Vốn nổi tiếng là bậc thầy của những thử tỉ mỉ, người Nhật luôn khiến chúng ta phải kinh ngạc trước những thứ họ làm nên. Dưới đây là một vài phép tắc khác lạ của họ, hãy cùng khám phá xem chúng là những gì nhé!
Chào hỏi khi gặp nhau
Với những đối tượng, lứa tuổi và mối quan hệ khác nhau mà người Nhật sẽ có những cách chào khác nhau.
1. Eshaku (nghiêng 15 độ): Kiểu chào giữa những người ngang hàng, có quan hệ thân thiết.
2. Keirei (nghiêng 30 độ): Kiểu chào thể hiện sự tôn trọng với người lớn tuổi, bố mẹ chào thầy cô giáo của con, giữa những người mới gặp lần đầu.
3. Saikeirei (nghiêng 45 độ): Kiểu chào để thể hiện sự kính trọng cao nhất, lời cảm ơn, xin lỗi sâu sắc.
Khi tới chơi nhà người Nhật, bạn nên để dép hướng vào trong hay ra ngoài cửa?
Khi bước vào các ngôi nhà và cả những nơi công cộng có lát sàn gỗ ở Nhật. Bạn cần lưu ý xếp giày, dép của mình thật gọn gàng, xoay mũi hướng ra ngoài. Việc làm như vậy, bạn sẽ dễ dàng tìm được giày dép của mình, không gây cảnh lộn xộn khi tạm biệt chủ nhà.
Khi vào nhà hàng, bạn thường được nhân viên đưa một chiếc khăn nóng để làm gì?
Người Nhật có truyền thống sử dụng khăn ướt Oshibori để lau tay trước bữa ăn. Khăn mới có thể được cung cấp khi khăn cũ đã bẩn. Hiện nay, quy tắc đã được nới lỏng khi mọi người có thể dùng khăn để lau miệng. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không dùng chúng để lau các khu vực khác như cổ, tai, má…
Chủ nhà thường rót rượu sake cho khách vừa đủ hay tràn cả ra ngoài?
Rượu sake là thức uống truyền thống nấu từ gạo của đất nước Nhật. Ly để uống là ly masu – một chiếc hộp vuông bằng gỗ dùng để đong gạo nấu cơm. Ngoài cách uống trực tiếp từ hộp, người Nhật còn đặt ly thủy tinh nhỏ trong hộp masu. Khi đó, họ sẽ rót tràn ly thủy tinh để thể hiện sự quý mến với khách tới chơi.
Có được phép đếm lại tiền thừa khi mua hàng?
Người bán hàng thường đếm tiền ngay trước mặt khách trước khi trả, khách phải để ý ngay lúc này để tránh bị trả thừa/thiếu. Nếu khách đếm lại tiền, hành động đó bị coi là thiếu tế nhị, không tôn trọng sự trung thực của người bán.
Tiền giao dịch giữa hai bên luôn được để trong khay để đảm bảo không rơi xuống đất, nhất là các đồng xu có thể gây ra tiếng động.
Ăn mì có được phát ra tiếng động hay nói chuyện?
Nếu như người phương Tây thích giữ im lặng khi nhai thức ăn, thì người Nhật cho rằng ăn mì phải phát ra tiếng động. Họ có thể nâng cả bát mì lên để húp nước và hầu như không nói chuyện.
Quy Tâm (th)
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.