Thứ Sáu, 08/11/2019 | 13:22

Mục tiêu phục hồi chức năng cho người đau cột sống thắt lưng (CSTL)

Đau cột sống hay còn gọi là đau lưng vùng thấp là hội chứng do đau khu trú trong khoảng từ ngang mức L1 đến nếp lằn mông (có thể ở một bên hoặc cả hai bên), đây là một hội chứng xương khớp hay gặp nhất trong thực hành lâm sàng. Khoảng 65 – 80% những người trưởng thành trong cộng đồng có các cơn đau CSTL cấp tính hoặc từng đợt một vài lần trong cuộc đời và khoảng 10% số này bị chuyển thành đau CSTL mạn tính. Các cơn đau CSTL thường gây ra những trở ngại rất lớn đến công việc và sinh hoạt của người bệnh. Phục hồi chức năng đau thắt lưng có vai trò quan trọng nhằm giúp bệnh nhân giảm các cơn đau lưng đồng thời khôi phục lại chức năng vận động hiệu quả.

Nguyên nhân đau cột sống thắt lưng

Đau CSTL là một trong những hội chứng thường gặp ở rất nhiều người và do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó, một số nguyên nhân chính có thể gây đau thắt lưng thường gặp nhất là do căng giãn cơ, giãn dây chằng, trường hợp này là do làm việc sai tư thế, bị nhiễm lạnh, đau thắt lưng cũng có thể là do bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, trượt thân đốt sống, dị dạng thân đốt sống (cùng hóa thắt lưng 5, thắt lưng hóa cùng 1…), loãng xương nguyên phát… Loại này diễn biến lành tính, chiếm 90% số trường hợp đau cột sống thắt lưng.

Ngoài ra, những cơn đau này là triệu chứng của một trong các bệnh khớp mạn tính (viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, loãng xương); hoặc tổn thương tại cột sống do nguyên nhân nhiễm khuẩn (viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn lao hoặc vi khuẩn sinh mủ); do ung thư; do các nguyên nhân khác (sỏi thận, loét hành tá tràng, bệnh lý động mạch chủ bụng, u xơ tuyến tiền liệt…), tổn thương cột sống do chấn thương…

Phục hồi chức năng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân đau CSTL. Trước hết cần xác định chính xác nguyên nhân gây ra các cơn đau thắt lưng. Sau đó sẽ đề ra các phương pháp hỗ trợ điều trị phù hợp. Mục tiêu hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng đau thắt lưng là nhằm giảm đau, duy trì chức năng cột sống, phòng ngừa đau tái phát cũng như các biến dạng cột sống, không làm bệnh tiến triển nặng thêm. Có thể kết hợp các nhóm: thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ và các bài tập theo hướng dẫn của các kỹ thuật viên chuyên ngành phục hồi chức năng để giảm đau, phục hồi.

Yhocvn.net (Theo Bệnh viện phục hồi chức năng Hà Nội)

Bài cùng chủ đề:

+ Bài tập phòng ngừa, giảm đau cột sống, cột sống cổ

+ Hướng dẫn chăm sóc đau cột sống cổ, thắt lưng đúng cách

+ Đau cột sống do những thói quen hàng ngày mà bạn không để ý

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook