Thứ Ba, 01/03/2016 | 12:30

Dễ mắc, hay tái phát, viêm tai giữa là mối nguy của bé và nỗi lo của bố mẹ.

Viêm tai giữ diễn tiến bệnh nhanh, nhiều biến chứng

Chị Nga (Quận Hà Đông, Hà Nội) cứ đều đặn một tháng một lần lại đưa cậu con trai 15 tháng tuổi đến bác sĩ chuyên khoa Tai-mũi-họng kiểm tra tai. Con trai chị bị bị viêm tai giữa từ lúc 7 tháng tuổi, từ lần đấy cứ mỗi lần trở trời, bé bị viêm họng, sổ mũi, nếu không xử lý kịp sang đến ngày thứ 3 là viêm tai giữa lại tái phát.

Viêm tai giữa là hiện tượng niêm mạc tai giữa bị xung huyết và tạo mủ, bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Trong 6 tháng đầu, những trẻ được bú mẹ hoàn toàn rất hiếm khi bị viêm tai giữa nhờ các kháng thể có trong sữa mẹ.

Viêm tai giữa: Bé đau, mẹ khổ

Ảnh minh họa

Theo BS. Ngô Trọng Tùng (chuyên khoa Tai mũi họng, Phòng khám Huyền Trang, Hà Nội): Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm tai giữa ở trẻ nhỏ, nguyên nhân chủ yếu là do viêm mũi họng gây ra viêm mũi họng, sau cúm, hoặc do bệnh lý về nhiễm virus, sốt virus. Do cấu tạo vòi nhĩ của trẻ ngắn, khẩu kính lớn hơn (so với người lớn) nên vi khuẩn và các chất dịch ở mũi họng (khi bị viêm) rất dễ lan lên tai giữa. Ngoài nguyên nhân viêm nhiễm còn có nguyên nhân do chấn thương, ví dụ que nhọn đâm vào tai gây viêm tai giữa”.

Viêm tai giữa cấp thường được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn xung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mũ. Trẻ bị viêm tai giữa thường có biểu hiện hay quấy khóc (do đau ở tai), đưa tay dụi hoặc cấu tai, chán ăn, nôn hoặc tiêu chảy, có thể sốt cao. Khi ấn vào vùng tai hoặc kéo vành tai sẽ gây đau nhói nên trẻ nhỏ khóc thét.

Ở trẻ lớn hơn đã biết nói, trẻ có thể kêu đau đầu, nghe không rõ. Khi nội soi vùng tai thì thấy màng nhĩ đỏ, không di động hoặc căng phồng… Khi chuyển sang giai đoạn chảy mủ, bố mẹ dễ dàng phát hiện ra ở tai của bé chảy mủ màu trắng hoặc hơi vàng và có mùi hôi. Lúc này cảm giác đau giảm, bé đỡ quấy khóc hơn nhưng thực tế bệnh đang chuyển sang giai đoạn nặng, cần phải điều trị kịp thời nếu không sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ không liền, viêm xương chũm, xuất ngoại mủ (sưng đỏ hoặc rò mủ sau tai), viêm màng não, nguy hiểm nhất là áp xe não có thể nguy hại đến tính mạng.

Điều trị kiên trì và đề phòng tái phát

Như đã nói, bệnh viêm tai giữa tiến triển khá nhanh, phát hiện càng sớm thì khả năng điều trị khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng càng cao. BS. Ngô Trọng Tùng cho biết: Tùy thuộc vào từng giai đoạn, việc điều trị viêm tai giữa sẽ có những phác đồ khác nhau.

Ở giai đoạn đầu – giai đoạn xung huyết, điều trị nội khoa là chính. Bệnh nhi sẽ được điều trị bằng kháng sinh đường uống hoặc tiêm, thuốc chống viêm, nhỏ thuốc tại tai. Nếu trẻ đau hoặc sốt, có thể dùng thêm hạ sốt giảm đau liều dùng theo cân nặng của trẻ.

Ở giai đoạn ứ mủ, bác sĩ có thể sẽ thực hiện trích rạch màng nhĩ để giải phóng mủ từ tai giữa ra ngoài, giảm áp lực cho tai giữa, không để mủ lan vào phía trong gây viêm xương chũm. Điều trị nội khoa như giai đoạn viêm tai giữa cấp nhưng sử dụng thuốc nhỏ tai cho loại viêm tai có thủng màng nhĩ.

Ở giai đoạn vỡ mủ, lúc này áp lực của mủ đã làm vỡ màng nhĩ. Bệnh nhân được chỉ định làm thuốc tai tại chỗ, có thể kết hợp điều trị nội khoa nếu bác sĩ thấy cần thiết.

Ngoài ra, BS. Ngô Trọng Tùng cảnh báo: Viêm tai giữa rất dễ tái phát, nên bố mẹ cần hết sức giữ gìn cho bé. Trong những ngày gió lạnh cần tránh gió, giữ ấm cho bé, giữ vệ sinh mũi họng, hạn chế tối đa việc bé bị các bệnh về đường hô hấp, viêm mũi họng, để tránh lây sang tai. Khi tắm bé cũng cần cẩn thận không để nước vào tai gây viêm nhiễm. Khi gội đầu cho trẻ, không nên hạ thấp đầu quá, nước sẽ chảy vào tai giữa, gây viêm. Khi trẻ nôn trớ, không nên đặt trẻ nằm đầu thấp vì chất nôn dễ tràn vào tai giữa. Ngoài ra, cho bé bú mẹ (nhằm tận dụng nguồn kháng thể trong sữa mẹ) cũng là một cách tốt để phòng viêm tai giữa cho bé. Tuy nhiên, cần hạn chế cho bú ở tư thế nằm, nhất là khi bé ngủ, phòng khi bé ngủ quên nuốt, dễ có nguy cơ sữa chảy vào tai gây viêm.

Trường hợp bé bị viêm mũi họng và viêm VA thì phải điều trị dứt điểm đề phòng nguy cơ gây ra viêm tai giữa. Đặc biệt khi nghi ngờ trẻ bị viêm tai, tuyệt đối không tự điều trị cho bé, mà hãy đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa.

Lâm Anh

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook