Thứ Năm, 02/02/2017 | 09:30

Mỗi ngày chúng ta đều tiếp xúc với rất nhiều biểu tượng. Lúc không tìm được từ ngữ biểu đạt cảm xúc phù hợp, chúng ta còn dùng biểu tượng để thay thế. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi nguồn gốc những biểu tượng quen thuộc đó như thế nào không? Liệu chúng có ý nghĩa như những gì bạn tưởng tượng?

▼ 1. Kí tự “&”

Kí tự “&” có tên chính thức là “ampersand”, chính là từ nối “et” trong tiếng Latin có nghĩa là “và”. Biểu tượng này được tạo ra lần đầu tiên ở La Mã Cổ đại bởi Tiro, thư kí riêng của nhà triết học Marcus Tullius Cicero, một trong số những nhà hùng biện vĩ đại nhất La Mã. Để tăng tốc độ viết, Tiro đã nghĩ ra một hệ thống các từ viết tắt mà sau này được biết đến là “Ghi chép của Tiro”. Nhiều thế kỉ sau, kí tự “&” đã trở nên phổ biến ở Châu Âu và Châu Mỹ đến mức, nó đã được đưa vào bảng chữ cái tiếng Anh trong một thời gian dài cho đến tận đầu thế kỉ 20. Cách viết kí tự này cũng là từ chữ cái “E” và “T” hợp lại, tạo thành (&) như ta vẫn sử dụng ngày nay.

7 biểu tượng gần gũi nhưng hiếm người biết được ý nghĩa thực sự của chúng

▼ 2. Biểu tượng Trái tim

Đối với biểu tượng này, trái với quan niệm thông thường rằng “tình yêu nằm ở trái tim”, hình dáng của trái tim người không hề giống hình dáng biểu tượng trái tim tí nào. Dù vậy, nguồn gốc thật của biểu tượng này thì lại không rõ ràng.

Một giả thuyết cho rằng khi hai con thiên nga đến mùa giao phối, chúng sẽ lại gần nhau và hình dáng của chúng sẽ hòa làm một, tạo thành hình giống biểu tượng trái tim. Ở văn hóa nhiều nước trên thế giới, loài chim này tượng trưng cho tình yêu, sự hiến dâng và lòng chung thủy – cũng nhờ vào việc các cặp thiên nga thường sống với nhau trọn đời. Giả thuyết khác cho rằng biểu tượng trái tim bắt nguồn từ hình dạng cơ thể nữ giới. Những người ủng hộ giả thuyết này tin rằng biểu tượng trái tim thể hiện hình dạng khung xương chậu của phụ nữ. Người Hi Lạp cổ đại được biết đến là thường gắn ý nghĩa đặc biệt cho bộ phận hình thể này và thậm chí còn xây dựng một ngôi đền thờ cho nó để dâng lên nữ thần Tình yêu Aphrodite. Ngoài ra, cũng có nhiều người cho rằng biểu tượng này mô phỏng hình dáng lá thường xuân. Trên các bình cổ, người Hy Lạp thường vẽ lá thường xuân để ám chỉ thần Dionysus – vị thần của nghề nấu rượu và của sự say mê.

7 biểu tượng gần gũi nhưng hiếm người biết được ý nghĩa thực sự của chúng

▼ 3. Bluetooth

Vào thế kỉ thứ 10 sau Công nguyên, Đan Mạch được trị vì bởi Vua Harald Blåtand, nhân vật lịch sử nổi tiếng vì đã thống nhất các bộ lạc Bắc Âu lại thành một vương quốc duy nhất. Harald thường được gọi là “Bluetooth” (Răng Xanh) vì ông được biết đến là người rất thích quả việt quất, và điều đó làm răng của ông lúc nào cũng có màu hơi xanh xanh.

Công nghệ Bluetooth thì lại được phát minh nhằm kết nối nhiều thiết bị điện tử lại vào chung một hệ thông kết nối duy nhất. Vì vậy, biểu tượng của công nghệ này là sự kết hợp của hai kí tự rune của người Scandinavia: “Hagall” (hay “Hagalaz”) tương ứng chữ cái Latin “H”, và “Bjarkan” – tương ứng chữ cái “B”. Hai chữ cái này là hai chữ cái đầu của Harald Blåtand. Có một sự thật thú vị là thiết bị Bluetooth đời đầu có màu xanh dương, và đương nhiên, mang hình dáng của một cái răng.

7 biểu tượng gần gũi nhưng hiếm người biết được ý nghĩa thực sự của chúng

▼ 4. Biểu tượng Y tế

Khá bất ngờ là biểu tượng của ngành y tế – cây trượng có cánh và hai con rắn quấn quanh – thật ra bắt nguồn từ một nhầm lẫn. Theo như truyền thuyết, vị thần Hy Lạp Hermes (hay trong phiên bản La Mã là Mercury) sở hữu một cây trượng thần tên là Caduceus, có hình dáng y hệt biểu tượng ngành Y tế hiện đại. Cây trượng Caduceus có khả năng xóa tan bất cứ tranh chấp nào và làm hòa giải phe phái, nhưng nó không có liên quan gì đến y tế cả. Đơn giản là, khoảng hơn một trăm năm trước, các bác sĩ quân đội Mỹ đã nhầm lẫn trượng Caduceus với cây gậy thần của Asclepius (không có cánh và chỉ có một con rắn quấn quanh). Aslecpius vốn là vị thần Hy Lạp cổ đại chữa bệnh và y học, nên việc nhầm lẫn trên là dễ hiểu. Từ đó về sau, biểu tượng này đã được sử dụng rộng rãi và được chính thức công nhận là tượng trưng cho ngành Y tế.

7 biểu tượng gần gũi nhưng hiếm người biết được ý nghĩa thực sự của chúng

▼ 5. Biểu tượng nút nguồn

Biểu tượng nút nguồn – bao gồm một hình tròn khuyết bên trên và một nét vạch ở giữa – có thể được tìm thấy ở hầu hết tất cả các thiết bị điện, nhưng có rất ít người biết đến nguồn gốc xa xưa của nó. Vào những năm 1940, các kĩ sư điện đã sử dụng hệ thống số nhị phân cho các công tắc điện, trong đó 1 nghĩa là “bật” và 0 nghĩa là “tắt”. Nhiều thập kỉ sau, biểu tượng này dần dần biến thành một hình tròn (số 0) và một gạch dọc (số 1).

7 biểu tượng gần gũi nhưng hiếm người biết được ý nghĩa thực sự của chúng

▼ 6. Biểu tượng hòa bình

Biểu tượng hòa bình được phát minh vào năm 1958 trong các cuộc biểu tình chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Biểu tượng này thể hiện cả hai chữ cái N và D, viết tắt của Nuclear Disarmament (Giải trừ Vũ khí hạt nhân) trong hệ thống semaphore (loại hình truyền tin dùng cờ tay làm phương tiện truyền tải các tín hiệu). Trong bảng tín hiệu semaphore, chữ cái “N” được thể hiện bởi 2 lá cờ hình chữ V ngược, chữ cái “D” được thể hiện bởi một lá cờ chỉ lên trời và một lá cờ chỉ xuống đất. Ghép lại hai tín hiệu này ta sẽ được biểu tượng hòa bình.

7 biểu tượng gần gũi nhưng hiếm người biết được ý nghĩa thực sự của chúng

▼ 7. Biểu tượng OK

Hầu hết mọi người đều nghĩ cử chỉ này nghĩa là “Tốt” hoặc “Được”. Tuy nhiên ở một số nơi biểu tượng này lại mang ý nghĩa xấu. Ở Pháp, cử chỉ này được hiểu là “Bạn chỉ là con số không thôi.” Có một vài ý kiến về nguồn gốc của biểu tượng này: Người ta cho rằng OK là viết tắt của “Old Kinderhook, New York” – là quê hương của Tổng thống thứ 8 nước Mỹ, Martin Van Buren. Trong suốt chiến dịch bầu cử của mình, Van Buren đã lấy biệt danh theo tên viết tắt quê hương mình. Khẩu hiệu trong chiến dịch của ông là “Old Kinderhook là O.K”, cùng với các tờ rơi in hình người giơ bàn tay ra hiệu OK. Một giả thiết khác là Tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ, Andrew Jackson, đã sử dụng biểu tượng này khi đưa ra các quyết định của mình. Ông thường viết chữ “Tất cả đều được chấp thuận” bằng tiếng Đức, viết tắt là OK.

Cũng có người nói đây là một trong những biểu tượng của Phật giáo và Ấn Độ giáo, tượng trưng cho việc thảo luận tri thức, thường dùng khi giải thích hoặc truyền thụ Phật Pháp.

7 biểu tượng gần gũi nhưng hiếm người biết được ý nghĩa thực sự của chúng

Đằng sau mỗi biểu tượng là một câu chuyện phức tạp, trải qua nhiều năm diễn biến, chúng mới trở thành hình dạng như ngày nay.

Huy Hoàng (TH)

Nguồn: ĐKN

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook