexin, terpin hydrat, serratiopeptidase…
Các thuốc này làm thay đổi cấu trúc niêm dịch, giảm độ nhớt, dễ đào thải. Đó là các hoạt chất autylcystein, carbocystin, metylcystein, mesna… Các biệt dược: ACC, acemuc, turant, rhinathiol, mucusan… Nhóm thuốc này có thể gây tràn dịch phổi (ngập) và phá hỏng lớp chất nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày. Cần thận trọng với người có tiền sử loét dạ dày – tá tràng. Thuốc cũng không nên dùng cho người có thai 3 tháng đầu thai kỳ và người nuôi con bú.
Thuốc trị ho phối hợp nhiều thành phần: Đây là vấn đề mà các nhà điều trị học còn bàn cãi và có ý kiến cho là phi logic, gây tác dụng phụ phức tạp. Các chất phối hợp gồm kháng sinh, vitamin, sát khuẩn (guaifenesin), opioid, các chất làm long đờm, tiêu chất nhày, đặc biệt phải kể đến các chất giống giao cảm và kháng histamin.
Hai thuốc này có nhiều tác dụng phụ nặng nề với những người tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, bệnh tuyến giáp, glôcôm, u phì đại tuyến tiền liệt, ho có đờm, người mang thai, trẻ em và người cao tuổi, người suy hô hấp, bệnh tim, bệnh lý đường hô hấp và tai biến mạch máu não. Những thuốc phối hợp từ 3 đến 5 chất, ngoài tác dụng phụ còn gây ra tương tác bất lợi với các thuốc khác dùng cùng lúc.
Phản ứng có hại
Thuốc trị ho kháng histamin: Nhóm này có tác dụng phụ là buồn ngủ. Đối với người lớn dùng nhóm này cần tránh các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo như vận hành máy móc, lái xe… Ở trẻ em, không nên lạm dụng xem như thuốc ngủ để trẻ không quấy khóc đêm. Nếu dùng dài ngày hàng tháng trời sẽ gây hại cho trẻ. Chú ý không nên dùng thuốc nhóm này trong trường hợp ho có đờm vì thuốc làm quánh đờm, khó tống xuất và cản trở đường hô hấp.
Thuốc trị ho có chứa codein: Như terpin codein, acodin, neocodion. Chỉ người lớn mới được dùng, trẻ em phải lớn hơn 5 tuổi mới dùng, do codein là dẫn chất của morphin gây ức chế hô hấp.
Thuốc làm loãng đờm: Thuốc sẽ làm loãng chất nhầy của dạ dày, gây hại cho niêm mạc dạ dày. Vì vậy không nên dùng ở người bị loét dạ dày – tá tràng.
Những lưu ý khi sử dụng
Đối với trẻ em: Nếu thở nhanh, co kéo hõm trên và dưới xương ức, khò khè, thì phải cho trẻ nhập viện ngay để điều trị chứ không nên cho thuốc trị ho mà để trẻ ở nhà là rất nguy hiểm.
Đối với người lớn: Nên dùng thuốc đúng liều và trong thời gian ngắn thôi. Sau 1 tuần mà không đỡ hoặc hết ho thì phải đi khám ngay.
Theo BS.Ngô Văn Tuấn/Báo Sức Khỏe Đời Sống
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.