Đất nước bí ẩn nhất thế giới – Triều Tiên, luôn khiến cho chúng ta phải ngạc nhiên về cách họ sử dụng và khai thác nhiều thứ, một trong số đó chính là công nghệ.
Những chính sách công nghệ trong thời đại internet của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có những thay đổi đáng chú ý khi tham gia nhiều hơn vào hoạt động trực tuyến.
Theo tiết lộ của Business Insider, cách mà công dân nước này sử dụng công nghệ khá độc đáo, thậm chí đôi khi có phần hài hước.
Hầu như không có ai sử dụng Internet
Internet có tồn tại ở Triều Tiên nhưng bị hạn chế nghiêm trọng và hầu như chỉ có người nước ngoài cùng một số thành phần ít ỏi trong nước được sử dụng.
Hầu hết mọi người truy cập Internet nội bộ của Triều Tiên – một mạng lưới hoàn toàn ngăn cách với thế giới bên ngoài. Các trang web được xây dựng chủ yếu cho các tổ chức của Triều Tiên, nhưng điều thú vị là mạng nội bộ của nước này lại mở cửa cho thương mại trực tuyến. Website mua bán trực tuyến đầu tiên của họ là Okryu được ra mắt vào năm 2015.
Mạng xã hội
Facebook bị cấm sử dụng tại Triều Tiên, tuy nhiên giữa năm 2016, Triều Tiên mới cho ra mắt mạng xã hội mang tên gọi StarCon để phục vụ người dân. Cùng với việc chặn các mạng xã hội của thế giới vì vấn đề thông tin, StarCon mang đến cho người dân trải nghiệm hoàn toàn mới.
Có chức năng, cũng như giao diện “hao hao” Facebook, StarCon được cho là 1 dự án thử nghiệm của 1 hãng truyền thông nước này.
Trớ trêu thay, 1 hacker người Scotland có tên Andrew McKean đã đánh sập StarCon bằng cách không thể dễ dàng hơn. Chỉ việc nhập tài khoản “đơn giản nhất mọi thời đại” là:
– Tên đăng nhập: admin
– Mật khẩu: password
Andrew đã có thể vào và tùy chỉnh được hệ quản trị của website này.
Sử dụng điện thoại thông minh
Điện thoại di động đang ngày càng trở nên phổ biến tại Triều Tiên. Theo nhà mạng Koryolink, có khoảng 3 triệu thuê bao di động tại nước này. Thậm chí Triều Tiên đã tự sản xuất được smartphone trong nước khiến cả cộng đồng công nghệ thế giới tỏ ra thích thú.
Sản phẩm này của hãng Arirang, chạy hệ điều hành Android và được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đánh giá là sản phẩm có “màn hình cảm ứng nhạy và camera có nhiều điểm ảnh”.
Sản phẩm này mang đến cơ hội cho người dân Triều Tiên lần đầu được tiếp cận và sử dụng smartphone. Trước đó họ chỉ được sử dụng các loại điện thoại nắp trượt hoặc gập nhập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hoài nghi về “bộ ruột” của sản phẩm này. Nhiều người cho rằng linh kiện bên trong Arirang là các sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc và chỉ được lắp ráp tại Triều Tiên. Thậm chí, nhiều nguồn tin đồn đoán rằng 1 sản phẩm Arirang thực sự chỉ có khâu đóng gói là được thực hiện ở Triều Tiên mà thôi.
Tuy nhiên họ không thể thực hiện các cuộc gọi quốc tế
Nhà mạng chính của Triều Tiên là Koryolink không cho phép khách hàng thực hiện các cuộc gọi quốc tế. Nhưng trên thực tế những người dân sống gần biên giới Trung Quốc đã sử dụng điện thoại nhập khẩu (lậu) và thẻ sim để gọi cho thân nhân ở nước ngoài (theo Tổ chức n xá Quốc tế). Tất nhiên nếu bị bắt gặp hoặc phát hiện ra, họ sẽ gặp rắc rối khi bị cách nhà chức trách truy bắt.
Máy tính để bàn dành cho người giàu
Triều Tiên cũng sử dụng máy tính nhưng chủ yếu dành cho giới thượng lưu, ví dụ những sinh viên may mắn đang theo học tại trường Đại học Bình Nhưỡng. Máy vi tính cũng có sẵn trong các quán cà phê Internet và các trường học nhưng việc sử dụng phải được theo dõi chặt chẽ.
Bên cạnh máy tính để bàn, Triều Tiên cũng có máy tính xách tay. Máy tính dành cho học sinh thì không có nhiều chức năng vì chủ yếu phục vụ cho việc học tập. Còn các doanh nhân được sử dụng những chiếc laptop tương tự nhưng có phần “đỉnh” hơn khi được cài sẵn các phần mềm hỗ trợ công việc như các trình duyệt web, dù việc truy cập Internet cũng khá hạn chế.
USB được xem là phụ kiện thời trang
Do máy tính khá hiếm hoi nên USB được sử dụng như một phụ kiện thời trang.
Hệ điều hành máy tính dựa trên Linux
Triều Tiên cũng tự mình cho ra 1 hệ điều hành có tên Red Star OS. Đây có thể coi là sự kết hợp giữa Linux và… MacOS của Apple. Hệ điều hành này được phát triển tại Triều Tiên từ năm 2002 và tới năm 2013, Red Star OS đã có tới phiên bản 3.0.
Theo nhà nghiên cứu an ninh Đức Florian Grunow và Niklaus Schiess thì hệ thống này gồm một dịch vụ xử lí văn bản, lịch và sáng tác nhạc. Người dân sử dụng USB nhập lậu từ Trung Quốc để trao đổi các bộ phim, tin tức và các phương tiện truyền thông khác một cách bất hợp pháp vì hệ thống máy tính sẽ đánh watermark lên các file và chúng có thể được truy xuất xứ khi truyền tải.
Nó khá giống với MacOS X.
Máy tính bảng
Đã có những sản phẩm máy tính bảng khá “Triều Tiên” được lên kệ. Đầu tiên là chiếc máy tính bảng đầu tiên “Made in Triều Tiên” có tên gọi Samjiyon. Chiếc máy tính bảng này từng được cho phép bán đến tay các vị khách nước ngoài, nhưng tới năm 2014 thì bị cấm. Chiếc Samjiyon có chip xử lý tốc độ 1,2 GHz, RAM 1 GB cùng bộ nhớ trong tùy chọn 8 hoặc 16 GB. Máy chỉ có camera sau với thông số 2 MP cùng màn hình 7 inch độ phân giải 1.024 x 768 pixel.
Mới đây, Triều Tiên tiếp tục cho ra sản phẩm có tên Woolim, được sản xuất từ hãng công nghệ có tên Hoozo của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu an ninh Florian Grunow, Niklaus Schiess, và Manuel Lubetzki đã phát hiện ra việc nước này công bố máy tính bảng Woolim. Nó không có kết nối Wi-Fi hoặc Bluetooth và chạy một phiên bản Android được tùy biến. Sản phẩm này hầu như chỉ dành cho giới thượng lưu dù nó được sản xuất tại Trung Quốc với giá khá rẻ, chỉ khoảng 250 EUR (6 triệu đồng). Theo các nhà nghiên cứu, mức giá này nằm trong khả năng chi trả của hầu hết người dùng Triều Tiên.
Máy nghe nhạc, xem video
Đây là một thiết bị được người dân Triều Tiên sử dụng nhiều nhất. Nó hoạt động như máy nghe nhạc cầm tay, nhưng có trang bị cổng USB và đầu đọc đĩa DVD. Thống kê cho biết có tới hơn 50% dân số thành thị sở hữu thiết bị này.
Một số người sử dụng TV nhưng họ không thể xem nhiều
Chính phủ Triều Tiên kiểm soát chặt chẽ các chương trình TV để có thể kịp thời phát hiện ra các nội dung truyền hình không được phép ở nước này.
Người dùng chỉ có thể lựa chọn giữa 2 nhà mạng
Nhà mạng di động chủ đạo ở Triều Tiên là Koryolink – một liên doanh giữa công ty viễn thông Ai Cập Orascom và chính phủ. Tuy nhiên, Orascom không còn kiểm soát Koryolink từ năm 2015 và đối thủ chính của nó là Byol. Mặc dù vậy, Byol có thể sẽ được sáp nhập với Koryolink để giúp chính phủ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát hệ thống viễn thông.
Thủy Tiên tổng hợp
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.